Sáng nay (11/11), Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm là 6%, quy mô GDP bình quân khoảng 3.700 USD/người.
Quốc hội “duyệt” chỉ tiêu GDP 6%
Theo ông Vũ Hồng Thanh, một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, mức tăng trưởng GDP khoảng 6% là khá cao, nếu đề ra mục tiêu tổng quát “tập trung thực hiện mục tiêu kép” thì tăng trưởng kinh tế khó đạt khoảng 6%, đề nghị đặt chỉ tiêu trên 5% hoặc từ 5,5-6%.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2020, tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế; bối cảnh, tình hình của năm 2021.
“Việc đặt chỉ tiêu khoảng 6% thể hiện quyết tâm của Chính phủ phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, đồng thời để bảo đảm sự hài hòa, linh động trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2021”, ông Thanh nói xin Quốc hội cho giữ như dự thảo nghị quyết.
Giải ngân đầu tư công vẫn là yếu tố quyết định
Đánh giá về khía cạnh kinh tế, TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Chính phủ đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng 6% trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 là rất cẩn trọng, bởi đây là năm bản lề cho quá trình phát triển trong giai đoạn 5 năm tiếp theo 2021-2025.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, thực tế cho thấy, kinh tế trong nước đã bật dậy tương đối nhanh và mạnh trong những tháng cuối năm, đặc biệt là trong quý IV sắp tới.
Bên cạnh đó, hiện nay đa số các nước trên thế giới đã dần thích nghi và sống chung với đại dịch Covid-19, dù cho nhiều quốc gia phải đóng cửa lần 2, lần 3 vì các đợt bùng phát mới, thì cũng có những quốc gia như Nga, Mỹ đã có vacxin phòng dịch.
"Do đó, vẫn còn những cẩn trọng khi mở cửa quốc tế, tuy nhiên kỳ vọng vào bức tranh kinh tế khởi sắc hơn trong 2021 trên toàn thế giới, cùng với việc giữ nguyên được nhịp tăng trưởng kinh tế, không có yếu tố tiêu cực từ dịch bệnh, thiên tai... thì chỉ tiêu GDP đạt 6% hoàn toàn có thể đạt được", ông Thịnh khẳng định.
Tuy nhiên, TS Đinh Trọng Thịnh cũng nhận định, để tạo ra được động lực thực hiện tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay thì Chính phủ cần tiếp tục rà soát, đẩy nhanh vốn đầu tư công, coi đó như đòn bẩy để thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế phục hồi, phát triển nhanh chóng.
Đồng thời, nhà nước phải hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng, chinh phục thị trường nội địa hơn 90 triệu dân. Vấn đề nằm ở chỗ, dù những quốc gia trên thế giới có mở cửa nền kinh tế thì cũng sẽ cầm chừng, nên hoạt động liên quan đến xuất, nhập khẩu sẽ tiếp tục giảm và gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, việc chinh phục thị trường nội địa trở thành yếu tố trọng yếu của nhiều doanh nghiệp. Muốn làm được nó, doanh nghiệp cần thay đổi mẫu mã, cách tiếp cận, giá cả, khuyến mãi.. để phù hợp với văn hóa Việt Nam.
TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nếu nhận định sức tiêu thụ hàng hóa trong nước yếu là rất sai lầm. Chúng ta phải thấy rằng, trước đây hàng nhập khẩu hoành hành rất nhiều, người Việt có xu hướng dùng hàng ngoại.
Tuy nhiên, thời điểm hàng ngoại nhập bị hạn chế hơn, doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội để thể hiện mình, chứng minh hàng Việt Nam không hề thua kém hàng ngoại về chất lượng, thậm chí còn có lợi thế hơn về giá.
"Bản thân doanh nghiệp phải tự thay đổi để chinh phục thị trường trong nước, và Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ để từ đó thúc đẩy được tiêu thụ thị trường nội địa hơn 90 triệu dân này", ông Thịnh cho hay.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên tìm cách đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, tránh trường hợp bị động khi phụ thuộc quá nhiều vào nguồn hàng của các quốc gia khác trên thế giới, mà bài học từ dịch Covid-19 là minh chứng rõ rành nhất.
Đặc biệt, tập trung đẩy nhanh quá trình nội địa hóa nguyên liệu, đồng nghĩa với việc thúc đẩy được ngành hàng, tạo thêm thu nhập, công ăn việc làm cho người dân.
Về mặt đầu ra, doanh nghiệp và nhà nước bắt tay hợp tác tiếp với các thị trường truyền thống, đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng tối đa Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, mở rộng thêm thị trường mới.
TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, năm 2021 là năm Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng mới, do vậy, sẽ có những thời điểm "lặng" để khởi động, sắp xếp, tổ chức, thay đổi cơ cấu... do vậy, người dân mong muốn hệ thống quản lý ổn định, thúc đẩy kinh tế trong giai đoạn đó.
Đồng thời, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng cần được đẩy mạnh, giúp cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn đúng như Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra.
Cuối cùng, Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân, để họ có thể dễ dàng tiếp cận vốn, tiếp cận thị trường, nguồn đầu ra, đầu vào để tăng trưởng và phát triển.
"Đặc biệt là những ngành như hàng không, du lịch, vận tải, dịch vụ... vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Đầy đều là các lĩnh vực có lực lượng lao động đông, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế nước nhà những năm qua", ông Thịnh nói.