Sau khi truyền thông xướng tên ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ thứ 46, điều thế giới và Việt Nam quan tâm hiện nay là chính sách kinh tế của ông đối với Trung Quốc thế nào? Quan hệ thương mại của Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ ra sao và nguy cơ Việt Nam bị "trừng phạt" có gia tăng khi Biden đắc cử Tổng thống?
Xung quanh vấn đề này, Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ.
Điểm khác biệt có thể thấy ngay trong chính sách kinh tế của Joe Biden với chính quyền Trump là gì và nó có tác động như thế nào tới Việt Nam, thưa ông?
Sau đắc cử Tổng thứ thứ 46 của Hoa Kỳ, ưu tiên hàng đầu và cũng là trước mắt trong chính sách kinh tế của Joe Biden là vừa kiểm soát được Covid-19, vừa thực hiện các gói hỗ trợ và kích thích để vực dậy nền kinh tế Hoa Kỳ. Trong khi đó, Chính quyền Trump không thực hiện các chính sách kiểm soát dịch Covid-19. Đây là sự khác biệt giữa chính sách kinh tế của Donald Trump và Joe Biden.
Có thể thấy rằng, sự thất bại của chính quyền Donald Trump trong kiểm soát Covid-19 là một trong những yếu tố giúp Biden thắng cử. Chính vì vậy, thông báo mang tính chính sách đầu tiên của Biden còn trước cả diễn văn nhận đặc cử là thành lập "task force" về Covid. Tất nhiên, song song với việc thực hiện được chính sách kiểm soát dịch Covid-19, Biden sẽ phải mạnh tay hơn trong việc tung ra các gói chính sách hỗ trợ và kích thích kinh tế. Nếu chính sách đó của Biden thành công, sự hồi phục kinh tế của cả Hoa Kỳ và thế giới sẽ đến nhanh hơn. Một khi Hoa Kỳ và chính phủ của các quốc gia trên thế giới khác vẫn chủ quan với Covid-19, và dịch bệnh vẫn hoành hành tại Hoa Kỳ và EU thì Việt Nam cũng không thể mở cửa kinh tế để phát triển được cho dù kiểm soát dịch tốt trong nước.
Xét về quan hệ tổng thể, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục thẳng tiến theo chiều hướng tích cực. Cộng với mối quan hệ tích cực đang gia tăng với nhiều nước thì vị trí của Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi trong quan hệ thương mại quốc tế.
Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, ưu tiên hàng đầu là kiểm soát được Covid-19
Ngược lại, Biden mạnh tay trong kiểm soát dịch Covid-19 nhưng lại không đạt được thỏa hiệp với Quốc hội, đặc biệt là Thượng viện có thể vẫn dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng hòa, để tăng các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế, kinh tế Hoa Kỳ không vực dậy được, kinh tế toàn cầu cũng liêu xiêu. Điều này sẽ tác động tiêu cực tới Việt Nam. Đơn cử như trong hoạt động xuất khẩu – một trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam 10 tháng đầu năm nay, nếu như kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục suy yếu, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này sẽ không còn tích cực như năm 2020 này.
Trong năm 2020, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng mạnh (trong 10 tháng tăng 24%). Không có quốc gia nào xuất khẩu sang Mỹ lại tăng mạnh như Việt Nam. Lý do, là tất cả các dòng hàng mà Việt Nam xuất khẩu mạnh đều là những dòng hàng Trung Quốc bị Mỹ áp thuế. Hay nói khác, Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cho dù là sức mua trong nền kinh tế Mỹ yếu đi. Tất nhiên điều này cũng dẫn tới việc Việt Nam rơi vào "tầm ngắm" của Chính quyền Hoa Kỳ vì thâm hụt thương mại với Việt Nam ngày càng tăng lên.
Ông có nhắc đến việc, Việt Nam đang trong "tầm ngắm" của Hoa Kỳ khi mức độ thâm hụt thương mại giữa quốc gia này với Việt Nam ngày càng nặng nề hơn. Liệu nguy cơ Việt Nam bị "trừng phạt" có gia tăng khi Biden đắc cử Tổng thống?
Dưới thời Donald Trump, sức ép từ Nhà Trắng là chỉ trích, gây sức ép và tiến hành điều tra tất cả các nền kinh tế có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ, trong đó có Việt Nam. Cho đến này, tất cả các nước có thặng dư lớn, trừ Việt Nam, đều đã bị Mỹ tấn công như: Trung Quốc, EU, Mexico, Canada và Nhật Bản. Chúng ta vẫn nghĩ Việt Nam là nước nhỏ và quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ quan trọng hơn là vài chục tỷ đô-la thâm hụt, nên chính quyền Trump sẽ không làm gì. Nhưng, trong một động thái gần đây nhất, Hoa Kỳ đã "chĩa mũi súng" vào Việt Nam. Cụ thể vào tháng 10 năm nay, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã tiến hành điều tra đối với Việt Nam về vấn đề quản lý tỷ giá hối đoái để xác định xem chính sách tỷ giá của Việt Nam có phải là nguyên nhân làm cho thâm hụt thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ với Việt Nam ngày càng cao và nó có gây thiệt hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ hay không?
Nếu nhìn khách quan thì có thể thấy, chuyện Việt Nam thặng dư với Mỹ là do cơ cấu chứ không phải chính sách tỷ giá VND-USD của Việt Nam. Về mặt cơ cấu, Việt Nam thâm hụt với các nền kinh tế châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN, trong khi thặng dư với các nền kinh tế phát triển là EU và Hoa Kỳ. Đó là bởi Việt Nam nhập máy móc thiết bị, linh phụ kiện, nguyên vật liệu từ châu Á để lắp ráp, chế biến và xuất sản phẩm cuối cùng sang EU và Hoa Kỳ.
Chính quyền Trump đã "tấn công" bất kể ai có thặng dư lớn với Mỹ. Cuộc điều tra thương mại của USTR đối với Việt Nam đã diễn ra và không thể dừng. Kết quả sẽ được công bố trong thời gian tới, sau khi Tổng thống mới của Hoa Kỳ nhậm chức. Nhưng với việc Biden đắc cử Tổng thống, sức ép "chĩa mũi súng" vào Việt Nam trong quan hệ thương mại song phương thực ra lại giảm đi. Nghĩa là, ngay cả khi kết quả điều tra của USTR về chính sách tỷ giá của Việt Nam là tiêu cực thì chính quyền Biden cũng ít có khả năng đưa ra hành động trừng phạt về mặt thương mại.
Trong hợp tác với Hoa Kỳ về mặt thương mại tới đây, thứ nhất, Việt Nam vẫn cần thể hiện ra là chính sách tỷ giá mặc dù có sự tác động của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, nhưng được quản lý theo hướng linh hoạt và tỷ giá có biến động dưới tác động của cung cầu thị trường, chứ không phải là để thúc đẩy xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Trong thời gian qua, khi Hoa Kỳ đánh thêm thuế vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thì Việt Nam có xuất khẩu mạnh hơn vào thị trường Mỹ. Nhưng những sản phẩm mà Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không phải những sản phẩm Việt Nam nhập mạnh từ Trung Quốc. Thứ hai, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu từ Hoa Kỳ, bao gồm nông sản, máy móc thiết bị và khí tự nhiên hóa lỏng.
Nói như ông có nghĩa rằng, Việt Nam đang thực sự hưởng lợi từ chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, đó là thời của Chính quyền Trump, liệu ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, chúng ta có mất đi lợi thế này hay không?
Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã coi chính sách Trung Quốc như một trong những điểm sáng mấu chốt ngay từ ngày đầu vận động tranh cử. Ông chủ trương mạnh tay với Bắc Kinh để lấy lại sự lành mạnh trong cạnh tranh thương mại, buộc Trung Quốc chấm dứt những hành vi trợ cấp doanh nghiệp và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trump châm ngòi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trước khi đưa xung đột lan sang nhiều lĩnh vực khác từ công nghệ đến tài chính. Trump áp đặt hàng loạt mức thuế quan nặng nề lên hàng nhập khẩu Trung Quốc, buộc nước này ký vào thỏa thuận thương mại giữa 2 quốc gia này.
Điều đáng nói là khi Tổng thống Donald Trump thực hiện chính sách cứng rắn với Trung Quốc thì đây là chính sách duy nhất mà cả hai Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đều ủng hộ. Chống Trung Quốc là di sản mà Trump để lại. Điều đó cũng cho thấy, khi Biden đắc cử Tổng thống thì ông cũng không thể "đảo chiều" được chính sách cứng rắn của Trump đối với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không đưa ra động thái chấp nhận các yêu cầu của Hoa Kỳ, chính quyền mới của Biden sẽ không tự động dỡ bỏ thuế quan đã áp đặt hàng hóa Trung Quốc. Khả năng cao là Biden sẽ vẫn giữ nguyên mức các mức thuế này.
Những người ủng hộ cho Trump vừa qua có đưa ra cáo buộc cho rằng, nếu bỏ phiếu cho Biden thì Biden dễ thỏa hiệp với Trung Quốc. Tuy nhiên, theo tôi, tình huống này không xảy ra. Thậm chí, với sự ủng hộ rộng rãi trong bối cảnh cảnh chính trị, xã hội, kinh tế của Mỹ, sức ép của Mỹ với Trung Quốc trên về cả thương mại, đầu tư và công nghệ sẽ vẫn được duy trì.
Một trong những vấn đề chắc chắn sẽ không xảy ra nếu Donald Trump tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 đó là việc Mỹ có thể tái gia nhập lại Hiệp định TPP bây giờ đã là CPTPP. Nhưng với Biden thì khả năng này vẫn có thể xảy ra. Việt Nam lợi gì và mất gì từ TPP nếu Mỹ tái gia nhập, thưa ông?
Chúng ta đã biết, chỉ trong một vài ngày sau nắm chức Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump đã quyết định rút khỏi TPP. Sau đó, các nước thành viên tham gia đàm phán TPP vẫn Hoa Kỳ sẽ tham gia lại TPP trong tương lai. Chính vì vậy, các nước thành viên còn lại đã đàm phán để vẫn có được CPTPP.
CPTPP khác với TPP là những điều khoản có lợi nhất cho Hoa Kỳ về đầu tư và sở hữu trí tuệ đã được "treo", nhưng không bị xóa. Khi Hoa Kỳ quyết định quay trở lại, thì những điều khoản này sẽ có hiệu lực. Đối với Việt Nam, những điều khoản này không tạo ra nhiều thách thức như đối với Australia hay Nhật Bản. Nếu Hoa Kỳ quay lại TPP thì nhưng lợi ích đối với Việt Nam về xuất khẩu và đầu tư nước ngoài mà các nhà đàm phán Việt Nam đã từng hướng tới sẽ trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, khả năng Biden đưa Hoa Kỳ quay lại với TPP là không cao và chắc chắn sẽ không xảy ra ngay. Thứ nhất, chính sách kinh tế đối ngoại không phải là ưu tiên so với chính sách kinh tế nội địa. Như đã nói, Joe Biden đã công bố sự tập trung chính sách trước mắt là kiểm soát Covid và các gói kích thích kinh tế. Chính sách tài khóa bao gồm tăng chi tiêu chính phủ và tăng thuế sẽ là cuộc thương lại gay cấn giữa Nhà Trắng và Quốc hội. Thứ hai, trong chính sách đối ngoái, thì TPP cũng ở vào thứ yếu. Hành động đầu tiên về đối ngoại của Joe Biden sẽ là đưa Hoa Kỳ quay lại với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tiếp theo đó sẽ là việc tạo dựng lại quan hệ đối ngoại với các nước đồng minh và đối tác chính. TPP đối với Biden không hề là quyết định dễ dàng và chắc chắc phé Dân chủ của ông, đặc biệt là phía cực tả, sẽ chống đối quyết liệt.
Xin cảm ơn ông!