Vào lúc 10h ngày 2/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai và Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng ban Thường trực sẽ chủ trì họp chỉ đạo ứng phó với bão số 10 (bão Goni).
Vào lúc 4 giờ ngày 2/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,3 độ Vĩ Bắc; 119,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 820km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 180km tính từ tâm bão.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 4 giờ ngày 3/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 340km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 112,5 đến 120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 4 giờ ngày 4/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông, cách Quảng Nam khoảng 310km, cách Quảng Ngãi và Bình Định khoảng 240km, cách Phú Yên khoảng 260km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10km, đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4 giờ ngày 5/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km.
Cảnh báo mưa dông, gió mạnh và sóng lớn trên biển
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên từ trưa nay (2/11), ở Vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 8, biển động. Khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động. Sóng cao từ 3-4m.
Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp hoàn lưu của cơn bão Goni nên trong ngày và đêm nay (2/11), ở vùng biển phía Đông của khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 13; sóng biển cao từ 4-6m, biển động rất mạnh.
Vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; sóng cao từ 2,0-3,0m, biển động. Vùng biển phía Đông của khu vực Bắc và giữa Biển Đông có mưa bão.
Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Bão số 9 đã gây hậu quả nặng nề cho người dân miền Trung
Theo thống kê sơ bộ ban đầu đến ngày 1/11, bão số 9 đã làm 80 người thiệt mạng và mất liên lạc; thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó, nặng nhất là tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi.
Trong cơn bão số 9 vừa qua, tỉnh Quảng Ngãi không để xảy ra trường hợp người tử vong, còn số người bị thương là 13 trường hợp. Tuy nhiên, thiệt hại về tài sản do bão số 9 gây ra tại Quảng Ngãi là rất lớn.
Cụ thể, thiệt hại về nhà, với số bị hư hỏng, đổ sập hoàn toàn là 325 căn; tốc mái, hư hỏng là 140.033 căn; 450 trường học và cơ sở giáo dục, 70 cơ sở y tế, 105 nhà văn hóa thôn, xã và 1 di tích lịch sử, 165 trụ sở cơ quan tại các huyện, thị xã, thành phố bị tốc mái, hư hỏng...
Tại tỉnh Quảng Nam, có 23 người tử vong và 81 người bị thương. Về nhà ở bị thiệt hại là 27.750 nhà, trong đó thiệt hại hoàn toàn 217 nhà; thiệt hại từ 30%-50% là 1.030 nhà và thiệt hại một phần là 26.380 nhà; 55 điểm trường, 24 bệnh viện, trạm y tế xã và 13 công trình văn hóa bị bị tốc mái, hư hỏng...