Raku tiếng Nhật Bản có nghĩa là thoải mái, tâm trạng nhẹ nhàng. Raku cũng là tên một dòng gốm cổ, có lịch sử phát triển từ những năm 1550.
Vào thế kỷ XVI, nghệ nhân gốm tên là Chojiro đã tiên phong sáng tạo nên những sản phẩm Raku và đặt tên cho những sản phẩm đầu tiên là imayaki – có nghĩa là thiết bị hiện đại. Sau đó, được biết đến với tên gọi Juraku-yaki (sau này gọi vắn tắt là Raku).
Tên gọi này bắt nguồn từ tên một cung điện ở Kyoto được xây dựng bởi các lãnh chúa lớn Toyotomi Hideyoshi. Theo chữ Kanji, Raku có nghĩa là “một cách dễ dàng và hưởng thụ”.
Gốm Raku được nung thấp nhiệt, kỹ thuật nung này cho ra các sản phẩm gốm có cốt xương tương đối mềm, xốp và dễ vỡ nhưng khi chạm vào lại tạo cảm giác nhẹ và tinh tế.
Bên cạnh tác phẩm lọ hoa men Raku của tác giả Nguyễn Văn Lợi (Hà Nội), Ban Tổ chức Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2020 cũng trao giải nhất cho sản phẩm lồng bàn đan mây của tác giả Nguyễn Văn Khá (Hà Nội); sản phẩm gỗ điêu khắc phu thê viên mãn của tác giả Đỗ Công Hoan (Hà Nội); sản phẩm chăn chần thêu hoa tuyết của tác giả Vũ Thị Tuệ (Ninh Bình) và sản phẩm đậu bạc gà gáy sáng của tác giả Quách Phan Tuấn Anh (Hà Nội).
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, sau gần 2 tháng phát động Hội thi, đã có 174 nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ trên phạm vi cả nước ở nhiều nhóm ngành hàng khác nhau đăng ký và gửi 339 sản phẩm tham gia.
Trong đó, nhóm đan lát có 31 nghệ nhân, với 51 sản phẩm; Nhóm gốm sứ có 16 nghệ nhân, với 35 sản phẩm; Nhóm thêu dệt có 45 nghệ nhân, với 103 sản phẩm; Nhóm sơn mài, khảm trai có 12 nghệ nhân, với 26 sản phẩm; Nhóm trạm khắc gỗ có 31 nghệ nhân, với 56 sản phẩm; Các nhóm khác như tò te, da sừng, kim khí… có 39 nghệ nhân, với 68 sản phẩm.
Các tác giả tham gia Hội thi đều là các nghệ nhân, thợ giỏi nổi tiếng trong nước, nhiều người đã được thế giới công nhận. Sản phẩm tham gia Hội thi năm nay đa dạng và phong phú về chủng loại, mẫu mã thiết kế và chất liệu chế tác.
Những sản phẩm tham gia Hội thi đều là những tác phẩm xuất sắc, lần đầu dự thi, có giá trị thẩm mỹ, mang giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam, thân thiện với môi trường và có giá trị kinh tế cao.