Đại biểu Quốc hội: Cần đầu tư thỏa đáng cho dự báo, phòng chống thiên tai

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 07/11/2020 06:00 AM (GMT+7)
Trước những diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tăng thêm nguồn lực cho công tác ứng phó, phòng chống thiên tai.
Bình luận 0
Đầu tư thỏa đáng cho dự báo,  phòng chống thiên tai - Ảnh 1.

Một thầy giáo ở Trường Tiểu học Thạch Tân (xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) chèo bè chuối rời khỏi trường. Ảnh: H.D

Hoãn tăng lương, giảm phụ cấp cho phòng chống thiên tai

Vừa trải qua những cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt nhất trong gần 10 năm làm đại biểu Quốc hội của mình, đó là khi trực tiếp chỉ đạo cứu nạn tại đợt lũ lụt khủng khiếp vừa qua tại Quảng Trị, đại biểu Hà Sĩ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đồng tình với nhiều ý kiến đã phát biểu về vấn đề rất được quan tâm hiện nay.

Trong đó có việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, nhất là hoạt động cứu trợ và tái thiết sau thiên tai, đó cũng là vấn đề nhiều cử tri miền Trung nói riêng và cử tri cả nước nói chung đang hết sức quan tâm.

Đầu tư thỏa đáng cho dự báo,  phòng chống thiên tai - Ảnh 2.

Người dân Thừa Thiên - Huế chèo thuyền giữa phố trong trận lụt vừa qua. Ảnh: N.H

Theo đại biểu Hà Sĩ Đồng, từ ngày 6 - 21/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra dồn dập các đợt mưa rất lớn, ngập lụt trên diện rộng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, gió mạnh, sóng lớn trên biển gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng về người, tài sản, công trình cơ sở hạ tầng và sản xuất.

Cũng theo đại biểu Hà Sĩ Đồng, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, tỉnh Quảng Trị đã rà soát bổ sung, số hộ cần di dời toàn tỉnh đến năm 2025 là 1.530 hộ (bình quân 280 hộ/năm).

Tuy nhiên, trước diễn biến bất thường của thiên tai, nhu cầu bố trí dân cư phòng tránh thiên tai đặc biệt là các hộ ven biển, vùng ngập lụt và vùng sạt lở đất còn rất nhiều trong khi nguồn vốn bố trí của nhà nước hàng năm quá thấp (vốn sự nghiệp 5 năm 2016-2020: Chỉ có 14 tỷ đồng, bình quân khoảng 2,8 tỷ đồng/năm), chỉ đáp ứng 15 - 20% so với nhu cầu thực tế.

"Tôi đề nghị đặt ra mục tiêu cao hơn trong tiết kiệm chi thường xuyên, ngoài hoãn tăng lương thì có thể giảm cả phụ cấp của các cấp, các ngành kể cả đại biểu Quốc hội, để dồn nguồn lực cho ứng phó với thiên tai, giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống".

Đại biểu Hà Sĩ Đồng

Việc huy động các nguồn lực khác cùng tham gia vào chương trình ở một số nơi đã làm, song hầu hết các khu vực miền núi là các huyện nghèo chủ yếu vẫn trông chờ vào ngân sách đầu tư của Trung ương.

Thời gian qua, chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình di dân mặc dù đã được Nhà nước nhiều lần thay đổi theo hướng điều chỉnh sự hỗ trợ cao hơn (vùng đồng bằng 20 triệu đồng/hộ, vùng miền núi 30-35 triệu đồng/hộ), song vẫn còn ở mức thấp, khó thực hiện, chưa giải quyết được những khó khăn cơ bản của dân đến định cư.

Từ những khó khăn của Quảng Trị, nhìn rộng ra cả nước, ông Hà Sĩ Đồng cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ khi xem xét dự toán năm 2021 cần dành một khoản đầu tư thỏa đáng cho công tác dự báo, cảnh báo chính xác hơn phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai hiệu quả, kịp thời; nghiên cứu địa hình địa chất, xác định vùng nguy hiểm, ẩn chứa nguy cơ thiên tai để nhằm giảm thiểu các tác động đến một số điểm dân cư, dự báo trước nguy cơ để di dời dân kịp thời.

"Tôi đề nghị đặt ra mục tiêu cao hơn trong tiết kiệm chi thường xuyên, ngoài hoãn tăng lương thì có thể giảm cả phụ cấp của các cấp, các ngành kể cả đại biểu Quốc hội, để dồn nguồn lực cho ứng phó với thiên tai, giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống" - ông Đồng nhấn mạnh.

Cần thành lập lực lượng cứu hộ, cứu nạn độc lập

Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai (tính đến ngày 15/10/2020)

* Có 60/63 tỉnh thành tiến hành thu quỹ.

* 3 địa phương cho đến nay không lập quỹ là Lai Châu, Quảng Bình, Bạc Liêu.

* Tổng quỹ thu được là 3500 tỷ đồng

* Tổng chi kể từ ngày lập Quỹ là 1.808 tỷ đồng.

* Còn tới 1.692 tỷ đồng.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần tập trung hoàn thành sớm các quy hoạch, trong đó quy hoạch về bố trí khu dân cư và các công trình công cộng, công ích khác; tri thức hóa các bản đồ cảnh báo thiên tai; đẩy mạnh việc xây dựng các công trình công cộng có tính lưỡng dụng ở khu vực miền núi, vùng cao, vùng sâu vừa phục vụ dân sinh, vừa phục vụ quốc phòng, an ninh và phòng, chống thiên tai đáp ứng yêu cầu thực tế và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có thiên tai, bão lũ.

"Chính phủ nên nghiên cứu thành lập một lực lượng cứu hộ, cứu nạn độc lập ở cả khu vực và mang tính chuyên nghiệp hơn nên giao cho lực lượng quân đội nhân dân làm nòng cốt để gắn với việc đầu tư các phương tiện chuyên dụng, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại để triển khai thực hiện kịp thời và có hiệu quả việc ứng phó, cứu hộ, cứu nạn về lâu dài và sự an tâm, niềm tin cho nhân dân" - ông Tạo nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, cần đầu tư trang thiết bị chuyên dùng cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ở địa phương.

Nói về việc hỗ trợ, ứng phó với thiên tai, ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT) cho biết: Thường sau mỗi đợt thiên tai, người dân cần cứu trợ, hạ tầng cần khôi phục ngay. Tuy nhiên, do vướng nhiều cơ chế chính sách nên việc này gặp nhiều khó khăn và kéo dài.

"Trên thế giới nhiều quốc gia họ có sẵn khoản kinh phí nhất định phục vụ cho công tác khắc phục thiên tai. Khi có các tình huống thiên tai cần cứu trợ, họ xuất kinh phí ra một cách nhanh chóng" - ông Hoài cho biết.

Ông Hoài cho biết thêm, nhiều quốc gia trên thế giới họ có hàng chục công ty tư vấn chuyên thiết kế cho việc khắc phục hậu quả thiên tai. Khi có thiệt hại do thiên tai, những công ty này phải xác định ngay khối lượng và đưa ra các giải pháp khắc phục. "Tại nhiều quốc gia họ có sẵn những nhà thầu được bố trí ở các địa phương, khi có thiệt hại do thiên tai, những nhà thầu này cứ thế đến thi công khắc phục. Do đó, công tác khắc phục hậu quả thiên tai được diễn ra nhanh chóng"-ông Hoài nói.

Còn tại Việt Nam, theo ông Hoài, công việc trên còn phải thông qua đấu thầu và nhiều thủ tục khác nữa mới triển khai được. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều địa phương chịu thiệt hại do thiên tai đã rất nỗ lực khắc phục bằng nhiều cách khác nhau, có cả việc "lách luật" để công việc này được triển khai nhanh chóng.

Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, hiện nay, kinh phí cho phòng, chống thiên tai là do ngân sách địa phương đảm bảo. Tuy nhiên, hiện còn một số tồn tại hạn chế trong hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai như tại Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg, các địa phương bị thiệt hại phải ứng trước kinh phí để thực hiện thì mới được xem xét hỗ trợ, trong khi các tỉnh bị thiệt hại nặng nề, nguồn lực hạn chế và có thể dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản.

Theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP chỉ các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn mới được hỗ trợ khi nhà bị sập, đổ, trôi; quy trình, thủ tục hỗ trợ từ nguồn dự trữ quốc gia còn kéo dài… 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem