Huyện nào có 17.000ha quế được ví như "vàng xanh" khiến Bộ trưởng Bộ NNPTNT ấn tượng?

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 07/01/2021 10:32 AM (GMT+7)
Nhắc đến nguồn thu "khủng" mà huyện Trấn Yên (Yên Bái) thu được từ cây quế, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh ngành lâm nghiệp nên tập trung phát triển tiềm năng từ lâm sản ngoài gỗ để tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Bình luận 0

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành năm 2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, năm 2020, ngành lâm nghiệp cũng như cả ngành nông nghiệp đều trong bối cảnh chung.

Bên cạnh thuận lợi cơ bản, nền tảng thì phải đối mặt với 3 thách thức rất lớn là đại dịch Covid-19 gây nên khủng hoảng lịch sử toàn nhân loại. 

"Ngành lâm nghiệp còn chịu tác động lớn hơn khi quý 1, quý 2 năm 2020, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đứt gãy logistics trong khi ngành này yêu cầu khối lượng vận chuyển lớn" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Thứ hai là biến đổi khí hậu dị thường của thời tiết. Ví dụ, trong tháng 4/2020, huyện Con Cuông (Nghệ An) có ngày nhiệt độ lên đến 43 độ C, nguy cơ cháy rừng rất lớn. Rồi bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ khiến nhiều hecta rừng bị thiệt hại. Cạnh tranh thương mại toàn cầu cũng tạo áp lực cho ngành gỗ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, năm 2020 toàn ngành lâm nghiệp đạt kết quả tương đối toàn diện ở mức cao trên nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành nông nghiệp đặc biệt đi sâu phân tích vào những "nút thắt" toàn ngành cần chú ý giải quyết không chỉ trong năm 2021 mà cả trong thời gian dài hơi hơn.

Huyện nào có 17.000ha quế, thu nhập hàng trăm tỷ đồng khiến Bộ trưởng Bộ NNPTNT ấn tượng? - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị tổng kết ngành lâm nghiệp.

Trước hết, hệ số che phủ rừng của Việt Nam hiện đạt 42% là hệ số cao nhưng nhìn sâu lại vẫn thấy 3 khu vực trọng điểm là Tây Bắc, Tây Nguyên và rừng ven biển cần có những giải pháp để nâng cao chất lượng rừng.

Thứ hai, chính sách khoanh nuôi bảo vệ hỗ trợ phát triển rừng rất nhiều nhưng chưa thỏa đáng, đủ sức để kích thích người tham gia, đối tượng tham gia phục hồi phát triển rừng kể cả chủ thể là hộ cá nhân và chủ thể là đơn vị.

Thứ ba, nhóm rừng trồng đến nay không thể cực đoan phủ nhận cây keo nhưng toàn là keo cũng phải chú ý, vẫn còn tình trạng khai thác non, không đúng quy hoạch phát triển bền vững.

Thứ tư là tình trạng vi phạm lâm luật còn nhiều, chúng ta làm kiên quyết nhưng vẫn còn, đặc biệt cháy rừng năm vừa qua vẫn phức tạp.

Công nghiệp chế biến gỗ và đồ gỗ có bước tiến nhưng sản phẩm thô còn nhiều, sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị cao chưa phổ quát. Đăc biệt, doanh nghiệp chế biến gỗ mất cân đối vùng miền, dẫn đến chi phí logistics cao.

"Một điểm nữa là lâm sản ngoài gỗ và kinh tế rừng chưa nhiều, chưa phản ánh đúng tiềm năng. Phải khẳng định, tiềm năng này rất lớn, một huyện Trấn Yên của tỉnh Yên Bái chỉ có 17.000 ha quế nhưng mang lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng, giúp người dân có thu nhập ổn định, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo. Vì vậy, ngành lâm nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến phát triển lâm sản ngoài gỗ, đưa kinh tế lâm nghiệp phát triển đúng tiềm năng, mỗi năm tăng trưởng với tốc độ trên 10%" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh. 

Huyện nào có 17.000ha quế được ví như "vàng xanh" khiến Bộ trưởng Bộ NNPTNT ấn tượng? - Ảnh 2.

Nông dân huyện Trấn Yên (Yên Bái) thu hoạch quế. Ảnh: Báo Yên Bái.

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2020, cả nước trồng được 230.288 ha rừng, một số tỉnh hoàn thành và vượt kế hoạch trồng rừng là: Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình và Quảng Nam. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Năm 2020, cả nước đã phát hiện 10.931 vụ vi phạm về bảo vệ rừng, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng diện tích rừng bị thiệt hại năm 2020 là 1.513ha.

Trong năm 2020, do tác động của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ và lâm sản.

 Tổng cục Lâm nghiệp đã luôn chủ động, thường xuyên phối hợp với các Hiệp hội, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản để nắm bắt tình hình, từ đó tham mưu Bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, khôi phục và ổn định sản xuất để duy trì tăng trưởng ngành.

Nhờ đó, giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2020 đạt khoảng 13,17 tỷ USD, vượt 5,4% kế hoạch năm 2020, tăng 16,4% so với năm 2019. Xuất siêu ước cả năm đạt 10,5 tỷ USD tăng 17,9% so với năm 2019.

Năm 2021, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ hướng đến mục tiêu xuất khẩu lâm sản đạt 14 tỷ USD.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem