Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cách đây ít phút, hàng loạt hãng thông tấn Mỹ đồng loạt tuyên bố ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden chiến thắng bầu cử Mỹ, trở thành Tân Tổng thống thứ 46 của đất nước.
Tờ CNN khẳng định ông Biden chính thức trở thành Tổng thống Mỹ thứ 46 sau khi vượt qua Trump với cách biệt 30.000 phiếu bầu tại bang Pennsylvania, khiến đương kim TT Trump không còn cơ hội lật ngược tình thế. Như vậy, ứng viên Đảng Dân chủ ẵm trọn 20 phiếu đại cử tri ở bang chiến địa Pennsylvania, qua đó nâng tổng số phiếu đại cử tri mà ông chắc chắn có được lên tới 284 phiếu, theo tờ AP.
Dù chưa có kết quả kiểm phiếu cuối cùng ở các bang còn lại, giới truyền thông Mỹ cho hay số phiếu chưa kiểm là quá nhỏ để cho Trump cơ hội lội ngược dòng và tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ tiếp theo. Kết quả kiểm phiếu chính thức sẽ được các bang đệ trình lên Quốc hội vào tháng 12 tới và ứng viên thắng cử sẽ tiếp quản Nhà Trắng vào tháng 1/2021.
Việc ông Biden vượt mặt Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ 2020 với tỷ lệ phiếu bầu có ý nghĩa như thế nào với nền kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung?
Ngay từ khi bắt đầu tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Biden đã tuyên bố sẽ tăng thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập với tầng lớp giàu của đất nước. Chính sách này trái ngược hoàn toàn so với khi ông Trump đắc cử hồi năm 2016. Thời điểm đó, Trump đã tiến hành gói giảm thuế lên tới 1,5 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ, dù chương trình này bị Biden công kích là chỉ mang lại lợi ích cho giới nhà giàu và doanh nghiệp lớn.
Ông Biden cũng đề xuất chủ trương Made in America (Sản xuất tại Mỹ), hứa hẹn sẽ đưa các nhà máy trở lại Mỹ, qua đó tạo thêm công ăn việc làm và cải thiện thị trường lao động Mỹ vốn đang lao đao sau cuộc khủng hoảng đại dịch. Tân Tổng thống Mỹ đồng thời khẳng định sẽ đưa chuỗi cung ứng các sản phẩm quan trọng như trang thiết bị y tế, dược phẩm trở lại Mỹ để tránh tình trạng thiếu hụt trầm trọng và phải phụ thuộc vào Trung Quốc như thời điểm đầu đại dịch Covid-19 bùng phát.
Khác với sự trì hoãn của chính quyền Trump, chính quyền Biden được dự báo sẽ thúc đẩy gói kích thích tài khóa lớn để hỗ trợ hộ gia đình, người lao động và doanh nghiệp nhỏ, cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng việc làm trong nền kinh tế. Ông Biden cũng gợi ý tập trung vào lĩnh vực giáo dục đào tạo để củng cố sức cạnh tranh cho nền kinh tế Mỹ trong tương lai.
Trong vấn đề môi trường, Biden cam kết sẽ đưa Mỹ trở lại Hiệp định khí hậu Paris, đồng thời áp đặt các quy chế chặt chẽ hơn để giảm phát khí thải carbon ra môi trường.
Bộ đôi Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đều là những người có quan điểm chính trị ôn hòa, do đó giới chuyên gia dự báo chính quyền mới sẽ có phương pháp tiếp cận dễ chịu hơn trong hàng loạt vấn đề từ chính sách đối ngoại đến quan hệ thương mại, từ đó cải thiện quan hệ với EU và Trung Quốc. Trong dài hạn, những biện pháp ôn hòa này sẽ có tác động tích cực cho thị trường việc làm và tăng trưởng bền vững của kinh tế Mỹ.
Các nhà phân tích từ Nikkei Asian Review nhận định nhiệm kỳ của ông Biden sẽ phải giải quyết hàng loạt những xáo trộn lớn tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là xung đột Mỹ Trung - di sản từ thời chính quyền Trump.
Ngay từ khi tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 2016, ông Trump đã thúc đẩy lập trường mạnh tay với Trung Quốc, chỉ trích nước này hưởng lợi hàng tỷ đô từ những hoạt động cạnh tranh thương mại không lành mạnh với Mỹ. Trump châm ngòi cho chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đưa mâu thuẫn lan sang nhiều lĩnh vực khác từ công nghệ đến tài chính. Hàng chục gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc bị chính quyền Trump đưa vào danh sách đen hạn chế thương mại. Trump cũng áp thuế quan trừng phạt lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, buộc nước này ký vào thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2020, Biden sẽ kế thừa thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung với những cam kết mà Bắc Kinh đang thực hiện dang dở. Trước đó, ông Biden từng chỉ trích thỏa thuận Mỹ - Trung giai đoạn 1 mà chính quyền Trump ký kết là hoàn toàn vô nghĩa, bởi không giải quyết được tận gốc các xung đột cốt lõi giữa hai nền kinh tế. Nhưng nhìn chung, trong bối cảnh lưỡng đảng Mỹ đều ủng hộ mạnh tay với Trung Quốc, chính quyền Biden khó mà ôn hòa như cái cách cựu Tổng thống Barack Obama từng thực hiện.
Cố vấn Jake Sullivan của ông Biden từng khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ lợi thế tiên phong công nghệ của mình trước hàng loạt hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ, cạnh tranh thương mại không lành mạnh, kết hợp lĩnh vực kinh tế với an ninh quốc gia, mục đích dân sự với quân sự… của chính phủ Trung Quốc. Đây đều là những điểm mấu chốt trong căng thẳng Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Trump.
Tổng thống Biden cũng chủ trương đầu tư mạnh tay vào công nghệ mới, chi ít nhất 300 tỷ USD vào các lĩnh vực công nghệ mà Trung Quốc đang tập trung phát triển như xe điện, mạng viễn thông 5G và trí tuệ nhân tạo. Ông Biden cũng ủng hộ các biện pháp hạn chế vốn đầu tư vào công nghệ và thương mại ở cả hai chiều, nhưng với một phương pháp chọn lọc thay vì “lạm dụng hạn chế”; bởi chính sách như vậy có thể đẩy các quốc gia khác lại gần hơn với Trung Quốc.
Cố vấn cấp cao Scott Kennedy tại CSIS dự báo chính quyền Biden sẽ kết hợp các biện pháp “hợp tác và gây áp lực” trong vấn đề Trung Quốc. Không loại trừ khả năng học hỏi, kế thừa một số chiến thuật tương tự từ thời Trump như kiểm soát xuất khẩu và hạn chế đầu tư, nhưng bằng cách khéo léo hơn.
Edward Alden, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Ngoại giao cũng nhận định chính quyền Biden sẽ “hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh” trong việc xử lý vấn đề Trung Quốc, đồng thời “thận trọng hơn trong việc sử dụng công cụ thuế quan”.
Trước đó, dưới thời Tổng thống Trump, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến nền kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung chịu hệ lụy nặng nề. Bất chấp việc chính quyền Trump đã trì hoãn và giảm một số mức trừng phạt thuế quan sau khi đạt được thỏa thuận giai đoạn 1, thuế suất mà Mỹ áp lên hàng nhập khẩu Trung Quốc hiện vẫn cao gần khoảng 6 lần thời điểm trước thương chiến, ở mức bình quân 19,3%, theo số liệu từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson. Ở chiều ngược lại, thuế suất bình quân mà Trung Quốc đánh lên hàng nhập khẩu từ Mỹ là 20,3%.
Các cuộc thăm dò cử tri tiền bầu cử đều cho thấy cơ hội lớn ông Biden thắng cử
Trước nhiệm kỳ Trump, thời mà ông Biden còn là Phó Tổng thống trong chính quyền Barack Obama, EU vẫn là đồng minh thân cận bậc nhất của Mỹ, thường phối hợp hành động với Mỹ trong những nhiệm vụ trên quy mô toàn cầu. Nhưng khi Trump lên nắm quyền Tổng thống, ông đã khơi dậy căng thẳng với EU trên hàng loạt lĩnh vực, từ quốc phòng đến thương mại. “Nếu Biden đắc cử, ông ấy có thể không thay đổi được ngay lập tức lập trường của Mỹ, nhưng chắc chắn sẽ bớt cứng rắn hơn” - cựu Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker dự báo.
Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Berenberg cũng đồng quan điểm khi khẳng định: “Đối với Châu Âu, một nhiệm kỳ Tổng thống của ứng viên Biden chắc chắn sẽ tốt hơn”.
Các chuyên gia Goldman Sachs cho rằng chính quyền Tổng thống Biden nhiều khả năng sẽ “đảo ngược mức thuế mà ông Trump áp lên hàng nhập khẩu từ Châu Âu”, qua đó xác lập một bước tiến đáng hoan nghênh với ngành công nghiệp ô tô Châu Âu, những doanh nghiệp cho đến nay vẫn chịu áp lực từ mức thuế cao của chính quyền Trump.
Tuy nhiên, trong các lĩnh vực khác ngoài thuế quan, có khả năng chính quyền Biden vẫn sẽ duy trì thái độ cứng rắn. Nhất là khi nhiều quốc gia EU đang xem xét khả năng áp thuế kỹ thuật số với các đại gia công nghệ Mỹ, điều khiến Nhà Trắng không hài lòng lâu nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.