Tại Hội nghị Bất động sản 2020 với chủ đề "Vượt qua trở lực" được tổ chức tại TP.HCM hôm nay (12/11), Giám đốc CBRE Việt Nam - ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, cho rằng khu vực phía Đông sẽ là động lực phát triển cho bất động sản tại TP.HCM và Hà Nội trong 2021 và các năm tiếp theo.
Theo ông, hiện nay, phía Đông TP.HCM và Hà Nội đang có nhiều điều kiện thuận lợi thúc đẩy bất động sản. Cụ thể, tại TP.HCM, bất động sản sẽ được hưởng lợi với đề án thành lập TP. Thủ Đức trên cơ sở hợp nhất ba quận 2, 9, Thủ Đức, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang dần về đích, Bến xe Miền Đông mới đã vận hành và cầu Thủ Thiêm 2 sắp hoàn thành.
"Các điều kiện này sẽ thúc đẩy khiến khu Đông trở thành một thị trường trọng tâm trong những năm tới. Theo dữ liệu chúng tôi có được, đến năm 2025, nguồn cung căn hộ khu Đông lên đến gần 200.000 căn, tăng gấp 4 lần so với năm 2015", ông Kiệt nói,
Tại Hà Nội, Giám đốc CBRE Việt Nam cho rằng trước đây, thủ đô có xu hướng phát triển về phía Tây nhưng hiện nay đang tập trung vào phía Đông. Phía Đông Hà Nội gồm quận Long Biên, huyện Gia Lâm, Đông Anh và Ecopark, đang ngày càng phát triển và là động lực mới nhờ sự hỗ trợ của các dự án hạ tầng mới. Ông Kiệt cũng dự báo đến năm 2025, nguồn cung căn hộ tại khu Đông sẽ lên con số khoảng 65.000 căn, tăng gấp 8 lần so với nguồn cung 2015.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cũng đưa ra dự báo gần hơn, cụ thể là trong năm 2021. Theo đó, tại thị trường TP.HCM, dự kiến năm 2021 số lượng căn hộ chào bán ra thị trường khoảng 18.000 căn, tỷ lệ chào bán thành công đạt khoảng 17.000 căn với mức giá tăng khoảng 5-7% theo mức tăng gần đây.
Riêng Hà Nội, nguồn cung căn hộ năm 2021 khoảng hơn 26.000 căn, tỷ lệ bán thành công khoảng 80-85% và mức tăng giá căn hộ được dự báo sẽ thấp hơn so với mức tăng tại TP.HCM.
Qua khảo sát thị trường, lãnh đạo CBRE cho hay năm 2020, thị trường đón nhận nhiều trở ngại như dịch bệnh, pháp lý, thu nhập của người dân, nên các chủ đầu tư đã cải tiến sản phẩm cho đa dạng như thiết kế căn hộ linh hoạt, điều chỉnh diện tích, tăng tính năng sử dụng nhưng giá cả về tổng thể vẫn là phù hợp. Nhiều chủ đầu tư cũng cho biết sẽ phát triển quỹ đất đa dạng lẫn chủng loại sản phẩm.
Nhìn lại 9 tháng đầu năm, Giám đốc CBRE cho rằng nguồn cung căn hộ tại TP.HCM và Hà Nội đang có xu hướng sụt giảm. Lũy kế 9 tháng, số căn hộ chào bán tại TP.HCM giảm 57%, Hà Nội giảm 67%, số căn bán được cũng lần lượt giảm 62% và 49%.
Xét theo phân khúc, TP.HCM vẫn là nơi thu hút được nhiều nhóm đối tượng với phân khúc sản phẩm đa dạng, trong đó, phân khúc hạng sang vẫn chiếm ưu thế (65%), trong khi Hà Nội lại tập trung vào nhóm khách mua để ở với phân khúc trung cấp chiếm 69%.
Thị trường TP.HCM và Hà Nội đã ghi nhận diễn biến ngược chiều nhau trong quý II và quý III/2020. Xét trong quý II, nguồn cung tại TP.HCM đã giảm xuống mức thấp nhất ba năm, tuy có sự cải thiện trong quý III nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó thị trường Hà Nội lại có nguồn cung rất tốt trong quý II, nhưng lại đi xuống trong quý III.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết thêm khi TP.HCM có thông tin tích cực về việc thành lập TP Thủ Đức, nhiều dự án đang được tích cực hoàn thành, tuy nhiên chỉ có 4 dự án. Nguồn cung vẫn đang là trở lực rất lớn tại TP.HCM, sụt giảm vẫn là chủ yếu. Còn Hà Nội có 14 dự án chào bán, phân khúc trung cấp và bình dân, quanh tuyến đường Vành đai 3.
"Giá bán sơ cấp tại TP.HCM sẽ tiếp tục tăng do thiếu nguồn cung. Cùng phân khúc, mức giá tại Hà Nội cũng sẽ tăng nhưng mức tăng sẽ thấp hơn so với TP.HCM", ông Kiệt nhận định.