Cụ thể, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao vừa ký ban hành Thông tư liên tịch số 02/2020/TTLT-BCA-BQP-BYT-BNG-TANDTC-VKSNDTC, quy định về việc phối hợp tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2020.
Thông tư liên tịch gồm 5 Chương, 22 Điều quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành án tử hình; tổ chức thực hiện thi hành án tử hình; hoãn thi hành án tử hình; hồ sơ thi hành án tử hình; việc giải quyết cho nhận tử thi, tro cốt, hài cốt, mai táng người đã bị thi hành án tử hình và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Áp dụng đối với các cơ quan: Công an, Quân đội, Y tế, Ngoại giao, Tòa án, Viện kiểm sát trong tổ chức thực hiện việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức thực hiện thi hành án tử hình và người bị thi hành án tử hình.
Đáng chú ý, tại Điều 8 của thông tư về triển khai việc thi hành án tử hình có nêu rõ, trường hợp người bị thi hành án tử hình là phụ nữ thì ngay sau khi nhận đủ hồ sơ để đưa bản án tử hình ra thi hành, Hội đồng thi hành án tử hình phải yêu cầu Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu ra lệnh trích xuất người bị kết án tử hình đến bệnh viện thuộc Sở Y tế, hoặc bệnh viện cấp quân khu, nơi đang giam giữ người bị kết án tử hình để kiểm tra, xác định xem người bị kết án tử hình có thai hay không.
Việc kiểm tra phải được lập thành văn bản và có xác nhận của bệnh viện nơi tiến hành kiểm tra, xác định.
Theo thông tư liên tịch của 6 đơn vị trên, nguyên tắc thi hành án tử hình phải:
- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và các quy định về thi hành án hình sự; bảo đảm yêu cầu chính trị, pháp luật, đối ngoại và chính sách nhân đạo của Nhà nước trong thi hành án tử hình;
- Bảo đảm an toàn, chặt chẽ, đúng pháp luật;
- Bảo đảm sự chỉ đạo, chỉ huy tập trung, thống nhất của Hội đồng thi hành án tử hình; thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị đã được pháp luật quy định;
- Việc thi hành án tử hình phải được thực hiện tại địa điểm thi hành án tử hình theo quy định của pháp luật.
Thông tư liên tịch cũng quy định về trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc thi hành án tử hình. Theo đó, trách nhiệm của VKSND cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu trong khâu công tác này là:
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu trong việc ra quyết định thi hành án tử hình và thực hiện theo quy định tại Điều 78 của Luật Thi hành án hình sự;
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu về việc giải quyết các thủ tục liên quan đến cho nhận hoặc không cho nhận tử thi, tro cốt, hài cốt của người đã bị thi hành án tử hình;
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng thi hành án tử hình về trình tự, thủ tục trong quá trình thi hành án tử hình, hoãn thi hành án tử hình; kiểm sát hoạt động thi hành án tử hình của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu và cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thi hành án tử hình theo quy định của pháp luật.
Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BCA-BQP-BYT-TANDTC-VKSNDTC ngày 06 tháng 6 năm 2013 giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực.