Chấp nhận bán giá rẻ mạt
Chúng tôi đến nhà anh Trịnh Văn Toàn (Khu 1, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình) khi những cây cam trong vườn đã chín đỏ rực, gia đình anh đang đôn đáo lo tìm mối hái cam. Anh Toàn cho biết, gia đình có 1ha trồng cam lòng vàng, cam Canh và cam V2, đang cho thu hoạch.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây có múi của bà con nông dân hiện rất ít, các doanh nghiệp cũng chưa đầu tư vùng nguyên liệu để thực hiện hợp đồng sản xuất hay chế biến. Việc tiêu thụ phụ thuộc thương lái và chủ vườn.
Với kinh nghiệm 7 năm trồng cam, anh Toàn cho hay, chưa khi nào giá cam lại giảm mạnh như năm nay.
"Cách đây 1 tuần, tôi xuất bán gần 10 tấn cam Canh ngay tại vườn với giá chỉ 17.000 đồng/kg. Tôi bán xô, quả xấu, quả đẹp đều đồng giá. Thương lái cũng cho biết do năm nay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cùng với đó là sâu bệnh xuất hiện nhiều hơn kéo theo giá cam giảm mạnh so với 1-2 năm trước. Trong khi chi phí đầu tư, chăm sóc cho mỗi gốc cam đến khi cho trái hết khoảng 300.000 đồng" - anh Toàn cho biết.
Cũng theo anh Toàn, hiện nay ở Cao Phong nhiều hộ đã mở cửa vườn để bán cam. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của anh, hầu hết các vườn này cũng đang phải bán cam với giá rẻ, chỉ từ 12.000 - 14.000 đồng/kg.
So với các vùng khác, cam Cao Phong vẫn còn bán được giá. Tại huyện Lạc Thủy và Lạc Sơn (Hòa Bình), nhiều nhà vườn sẵn sàng bán cam với giá rẻ hơn để giải quyết được sản lượng lớn.
Anh Nguyễn Văn Tuân ở huyện Tân Lạc trồng 20ha cam và bắt đầu cho thu hoạch từ năm ngoái, nhưng đúng ngay vào lúc giá cam xuống thấp. Anh gọi điện cho nhiều mối ở các nơi để bán cam mà chưa có ai đến cắt. Cả trăm tấn cam đang treo trên cây, giờ đến lúc cần hái mà chưa bán được khiến cả gia đình anh như đứng ngồi trên đống lửa.
Thực tế cho thấy, cây cam trên đất Hòa Bình đã trải qua nhiều thăng trầm, từ năm 2013, người tiêu dùng bắt đầu biết đến cam Cao Phong, giá cam từ chỗ 4.000-5.000 đồng/kg có lúc tăng lên 20.000 - 35.000 đồng/kg bán tại vườn.
Những hộ mạnh dạn đưa cây cam V2 vào trồng (chín muộn từ giữa tháng 1 đến tháng 4), thậm chí bán được 60.000-70.000 đồng/kg. Liên tiếp các năm sau này, giá cam luôn giữ ổn định. Nhưng khoảng 2 năm gần đây, người trồng cam kém vui vì giá năm sau đều thấp hơn năm trước.
Mấy năm gần đây, các huyện Lạc Sơn, Lạc Thủy, Cao Phong, Kim Bôi… đều tổ chức lễ hội cam, với hy vọng doanh nghiệp sẽ đến ký kết, tiêu thụ cam cho bà con. Thực tế lại không như chính quyền kỳ vọng, bà con nông dân vẫn mịt mù về đầu ra của sản phẩm hoặc phải tìm cách bán lẻ ra chợ, qua mạng.
Giá chạm đáy do sản lượng quá lớn
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, tổng diện tích cây có múi của các tỉnh miền núi phía Bắc hiện đạt khoảng 121.000ha, chiếm 47,5% diện tích cây có múi của cả nước.
Chỉ trong 10 năm, từ 2009 - 2019, tốc độ tăng trưởng cây có múi bình quân lên tới 10%/năm về diện tích, tương đương 7.300 ha/năm, trên 12% về sản lượng, tương đương 69.400 tấn.
Tại vùng cam Lục Yên (Yên Bái), chưa năm nào giá cam lại thê thảm như năm nay. Hiện đã vào mùa cam Vinh nhưng giá cam bán ngoài chợ chỉ 5.000 đồng/kg, rẻ như vậy nhưng bà con cũng ngồi lay lắt cả buổi chợ vì ít người mua.
Lục Yên hiện huyện có hơn 500ha cam, trong đó cam Vinh gần 100ha, tập trung ở các xã Tân Lĩnh, Mường Lai, Khánh Hòa… Riêng xã Mường Lai có trên 200ha cam, sản lượng hơn 2.000 tấn, trung bình mỗi năm thu về 3 - 4 tỷ đồng, nếu giá cao thì 5 tỷ đồng.
Nhà trồng nhiều cam Vinh nhất ở Mường Lai là gia đình ông Nông Văn Ba có 400 gốc, cùng 70 gốc cam sành. Trung bình mỗi năm vườn cam của gia đình ông cho thu khoảng 200 - 250 triệu đồng, khách đến tận vườn mua chứ không mấy khi ông phải chở cam ra chợ bán.
Năm ngoái, giá cam ông bán tại vườn được 15.000 đồng/kg, còn mang ra chợ thì được 18.000 đồng/kg, nhưng năm nay quả đẹp và ngon mới đạt 10.000 đồng/kg, còn cam xấu chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg song cũng tiêu thụ chậm chạp.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo NTNN về việc diện tích cam, bưởi tăng nóng, sản lượng lớn khiến giá "chạm đáy", ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định: "Bây giờ diện tích trồng cây có múi rất nhiều, đặc biệt là cây cam. Năm nào chúng tôi cũng có văn bản khuyến cáo về việc nông dân ở một số nơi chuyển đổi sang trồng cam, bưởi, rồi mít Thái ồ ạt, nhưng dường như bà con bỏ ngoài tai nên diện tích các loại cây này vẫn đang tăng lên...".
Được biết, chi phí sản xuất cam Xã Đoài (trồng ở Hòa Bình, Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh...) khoảng 6.000 đồng/kg; giá cam sành là 4.500 đồng/kg. Như vậy, giá bán cam tại vườn ở Nghệ An gần như đã ngang bằng với chi phí sản xuất.