Dân Việt

Trồng 1 tỷ cây xanh, nếu trồng thuần keo, bạch đàn không đáp ứng nhu cầu phòng hộ

Khánh Nguyên 12/11/2020 11:45 GMT+7
Tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu trong 5 năm tới phải trồng thêm một tỷ cây xanh. Nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được nhưng mục tiêu quan trọng hơn là bằng mọi cách nâng cao chất lượng 35% diện tích rừng nghèo kiệt.

Rừng trồng thuần keo, bạch đàn không đáp ứng nhu cầu phòng hộ

Theo Thạc sỹ Phạm Đình Sâm - Trưởng Bộ môn Nông - lâm kết hợp (Viện Nghiên cứu lâm sinh, Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam), các chương trình hành động của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong thời gian vừa qua. 

Diện tích rừng tăng thuần trên quy mô nhưng mất rừng vẫn diễn ra tại nhiều địa phương, chất lượng rừng vẫn bị suy giảm nghiêm trọng, không đảm bảo các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái của rừng. 

Bên cạnh đó, theo ông Sâm, một số diện tích trồng thuần loài keo, bạch đàn không đáp ứng được nhu cầu về phòng hộ, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoạn xảy ra gần đây. 

"Việc thực hiện sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có trồng cây ở các khu đô thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là cấp thiết" - ông Sâm nhấn mạnh.

Trồng 1 tỷ cây xanh, nên chú ý cây bản địa đinh, lim, sến, táu - Ảnh 2.

Trồng keo, bạch đàn nhanh cho khai thác nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phòng hộ. Ảnh: I.T

"Tuy nhiên, theo tôi, để thực hiện đề xuất trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng có hiệu quả cần phải xác định các hoạt động với các chỉ tiêu cụ thể nhằm phục hồi được diện tích rừng đã mất, phát huy và sử dụng tối đa các giá trị sinh thái và bảo tồn của các hệ sinh thái rừng đồng thời phát triển kinh tế của từng vùng, đảm bảo sinh kế cho các hộ dân trong khu vực, góp phần giảm nhẹ sự tàn phá của thiên tai và các diễn biến ngày càng xấu và và cực đoan của các loại mưa bão, thời tiết' - ông Sâm nói.

Theo ông Sâm, để giải quyết vấn đề này cần có những đánh giá, hiểu biết về thực trạng cấu trúc và chức năng cũng như thực trạng quản lý rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn. 

Dựa trên các tiêu chí đánh giá về khả năng phòng hộ của từng loại rừng (rừng tự nhiên và rừng trồng) cũng như các trạng thái đất rừng bị thoái hóa (không còn rừng), đất bỏ hoang hóa sau canh tác nương rẫy, hoặc các đối tượng rừng mà khả năng phục hồi bằng tái sinh tự nhiên bị hạn chế sẽ xác định các giải pháp kỹ thuật phù hợp cho từng đối tượng tương ứng. 

Một số diện tích trồng thuần loài keo, bạch đàn không đáp ứng được nhu cầu về phòng hộ, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoạn xảy ra gần đây.

Các loài cây trồng được lựa chọn phải dựa trên các đặc tính sinh lý, sinh thái và đáp ứng cho mỗi chức năng cụ thể của rừng và đất rừng phòng hộ, trong đó tập trung vào các loài cây bản địa, đa mục đích. 

Ngoài ra quy hoạch bảo vệ và phát triển các loại rừng cũng cần có sự tham gia của các bên liên quan khác như kinh tế, giao thông, cơ sở hạ tầng vì đây là các đối tượng có tác động lớn đến diện tích đất rừng. 

Việc bảo vệ và phát triển tốt các khu rừng không chỉ để duy trì chức năng phòng hộ, mà chúng còn là điều kiện tiên quyết để duy trì và nâng cao các lợi ích kinh tế thu được từ các dịch vụ môi trường rừng.

Để tối ưu hoá chức năng của rừng, đòi hỏi phải củng cố cấu trúc rừng hiện có, phục hồi các diện tích rừng bị suy thoái và nâng cao vai trò, dịch vụ của chúng trong đời sống của người dân trong vùng.

Để hiện thực hóa đề xuất của Thủ tướng trong thời gian tới, ông Sâm cho rằng, trước hết phải rà soát, đánh giá lại hiện trạng và tình trạng suy thoái rừng theo các tiêu chí về phòng hộ, đa dạng sinh học, giá trị kinh tế và xã hội trên các vùng sinh thái trọng điểm. 

Tiếp đến cần đánh giá các rừng phòng hộ ít xung yếu và ít đa dạng hơn có thể kết hợp các hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp như trồng cây công nghiệp, rừng trồng có năng suất cao, cây ăn quả hay nông lâm kết hợp kết hợp cả cây nông nghiệp và chăn nuôi để đảm bảo duy trì hệ sinh thái-nhân văn cân bằng do nhu cầu sản xuất và chăn nuôi gia súc của các hộ dân là yêu cầu tất yếu ở vùng đầu nguồn. 

Bên cạnh đó cần xác định các giải pháp khoa học công nghệ về trồng rừng thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt cho rừng phòng hộ, từ phân vùng phòng hộ, phân chia lập địa, chọn loài cây, giống cây và kỹ thuật trồng.

Trồng 1 tỷ cây xanh, nên chú ý cây bản địa đinh, lim, sến, táu - Ảnh 1.

Cán bộ ngành lâm nghiệp kiểm tra chất lượng rừng tại Tuyên Quang. Ảnh: I.T.

Trồng 1 tỷ cây xanh và bài toán nâng cao chất lượng rừng nghèo kiệt

Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, việc Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu trong 5 năm tới trồng thêm 1 tỷ cây xanh chứng tỏ Chính phủ đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, phát triển rừng, đảm bảo sự phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt như hiện nay.

"Tuy nhiên, theo tôi, nếu chỉ tiêu trồng rừng mà tính bằng cây thì không hiệu quả, phải tính bằng diện tích và chất lượng rừng. Diện tích rừng có thể không tăng nhưng chất lượng rừng phải tăng lên" - ông Lung nhấn mạnh.

Ông Lung cho rằng, chất lượng của mỗi loại rừng cũng khác nhau, chất lượng của rừng đặc dụng phải đảm bảo đa dạng sinh học, trong khi chất lượng rừng phòng hộ được đo bằng khả năng phòng hộ của rừng. Chất lượng rừng kinh tế lại được tính bằng khối lượng gỗ và chất lượng gỗ.

Việc Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu cho các ngành chức năng, địa phương nỗ lực phấn đấu rất tốt, nhưng tôi nghĩ, điều quan trọng là phải làm sao nâng cao chất lượng của 35% diện tích rừng nghèo kiệt.

"Rừng tự nhiên giữ nước rất tốt, do hệ thống rễ chằng chịt, mưa bao nhiêu cũng thấm xuống đất, không có hiện tượng chảy tràn thì sẽ không có lũ ống lũ quét. Nếu lượng mưa quá lớn, thì lượng chảy tràn cũng chỉ 20 - 30%. Trong trường hợp không có rừng thì 90% lượng nước chảy tràn trên mặt. Lượng nước chảy tràn trên mặt gọi là lũ, như lũ ống, lũ quét" – ông Lung nhấn mạnh.