Dân Việt

Một tháng thiên tai cuốn trôi 28.000 tỷ đồng, lại thêm bão số 11 vào biển Đông

Khương Lực 07/11/2020 09:20 GMT+7
Từ đầu năm đến nay, thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường với 16 loại hình xảy ra trên nhiều vùng miền cả nước, gây thiệt hại về kinh tế hơn 33.449 tỷ đồng, trong đó riêng tháng 10 thiệt hại trên 28.000 tỷ đồng. Vào lúc 7 giờ ngày 7/11, bão Atsani - cơn bão số 11 vào biển Đông với gió giật cấp 10.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT), từ đầu năm đến nay, thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường với 16 loại hình xảy ra trên nhiều vùng miền cả nước. Tính đến ngày 6/11, thiên tai đã khiến 275 người chết, 65 người mất tích và ước thiệt hại về kinh tế hơn 33.449 tỷ đồng.

Riêng trong tháng 10, thiên tai xảy ra dồn dập, liên tiếp với 4 cơn bão, 1 vùng áp thấp và 1 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến đất liền, gây ra đợt mưa lũ lớn lịch sử, kéo dài tại khu vực miền Trung từ ngày 6-13/10 và từ ngày 16-20/10. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 28.000 tỷ đồng.

Một tháng mưa, bão, ngập lụt, thiên tai gây thiệt hại hơn 28 nghìn tỷ đồng, bão Atsani vào biển Đông giật cấp 11 - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng mở đường bị sạt lở để vào xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam để cứu hộ cứu nạn các nạn nhân bị sạt lở núi vùi mất tích. Ảnh: Diệu Bình

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 4/11, bão, mưa lũ, sạt lở đất trong tháng 9, tháng 10/2020 đã làm 242 người chết và mất tích, 201.374 nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái; nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nghiêm trọng phải mất rất nhiều thời gian, nguồn lực mới khôi phục, tái thiết lại được. 

Chỉ tính riêng việc khắc phục dân sinh và cơ sở hạ tầng thiết yếu, tổng kinh phí các địa phương đề nghị hỗ trợ là  9.438 tỷ đồng.

Bộ NNPTNT huy động hơn 100 tỷ hỗ trợ 5 tỉnh miền Trung

Để hỗ trợ người dân 5 tỉnh miền Trung tái sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện nay Bộ đang tích cực vận động, huy động nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân cho người dân các tỉnh miền Trung như: giống cây trồng vật nuôi, thủy sản, thuốc, thức ăn chăn nuôi... Đến nay, ước tính giá trị hỗ trợ Bộ đã tiếp nhận đạt khoảng 100 tỷ đồng.

"Trước mắt, các tỉnh ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ vừa qua như Quảng Trị, Quảng Bình, Huế, Hà Tĩnh, Quảng Nam... sẽ được hỗ trợ để khôi phục sản xuất, đặc biệt nhanh chóng khôi phục chăn nuôi gia cầm" - ông Tiến nói.

Một tháng mưa, bão, ngập lụt, thiên tai gây thiệt hại hơn 28 nghìn tỷ đồng, bão Atsani vào biển Đông giật cấp 11 - Ảnh 2.

Nhà Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) giờ chỉ còn lại đống đổ nát do ảnh hưởng của mưa lũ, thiên tai và sạt lở núi. Ảnh: Trương Hồng

Theo Bộ NNPTNT, chăn nuôi gia cầm sẽ được chú trọng khôi phục trong thời gian tới, vì có chu kỳ sản xuất ngắn; từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ có sản phẩm. Như vậy, bà con sẽ có sinh kế, kết quả tái sản xuất cho những chu kỳ sau.

Liên quan đến tái sản xuất chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, các địa phương phải thực hiện tốt công tác khử trùng, tiêu độc, đảm bảo môi trường an toàn, sạch bệnh thì mới tái chăn nuôi, nhằm tránh thiệt hại. 

Cục Chăn nuôi sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng mô hình nuôi gia cầm sau mưa lũ để tuyên truyền, phổ biến tại các địa phương. Bộ NNPTNT cũng đề nghị các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và cơ quan quản lý địa phương tổ chức quan trắc môi trồng vùng nuôi nhằm đảm bảo môi trường an toàn trước khi thả nuôi. 

Thống kê của Bộ NNPTNT cho thấy, để khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ, các tỉnh miền Trung đang cần hỗ trợ 5.600 tấn giống lúa, 225 tấn giống ngô, 44,2 tấn hạt rau giống; cùng với đó là 560.000 liều vắc xin, 140.000 lít và 105 tấn hóa chất khử trùng.       

Tính đến ngày 5/11, Bộ NN&PTNT đã cấp phát hỗ trợ cho các địa phương khu vực miền Trung tổng số 18 tấn giống ngô, 10,8 tấn hạt rau giống; 30.000 liều vắc xin, 60.000 lít và 70 tấn hóa chất khử trùng. Hiện, Bộ đang tổng hợp báo cáo Chính phủ tiếp tục hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung.

Bão Atsani - cơn bão số 11 vào biển Đông với gió giật cấp 10

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, vào lúc 7 giờ ngày 7/11, vị trí tâm bão số 11 ở khoảng 22,6 độ Vĩ Bắc; 119,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Tây Nam đảo Đài Loan. 

Một tháng thiên tai gây thiệt hại hơn 28 nghìn tỷ đồng, bão Atsani vào biển Đông giật cấp 10 - Ảnh 3.

Bão Atsani - cơn bão số 11 vào biển Đông với gió giật cấp 10. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. 

Đến 19 giờ ngày 7/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 22,3 độ Vĩ Bắc; 117,8 độ Kinh Đông, cách đảo Đài Loan khoảng 260km về phía Tây Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. 

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 7 giờ ngày 8/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 115,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 440km về phía Đông Bắc. 

Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 19,0 đến 23,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 115,0 đến 120,0 độ Kinh Đông. 

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Ngoài cơn bão Atsani, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, trên khu vực biển Đông và đất liền các tỉnh ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên có nhiều khả năng xuất hiện nhiều loại hình thiên tai.

Cụ thể, vào khoảng ngày 8/11, khả năng có một áp thấp nhiệt đới/bão đi vào Biển Đông, dự báo ảnh hưởng trực đến vùng biển và đất liền các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ trong khoảng ngày 10-11/11.

Tiếp đó, đến khoảng ngày 12-13/11, trên Biển Đông khả năng lại tiếp tục xuất hiện một cơn bão/áp thấp nhiệt đới hướng về đất liền nước ta.

“Từ khoảng ngày 9 đến 12/11, ở các tỉnh ven biển Trung Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng, nguy cơ xảy ra lũ trên các sông, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở các đô thị.

Diễn biến mưa lớn, lũ, lũ quét và sạt lở ở các tỉnh Trung Bộ sẽ còn phức tạp và có thể kéo dài tùy thuộc vào phạm vi hoạt động của áp thấp nhiệt đới/bão. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia sẽ theo dõi chặt chẽ và thông tin thường xuyên dựa trên diễn biến cụ thể của từng loại thiên tai” - ông Khiêm chia sẻ.