Chiều nay (13/11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, với 446/453 (92,53%) ĐBQH tán thành. Luật sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022.
Trước khi thông qua dự thảo luật, Quốc hội đã xin ý kiến biểu quyết của đại biểu về phương án cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về vấn đề này, do ý kiến của ĐBQH trong quá trình thảo luận còn khác nhau, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các ĐBQH.
Ông Tùng thông tin, kết quả xin ý kiến cho thấy, có 207/399/481 ĐBQH (481 là tổng số ĐBQH) đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước. Có 190/399/481 ĐBQH tán thành phương án quy định bổ sung nội dung này.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. do số lượng ĐBQH ủng hộ từng phương án chênh lệch nhau không lớn, đồng thời đều chưa vượt quá 50% tổng số ĐBQH, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình cả 2 phương án để Quốc hội xem xét, quyết định.
"Đa số ý kiến trong UB Thường vụ Quốc hội tán thành phương án 1 không bổ sung biện pháp cưỡng chế "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước". Vì qua tổng kết thi hành Luật cho thấy về cơ bản không có khó khăn, vướng mắc do thiếu biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính", Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội cho biết.
Tại hội trường Quốc hội chiều nay, khi biểu quyết, có 390 ĐBQH (chiếm 80,91%) tán thành việc không bổ sung quy định cắt điện, cắt nước khi xử lý vi phạm hành chính vào luật. Với số ĐBQH biểu quyết như trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết Quốc hội quyết định không bổ sung quy định cắt điện cắt nước vào luật xử lý vi phạm hành chính.