"Khi thực hiện Nghị quyết 02, chúng tôi xác định sẽ làm công tác vận động, tuyên truyền trước để bà con hiểu và thực hiện". Ông Nguyễn Ngọc Sơn (ảnh) - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết như vậy về thực hiện quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi nội đô Hà Nội.
Việc hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi đang được Hà Nội triển khai ra sao, thưa ông?
- Sau khi HĐND TP.Hà Nội thông qua Nghị quyết 02 quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn, các cơ quan liên quan của thành phố đã và đang triển khai làm rất khẩn trương và quyết liệt.
Hiện, chúng tôi đã gửi văn bản để các quận, huyện, yêu cầu phải tiến hành rà soát, thống kê kỹ lưỡng các cơ sở chăn nuôi trong khu dân cư, đồng thời tuyên truyền, vận động bà con không tái đàn, tăng đàn vật nuôi và di dời chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.
Tuy nhiên, khi triển khai nghị quyết, chúng tôi cũng xác định một số khó khăn nhất định.
Thứ nhất, các hộ dân bao nhiêu năm nay sinh sống bằng nghề chăn nuôi, bây giờ chuyển đổi nghề không hề đơn giản.
Thứ hai, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ theo kiểu tận dụng rất chính đáng. Thứ ba, nếu chuyển đổi sang chăn nuôi quy mô lớn thì liên quan đến đất đai, tài chính, cơ sở vật chất…
Trong đó, khó khăn lớn nhất là phần lớn các hộ chăn nuôi ở các khu vực cấm là người lớn tuổi, khoảng 50 – 60 tuổi, thậm chí 70 tuổi sức khỏe tốt vẫn chăn nuôi được.
Do đó, độ tuổi cao họ sẽ tiếp cận chậm với những ngành nghề khác. Những hộ này có thói quen chăn nuôi truyền thống, tận dụng nhiều năm nay. Nhưng khi đô thị hóa, họ phải chuyển đổi nghề khác. Thay đổi tập quán có lẽ cũng không đơn giản, một sớm một chiều.
Chính vì thế mà Hà Nội đã đưa ra lộ trình thực hiện việc cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm trong thời gian 3 năm tới (tính đến 31/12/2023).
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện còn hơn 3.000 hộ chăn nuôi ở những khu vực theo Nghị quyết 02 của TP.Hà Nội sẽ không được chăn nuôi gia súc, gia cầm kể từ ngày 1/8/2020, chiếm khoảng 1,6% tổng hộ chăn nuôi toàn thành phố.
Thời hạn di dời hoặc chấm dứt hoạt động cơ sở chăn nuôi từ ngày 1/8/2020 đến ngày 31/12/2023.
Nhiều ý kiến cho rằng việc di dời chăn nuôi ra khỏi khu dân cư rất khó khăn, cần có thời gian dài, nhưng Hà Nội chỉ đưa ra lộ trình 3 năm, liệu có đạt hiệu quả như mong muốn?
- Dù HĐND thành phố mới thông qua Nghị quyết 02 nhưng thực ra, thời gian qua đã có nhiều quận, huyện đi đầu, làm trước thực hiện di dời chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi rất hiệu quả.
Đơn cử như quận Tây Hồ, Long Biên..., đến nay số lượng cơ sở chăn nuôi trong khu dân cư ở các quận này đang giảm rất nhanh.
Khi thực hiện Nghị quyết 02, chúng tôi xác định sẽ làm công tác vận động, tuyên truyền trước để bà con thực hiện. Còn về sau nếu các hộ, các cơ sở chăn nuôi vẫn không thực hiện, vi phạm cam kết không di dời chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi thì các cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử phạt hành chính. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Thực tế, những người dân trong khu vực bị cấm chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo chưa biết sẽ di dời đi đâu, chi phí xây chuồng trại mới cũng không phải nhỏ, chưa tìm được sinh kế mới khi quỹ đất chăn nuôi không còn. Vậy Hà Nội sẽ hỗ trợ bà con như thế nào?
- Trong nghị quyết đã quy định, sẽ hỗ trợ đối với lao động chăn nuôi khi chuyển đổi. Cụ thể, hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, gồm: Hỗ trợ chi phí học nghề, mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với người học nghề ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên…
Thời gian tới, thành phố giao cho các sở, ngành tìm việc làm, đào tạo nghề, phát huy các làng nghề truyền thống. Đặc biệt các vùng bãi như: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Long Biên… sẽ cho chuyển đổi nghề trồng hoa, cây cảnh có thu nhập cao và phù hợp với các đối tượng người lớn tuổi.
Những nơi được quy hoạch làm khu chăn nuôi sẽ có chính sách hỗ trợ về giống, môi trường, về chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Theo đó, các khu chăn nuôi tập trung sẽ nằm ở các địa phương như: Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ…
Một số ý kiến cho rằng, khi di dời chăn nuôi ra khỏi dân cư sẽ làm ảnh hưởng đến thu nhập của người chăn nuôi là đúng nhưng chưa đủ, vì lợi bất cập hại. Đơn cử như dịch tả lợn châu Phi xảy ra với 33.000 hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn vừa qua, thì có tới 80% trong số đó là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nằm trong các khu dân cư.
Ngoài ra, nếu chăn nuôi ở khu dân cư sẽ không bao giờ đưa được sản phẩm vào hệ thống siêu thị, bởi không bảo đảm nguồn gốc xuất xứ và yếu tố môi trường. Vì vậy, việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư là cần thiết và triển khai càng sớm càng tốt. Điều này sẽ tạo động lực cho phát triển chăn nuôi quy mô lớn và bền vững hơn.
Đa số hộ chăn nuôi đều thuộc diện nhỏ lẻ, kiểu tận dụng, hiệu quả kinh tế không cao, trong khi lại gây ô nhiễm môi trường, khả năng lây lan dịch bệnh rất cao, có nhiều nguy cơ về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và tác động không tốt đến sự phát triển đô thị.
Xin cảm ơn ông!