Sau khi không lựa chọn được nhà thầu, Bộ GTVT đã ban hành quyết định hủy thầu dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, ngoài dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn còn có dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu cũng không có nhà thầu tham gia.
Đây là 2 dự án trong tổng số 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) phải hủy thầu. Trước đó, dự án PPP đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu đã phải hủy thầu do không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.
Với việc 2 dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu bị hủy thầu, rất có thể 2 dự án này sẽ chuyển đổi sang phương thức đầu tư công.
Việc chuyển đổi phương thức đầu tư công cũng đã từng được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề xuất. Trong báo cáo, gửi tới các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng trình bày, ngay cả trường hợp nhà đầu tư đã được lựa chọn và ký kết hợp đồng, cũng chưa thể khẳng định sẽ huy động được vốn tín dụng để triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam.
Để bảo đảm việc triển khai dự án theo đúng yêu cầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề xuất đối với dự án thành phần đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư được lựa chọn nhưng không huy động được nguồn vốn tín dụng để triển khai, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư.
Tuy nhiên, dù 2 dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu có được chuyển đổi phương thức sang đầu tư công, thì dự án này vẫn phải tổ chức đấu thầu lại để tìm nhà thầu có đủ năng lực thi công.
Từng thông tin về việc không lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực cho dự án cao tốc Bắc – Nam, Thứ tưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong trường hợp các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam không lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực, thì chủ đầu tư sẽ phải tổ chức đấu thầu lại. Quá trình đấu thầu lại cũng phải đảm bảo tuân thủ tất cả các quy định của pháp luật, minh bạch.
Về nhà thầu thực hiện dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: "Nhà thầu đứng đầu liên danh thực hiện dự án phải đạt năng lực 25%. Để đảm bảo tiến độ và chất lượng của dự án, nhà thầu chính sẽ thực hiện các hạng mục chính, đối với nhà thầu phụ thì chỉ được phép thực hiện các hạng mục phụ. Đặc biệt, dự án hạn chế tỷ lệ số lượng nhà thầu phụ".
Trong trường hợp 2 dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu có được chuyển đổi phương thức sang đầu tư công, Chủ đầu tư cũng phải phát hành hồ sơ mời thầu. Quá trình mở thầu tổ chức công khai, minh bạch theo quy trình rất chặt chẽ.
Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, trong số 11 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã có 6 dự án được chuyển sang hình thức đầu tư công và đang có tiến độ khá tốt. Nếu 2 dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu được chuyển sang đầu tư công thì chỉ còn 3 dự án được đầu tư theo hình thức PPP.
Cả 3 dự án được đầu tư theo hình thức PPP gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Cụ thể, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có 2 nhà đầu tư, đoạn Nha Trang - Cam Lâm có 2 nhà đầu tư, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo có 3 nhà đầu tư.
Trao đổi với PV Dân Việt, một chuyên gia giao thông cho biết: "Dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP khi tham gia dự án, nhà thầu chỉ phải bỏ khoảng 20% vốn đối ứng, phần còn lại là 30-40% vay vốn ngân hàng và,nhà nước phải bỏ ra tới 40-50% vốn mồi tại các dự án trọng điểm này. Tuy nhiên, vẫn có nhà thầu nào "mặn mà" tham gia".
"Sở dĩ các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đầu tư theo hình thức PPP không có nhà thầu "mặn mà" tham gia xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên cần phải kể đến là rủi rỏ của các nhà đầu tư từ bài học của các dự án BOT hiện hữu. Hiện nay, các dự án BOT đều có doanh thu thấp không đảm bảo phương án tài chính, cùng với đó là nợ xấu BOT tăng cao. Ngoài ra, việc huy động vốn tín dụng tại thời điểm này cũng sẽ rất khó khăn", vị chuyên gia này cho hay.