Bộ trưởng Công an: Người nghiện ma túy rất đa dạng, trí thức có, cán bộ có...

PVCT Thứ sáu, ngày 13/11/2020 14:21 PM (GMT+7)
Theo Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, có quan điểm cho rằng đối tượng nghiện ma túy là những người rất đáng thương, cần phải có biện pháp xã hội để bảo vệ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng phần lớn đây là những người có nhân thân xấu.
Bình luận 0

Bộ Công an sẵn sàng quản lý cơ sở cai nghiện

Sáng nay (13/11), Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi). Sau khi nghe các ĐBQH phát biểu góp ý, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật phát biểu giải trình.

Bộ trưởng Công an: Người nghiện ma túy rất đa dạng, trí thức có, cán bộ có... - Ảnh 1.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an (ảnh Quốc hội).

Đối với các vấn đề lớn được nhiều ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết trong quá trình xây dựng luật, quan điểm phòng ngừa ma tuý, giảm tác hại của ma túy rất được ban soạn thảo chú trọng.

Trước những ý kiến khác nhau về người nghiện ma túy và người sử dụng ma túy trái phép, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết,: Hiện nay người nghiện ma túy rất đa dạng, từ cán bộ, trí thức đến thanh niên, thậm chí trẻ em cũng có.

"Có quan điểm đây là những người rất đáng thương, cần phải có biện pháp xã hội để bảo vệ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng phần lớn đây là những người có nhân thân xấu, phần lớn có tiền án tiền sự, có bệnh lý nền khác, bị xem là "con bệnh", trong gia đình, thôn xóm cũng xa lánh, cảnh giác.

Vậy thì thái độ của xã hội với người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ như thế nào? Vấn đề này đã được thể hiện rất rõ trong dự thảo luật", Bộ trưởng Bộ Công an cho biết

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, hiện nay cơ quan chuyên trách về ma túy có rất nhiều, tuy có khác nhau về công việc nhưng cùng chung mục đích là phối hợp cùng ngăn chặn, đẩy lùi ma tuý. Còn quan chủ trì là Bộ Công an, điều này được nêu trong các quy định hiện hành.

"Qua tổng kết kết quả đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy từ 2017 đến 2019, các cơ quan chuyên trách của Bộ Công an trực tiếp phát hiện, điều tra, xử lý trên 95% số vụ, đối tượng tội phạm về ma tuý", Bộ trưởng Tô Lâm cho biết

Về quản lý cơ sở cai nghiện, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định Bộ Công an "không ngại" vấn đề này (hiện đang do ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đảm nhiệm). "Nếu được cho phép, chúng tôi rất sẵn sàng", Bộ trưởng Bộ Công an nói và cho rằng đây cũng là một biện pháp ngăn ngừa tội phạm.

Nhiều ĐB bày tỏ băn khoăn khi các biện pháp "phòng" trong luật là quá ít, không đảm bảo tính khả thi. Bởi khi đã để xảy ra nghiện thì hơn 90% người sau cai nghiện lại tái nghiện.

Quy định người nghiện ma túy "tự khai báo" khó khả thi

Trước đó, trong phần thảo luận, khi góp ý về vấn đề cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng được nêu trong dự thảo luật, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, đây là giải pháp cần thiết để giảm chi ngân sách, giảm tải cho các cơ sở cai nghiện ma túy; mặt khác đối tượng được gần gũi gia đình, dễ hòa nhập cộng đồng sau cai. Tuy nhiên, cần làm rõ về thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và các biện pháp giám sát để phòng ngừa việc lợi dụng việc này để không đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện, khi ở nhà vẫn tiếp tục sử dụng ma túy.

Ở góc độ khác, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nêu dẫn chứng, trước năm 2009 thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được quy định là một tội trong Bộ luật Hình sự và có tính răn đe khá cao. Tuy nhiên sau khi có sự thay đổi trong nhận thức về hành vi này, coi người sử dụng trái phép chất ma túy là nạn nhân của tệ nạn ma túy và Bộ luật Hình sự đã không quy định đây là tội danh. Do đó đã dẫn đến việc gia tăng nhanh chóng người nghiện trong thời gian qua. Cụ thể, năm 2009 có 146 ngàn người nghiện nhưng năm 2019 đã có 235 ngàn người nghiện, tăng 60%, đây mới chỉ là số liệu thống kê người cai nghiện còn trong thực tiễn số liệu còn cao nhiều.

Từ dẫn chứng trên, ĐB Thủy cho rằng, cần ngăn ngừa phát sinh thêm người nghiện ma túy. Quản lý người sử dụng chất ma túy và có biện pháp từ sớm, chặt chẽ mới mang lại hiệu quả. Đồng thời có chế tài đối với người không chấp hành xét nghiệm ma túy.

ĐBQH Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) cho rằng, quy định người sử dụng trái phép ma túy phải tự khai báo về hành vi của mình với các cơ quan chức năng là điều khó khả thi. Đại biểu cho rằng ngoài việc lo sợ xã hội xa lánh, theo quy định hiện hành người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền. "Khi tự khai báo thì họ có bị phạt không, nếu tự khai báo mà vẫn bị phạt thì quy định này khó khả thi",ĐB Nhất nói và cho rằng cần có biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong phòng chống tái nghiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem