Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp và lãnh đạo TP.HCM nói trên do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) TP.HCM, cùng BHXH TP.HCM phối hợp tổ chức với sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp trên địa bàn.
Ông Nguyễn Hữu Tín, Giám đốc ITPC, cho biết: Tổng hợp ý kiến từ 300 doanh nghiệp đăng ký tham dự cho thấy vấn đề về bảo hiểm xã hội cho người lao động (NLĐ) nước ngoài, thủ tục giải quyết chế độ thai sản, bảo hiểm thất nghiệp… được doanh nghiệp khá quan tâm.
Đại diện Công ty CP Công nghệ truyền thông DTS (Q.3) nêu vấn đề: Thỏa thuận thử việc có thể ghi thẳng vào hợp đồng lao động (HĐLĐ) được không? Nếu được thì thời gian thử việc có phải đóng BHXH không?
Ông Trần Ngọc Thương, Trưởng phòng Thu, BHXH TP.HCM, cho hay: Theo Bộ luật Lao Động năm 2012, Luật BHXH sử đổi năm 2014 thì NLĐ làm việc theo hợp đồng thử việc không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLD – BNN. Như vậy, trong quá trình thử việc dù hợp đồng thử việc riêng hay lồng ghép trong HĐLĐ chính thức đều không thuộc đối tượng đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLD – BNN bắt buộc.
Phía Công ty TNHH Mol Logistics VN (Q. Tân Bình) đặt câu hỏi: NLĐ không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó đúng không? Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản là đúng hay sai?
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, trả lời: NLĐ không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Ông Thanh giải thích thêm: Quy định 14 ngày không làm việc và không hưởng lương được tính theo ngày làm việc, được cộng dồn trong tháng và áp dụng cho tất cả các trường hợp, không tính theo chế độ ngày công của doanh nghiệp. Ví dụ, trường hợp trong tháng có 24 ngày làm việc, người lao động làm việc 11 ngày, nghỉ việc không hưởng lương 13 ngày hoặc trong tháng có 22 ngày làm việc, người lao động làm việc 9 ngày, nghỉ việc không lương 13 ngày thì vẫn thuộc đối tượng đóng BHXH.
Đại diện các doanh nghiệp khác quan tâm đến vấn đề: Người nước ngoài khi về nước có được hưởng BHXH một lần hay không? Có thể ủy quyền cho công ty thay mặt làm thủ tục và nhận tiền một lần hay không?
Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó phòng Chế độ, BHXH TP.HCM, phản hồi: Theo nghị định số 143/2018 của Chính phủ và Luật ATVSLĐ về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại VN, nếu họ có yêu câu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH; Đang bị mắc một số bệnh nguy hiểm đến tính mạng; người đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng không tiếp tục cư trú tại VN; người lao động khi chấm dứt HĐLĐ hoặc giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề hết hạn, hết hiệu lực mà không được gia hạn.
Một trong những vấn đề khác được nhiều DN nêu ra đó là trường hợp NLĐ đã hưởng lương hưu, qua tuổi lao động nhưng vẫn đi làm thì đơn vị sử dụng lao động xử lý ra sao, cộng khoản tiền đó vào lương là đúng hay sai?
Đại diện BHXH TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Thanh, trả lời: Luật BHXH năm 2014 quy định người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Trường hợp NLĐ qua tuổi lao động nhưng chưa hưởng chế độ hưu trí, nếu vẫn tiếp tục làm và hưởng tiền lương thì thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.
Một vấn đề khác mà được khá nhiều các đại diện của DN nêu ra tại buổi đối thoại đó là vấn đề nghỉ việc do ốm đau, bệnh tật, chăm sóc con nhỏ bị đau ốm được thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM nói: Vấn đề này liên quan đến cả Luật Lao động chứ không chỉ riêng BHXH. Luật BHXH năm 2014 đã quy định rất rõ về các trường hợp nghỉ do sẩy thai, nạo hút thai, thai chết… thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
"Con cái bị đau ốm thì cha mẹ phải nghỉ việc để chăm. Chúng ta bị đau ốm không thể làm việc được thì phải xin nghỉ làm. Bác sĩ chỉ định nghỉ bao nhiêu ngày thì chúng ta nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ", ông Thanh nói.