Chiều ngày 2/11, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức buổi họp báo định kì tháng 10/2020. Tại cuộc họp báo, nhiều thông tin được phóng viên quan tâm. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến việc 54 căn nhà trái phép dưới chân núi Voi, trên đất lâm nghiệp tại tiểu khu 268.
Tại cuộc họp này, ông Lê Nguyên Hoàng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho biết, trong ngày 2/11 huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý tình trạng lấn chiếm đất rừng và xây dựng trái phép tại tiểu khu 268 thuộc địa bàn xã Hiệp An. Ngoài ra, huyện này cũng đã thành lập chốt 24/24 để ngăn chặn việc tái vi phạm tại các công trình này.
"Hiện, qua kiểm tra, rà soát trong 54 căn nhà trái phép dưới chân núi Voi, công trình vi phạm có 42 căn nhà xây dựng trên khu vực đất lâm nghiệp, trước đây là nhà tạm của người đồng bào dân tộc thiểu số dựng để sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, thời gian khoảng một năm trở lại đây xuất hiện tình trạng "cải tạo", "cơi nới" các căn nhà này với quy mô lớn hơn, trong đó có 13 công trình kiên cố với cột bê tông, sàn kèo bằng sắt. Tháng 7/2019, huyện Đức Trọng đã lập biên bản xử lý cưỡng chế, tháo dỡ 3 công trình, 10 công trình chỉ lập biên bản nhưng không xác định được chủ thể vi phạm", ông Lê Nguyên Hoàng thông tin.
Cũng tại cuộc họp báo, phóng viên đặt câu hỏi rằng liệu có biểu hiện của lợi ích nhóm trong vụ việc, có sự bao che vi phạm, chống lưng cho việc xây dựng trái phép hay không? Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng khẳng định không có biểu hiện của lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, UBND huyện này cũng kiên quyết trong việc xử lý vi phạm. Đặc biệt, huyện Đức Trọng cũng đã giao công an điều tra, làm rõ việc kích động người dân cản trở đoàn giải tỏa của ông Nguyễn Thanh Hùng.
Được biết, năm 1990, ông Nguyễn Đức Phúc - Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch sinh thái Phương Nam có đơn gửi UBND tỉnh Lâm Đồng xin thực hiện dự án nhận khoán quản lý bảo vệ rừng kết hợp xây dựng khu du lịch dã ngoại tại tiểu khu 268. Đến năm 1992, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định thống nhất giao cho ông Phúc thực hiện dự án.
Đến 1998, Công ty Phương Nam có lập dự án định canh định cư có tên Làng Đarahoa (thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) với mục đích tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Tổng diện tích của dự án là hơn 355ha, trong đó có có 156 ha thuộc địa phận huyện Đức Trọng.