Vay mới gần 18.794 tỷ đồng, Vietnam Airlines lo ngại 2021 vẫn không thể phục hồi

Minh Hiếu Thứ sáu, ngày 06/11/2020 12:00 PM (GMT+7)
Lãnh đạo Vietnam Airlines lo ngại, năm 2021 sẽ tiếp tục khó khăn khi thị trường quốc tế chưa phục hồi, trong khi doanh thu thị trường quốc tế là chủ yếu đối với Vietnam Airlines.
Bình luận 0

Tất cả những lo ngại nêu trên, được ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines đưa ra tại Hội nghị xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 của các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức.

Tại báo cáo tài chính quý III/2020 của Vietnam Airlines vừa mới công bố, doanh thu thuần hơn 7.602 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu hành khách nội địa giảm 34,8%, quốc tế giảm 95,4%, còn doanh thu thuê chuyến giảm 53,2%.

Vay mới gần 18.794 tỷ đồng, Vietnam Airlines lo ngại 2021 vẫn không thể phục hồi - Ảnh 1.

Hãng hàng không Vietnam Airlines.

Việc kinh doanh dưới giá vốn khiến hãng hàng không quốc gia lỗ gộp xấp xỉ 3.201 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái HVN lãi gộp 3.308 tỷ đồng.

Về hoạt động tài chính, doanh thu giảm từ hơn 299 tỷ đồng xuống còn 132 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính lên tới 357 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chiếm gần 199 tỷ đồng. Lợi nhuận khác cũng "bốc hơi" gần 344 tỷ đồng, xuống chỉ còn 11 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ chi phí, kết quả, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ sau thuế 3.997 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi 1.132 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Vietnam Airlines đã đi vay mới gần 18.794 tỷ đồng để có dòng tiền duy trì hoạt động trong những tháng doanh thu lao dốc và lợi nhuận âm vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, so với đầu năm, vay và thuế tài chính chỉ tăng hơn 3.100 tỷ đồng  so HVN đã trả một phần nợ gốc vay và thuê tài chính.

Tất cả những khó khăn trên là do ngành hàng không hiện nay, cũng như Vietnam Airlines vẫn đang gặp những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tất cả đường bay quốc tế vẫn chưa được thực hiện, chủ yếu vẫn thực hiện các chuyến hồi hương và chở hàng hoá.

Mặc dù, dịch Covid-19 ở Việt Nam đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên, trên thế giới dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia châu Mỹ, châu Âu dịch bệnh căng thẳng trở lại khiến nhiều nơi phải đóng cửa lần thứ hai.

Theo ông Trịnh Hồng Quang, dự báo cho thấy Vietnam Airlines chưa có khả năng phục hồi đến hết tháng 10/2021. Đồng thời, ông Quang bày tỏ lo ngại: "Năm 2021 sẽ tiếp tục khó khăn khi thị trường quốc tế chưa phục hồi, trong khi doanh thu thị trường quốc tế là chủ yếu đối với Vietnam Airlines".

Nêu ra những khó khăn đối với Vietnam Airlines, ông Quang cho biết, để có mức lỗ nhỏ hơn 13.000 tỷ đồng năm 2020, trong suốt 10 tháng qua, Tổng công ty tập trung nhiều giải pháp tăng doanh thu, cắt giảm chi phí và liên tục làm việc với các chủ nợ để bàn cách giãn, hoãn...

Khái quát về việc phục hội thị trường hàng không  của Vietnam Airlines, ông Quang cho hay, nếu thị trường hàng không quốc tế không phục hồi được thì Vietnam Airlines vẫn tiếp tục khó khăn.

Sang năm 2021, Vietnam Airlines dự tính mỗi ngày vẫn lỗ vài chục tỷ đồng, mức lỗ sẽ ngang năm 2020. Vì thị trường nội địa có phục hồi nhưng giá vé vẫn thấp quá, thậm chí dưới 50% mức giá năm 2019 do các hãng đều dồn cả vào thị trường nội địa, giá cạnh tranh nhau từng đồng.

Với mong muốn được hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn mà Vietnam Airlines đang đối diện, ông Quang đã đề nghị Uỷ ban quản lý vốn hỗ trợ việc thực hiện các nội dung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines, sớm có phương án tăng vốn điều lệ cho Vietnam Airlines để xử lý vấn đề dòng tiền đang rất khó khăn.

Theo ông Quang, các hãng hàng không trên thế giới nếu không có tài trợ từ Chính phủ thì đều đệ đơn phá sản. Vietnam Airlines kỳ vọng chủ trương hỗ trợ nhanh chóng được thực hiện. Cùng với đó, Vietnam Airlines cũng đề nghị Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam sớm có đánh giá tổng thể ngành hàng không hiện nay để có những quyết sách phù hợp, kịp thời, giúp ngành này có đủ năng lực cạnh tranh với các hãng trên giới. Vietnam Airlines kiến nghị có giá trần, giảm khoản phí liên quan đến hoạt động ngành hàng không...

Sau khi ghi nhận những khó khăn của Vietnam Airlines, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẳng định: "Ủy ban đã có văn bản báo cáo lên Chính phủ, và gửi các Bộ, ngành đề nghị các đơn vị phối hợp giải quyết các kiến nghị của Vietnam Airlines. Đồng thời, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, năm 2021 các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp hàng không nói riêng khó có thể phục hồi ngay được".

Trước đó, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán - Vietnam Airlines thông tin tới báo chí, vấn đề của hãng là phải giải quyết bài toán thanh khoản và duy trì dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp.

Trước đó, hồi giữa năm, Vietnam Airlines từng báo cáo nếu không được Chính phủ hỗ trợ, hãng này có nguy cơ hết tiền vào tháng 8 và kiến nghị được hỗ trợ 12.000 tỉ đồng vốn vay ưu đãi 0%.

Với Vietnam Airlines, hãng này chủ động việc cân đối ngắn hạn và dài hạn, trong đó cắt giảm 5.335 tỉ đồng, chủ yếu liên quan đến chi phí tiền lương, nhân công người lao động. Ngoài ra, hãng cũng làm việc với các ngân hàng để tái cơ cấu các khoản vay, đàm phán giãn tiến độ thanh toán với các đối tác (hết 30/9 là 4.600 tỉ đồng và khoảng 6.000 tỉ đồng vào cuối năm). Theo ông Hiền, "đây là các giải pháp đảm bảo thanh khoản và giúp VNA sống sót".

Liên quan đến việc có thông tin Vietnam Airlines xin phá sản, ông Hiền bác bỏ và khẳng định, Vietnam Airlines không có bất kỳ văn bản nào xin phá sản. Với vai trò hãng hàng không quốc gia, sự đổ vỡ của Vietnam Airlines sẽ mang lại vô cùng nhiều hệ luỵ, không chỉ riêng với hãng mà còn với các khoản bảo lãnh của Chính phủ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem