Đó là nhận định của ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương tại tọa đàm về chủ đề "Bình thường mới - Tìm kênh đầu tư hiệu quả" do Báo Đầu tư tổ chức.
Ông Nguyễn Tú Anh cho biết, việc mở cửa lại nền kinh tế vào cuối quý II/2020 đã giúp nền kinh tế tăng trưởng trở lại vào quý III/2020 với sự hồi phục được ghi nhận ở cả phía cung và phía cầu. Mặc dù tốc độ tăng trưởng còn thấp nhưng đã có những dấu hiệu khả quan.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) quý III/2020 ước đạt 2,62% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý III giai đoạn thực hiện Chiến lược phát triển Kinh tế xã hội 2011 - 2020, nhưng vẫn cao hơn nhiều mức tăng của quý II (0,39%).
Tính chung 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 2,12% so với cùng kỳ năm 2019. Hầu hết các ngành tăng trưởng có dấu hiệu phục hồi, nhưng còn chậm trong quý III/2020.
Điều đáng nói, mặc dù nền kinh tế đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc, nhưng cũng bắt đầu xuất hiện các nguy cơ mới đối với nền kinh tế, đòi hỏi cơ quan điều hành phải có sự chủ động chuẩn bị để ứng phó.
Đó là, thu ngân sách nhà nước năm 2020 rất khó khăn, ước hụt lớn. Nguồn thu giảm, buộc chúng ta phải cắt giảm chi. Trong đó, nguồn dễ cắt giảm nhất là quỹ điều chỉnh tiền lương.
Trên thực tế, các kế hoạch điều chỉnh tiền lương trong khu vực công lập đã bị hoãn tới năm 2022. Điều này sẽ làm cho khoảng cách về thu nhập của khu vực công so với khu vực tư ngày càng doãng rộng, dẫn đến những hệ lụy.
Vấn đề thứ 2, đó là xu hướng cán cân vãng lai thặng dư lớn đang tạo áp lực lên giá đồng VND. Đồng VND lên giá sẽ tăng sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu và giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu và do đó làm giảm đà phục hồi của nền kinh tế.
Bà là, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay chủ yếu tập trung cho các doanh nghiệp nhỏ và ở quy mô đại trà mà chưa có các giải pháp ứng cứu các doanh nghiệp lớn, có tầm quan trọng đối với nền kinh tế. Trường hợp Vietnam Airlines (VNA) là một ví dụ cụ thể.
Bên cạnh đó, các chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không đạt mục tiêu đề ra. Sức đề kháng yếu đuối của các doanh nghiệp trước các cú sốc (như khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, đại dịch covid-19) cho thấy, các doanh nghiệp này đã không thực hiện được chức năng là chỗ dựa cho nền kinh tế mà ngược lại luôn là các đối tượng cần phải hỗ trợ.
Cuối cùng, mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp năm 2020, theo ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương là không thể đạt được khi số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại thời điểm 30/9/2020 chỉ mới đạt 794.858 doanh nghiệp. Kết quả này có thể nhìn thấy trước từ đầu năm 2020 ngay cả khi Covid-19 không xảy ra. Nguyên nhân chính là do các nỗ lực đổi mới thể chế chậm được triển khai. Thêm vào đó, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm chạp cũng làm chậm quá trình lan tỏa thành lập các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Liên quan đến các chính sách hỗ trợ hiện nay, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban kinh tế Trung ương nhín nhận, khi hầu hết các doanh nghiệp giảm mạnh doanh thu, lợi nhuận và thua lỗ, các biện pháp về giảm thuế thu nhập nhìn chung không có tác dụng lớn như kỳ vọng.
"Cái khó khăn và cần nhất đối với doanh nghiệp lúc này là hỗ trợ vốn thực để duy trì sản xuất kinh doanh liên tục, song đến nay ngoài các chính sách về thuế, phí và các biện pháp từ các tổ chức tín dụng thì Nhà nước chưa có chính sách, biện pháp hỗ trợ tài chính đủ lớn (chẳng hạn, bảo lãnh tín dụng, các chương trình tín dụng ưu đãi có mục tiêu, tăng vốn cho doanh nghiệp nhà nước...) để doanh nghiệp có được nguồn vốn cần thiết nhằm không chỉ vượt qua giai đoạn khó khăn này mà còn tạo thế, lực tận dụng cơ hội phát triển bứt phá cho chu kỳ kinh tế mới sau khi dịch bệnh qua đi", ông Tú Anh đánh giá.