Chật vật di dời chăn nuôi ra khỏi nội đô Hà Nội: Nỗi lo của bà chủ đàn trâu 185 con (Bài 2)

Sơn Hà Thứ năm, ngày 12/11/2020 18:46 PM (GMT+7)
Mặc dù đang sở hữu đàn trâu "khủng" nhất quận Long Biên (Hà Nội), trị giá hàng tỷ đồng đến thời điểm này, song bà Ngô Thị Hải đang rất lo lắng, bởi tới đây sẽ không biết di dời đàn trâu đi đâu khi TP.Hà Nội đang thực hiện quyết liệt việc cấm chăn nuôi trong nội đô.
Bình luận 0

Mặc dù đang sở hữu đàn trâu "khủng" nhất quận Long Biên (Hà Nội), trị giá hàng tỷ đồng đến thời điểm này, song bà Ngô Thị Hải đang rất lo lắng, bởi tới đây sẽ không biết di dời đàn trâu đi đâu khi TP.Hà Nội đang thực hiện quyết liệt việc cấm chăn nuôi trong nội đô theo Nghị quyết số 02 của HĐND thành phố có hiệu lực từ 1/8/2020.

Hàng chục năm sống nhờ đàn trâu

Chật vật di dời chăn nuôi ra khỏi nội đô Hà Nội - Ảnh 1.

Đàn trâu 185 con của gia đình bà Ngô Thị Hải được chăn thả tự nhiên ngay dưới chân cầu Vĩnh Tuy. Ảnh: S.H

Ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND phường Long Biên cho rằng, việc chăn nuôi theo mô hình thủ công, tự phát đang làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe và cảnh quan đô thị. Việc HĐND TP.Hà Nội ra nghị quyết cấm chăn nuôi trong đô thị là cần thiết.

Trò chuyện cùng phóng viên, bà Ngô Thị Hải (trú phường Long Biên, quận Long Biên) cho biết, từ cặp trâu đầu tiên, sau 20 năm chăn nuôi, vợ chồng bà đã phát triển thành đàn trâu gần 200 con. Theo ước tính, giá trị của đàn trâu lên tới hàng tỷ đồng.

Bà Hải nói: "Gia đình tôi sinh sống ở khu đất này đã gần 30 năm, ban đầu chỉ làm ruộng, trồng khoai, ngô ngắn ngày. Nhưng mỗi lần nước sông Hồng dâng lên cao là các thửa đất trồng hoa màu lại bị ngập, chẳng thu được đồng nào".

Sau khi chật vật với nghề trồng trọt, đến năm 1993, gia đình bà Hải quyết định vay 1,8 triệu đồng mua một con trâu với mục đích cày bừa. Con trâu này về sau được gia đình bà đặt tên là "thần tài". Bà Hải kể lại, có lần nó bị ốm, bà đã phải mời bác sĩ thú y về chữa trị.

Sau một khoảng thời gian nuôi trâu, thấy việc gầy dựng đàn trâu có hiệu quả hơn, bà Hải lại tiếp tục vay mượn, lấy ngắn nuôi dài, bán trâu đực, giữ lại trâu cái để gây đàn. Cứ sau mỗi năm, đàn trâu cái lại sinh thêm con. Đến nay, đàn trâu của gia đình bà Hải có 185 con.

Để có thể quản lý đàn trâu này, vợ chồng bà Hải thuê 5 nhân công chuyên việc chăn dắt trâu và 3 người chuyên cắt cỏ cho trâu, trồng ngô để lấy thức ăn cho trâu. Lương của mỗi người trung bình 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Bà Hải cho biết, hiện nay trâu to có giá bán từ 30 - 40 triệu đồng/con, còn nghé nuôi độ 6 tháng bán được 15 - 20 triệu đồng/con. Khách hàng chủ yếu là các siêu thị, nhà hàng, hoặc các hộ dân trong làng. Vào dịp giáp tết, thường có những khách tìm đến đặt hàng, mua cả con vì biết tiếng gia đình bà chăn nuôi trâu sạch, thịt thơm ngon. 

Bà Hải chia sẻ: Nuôi trâu ở bãi sông có nhiều thuận tiện, bởi vì nguồn cỏ dồi dào, hơn nữa lại lắm đầm và gần sông, trâu có chỗ "ngâm mình". Bởi vậy, chỉ sau một thời gian nuôi, trâu béo và lớn nhanh chóng.

Chật vật di dời chăn nuôi ra khỏi nội đô Hà Nội - Ảnh 3.

Bà Ngô Thị Hải. Ảnh: Sơn Hải

Theo bà Hải, nếu có hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cũng không học được, do bản thân bà tuổi đã cao, không còn tiếp thu nhanh, cũng không tìm được nghề phù hợp...

Tuy nhiên vào những tháng mùa đông, cỏ mọc ít, trâu không đủ lượng cỏ ăn. Trung bình mỗi ngày, 1 con trâu ăn hết khoảng 30kg thức ăn, nên mùa đông trâu thường gầy. 

Thậm chí, bà Hải phải thuê người ra các khu dự án bỏ hoang, dọc ven đê... để cắt cỏ, nhưng mỗi ngày cũng chỉ cắt được 3 tấn, trong khi lượng thức ăn cần thiết là 6 tấn cỏ/ngày cho đàn trâu. Bà Hải tâm sự, nhờ có đàn trâu này, mà gia đình bà đã có thu nhập ổn định, các con bà đều được học hành đầy đủ.

Cần có chính sách hỗ trợ thỏa đáng

Ghi nhận của phóng viên tại khu nuôi nhốt đàn trâu 185 con của gia đình bà Hải, chuồng trại xây dựng rất sơ sài. Chuồng trâu chỉ cách nơi ở của gia đình bà Hải chừng 300m. Chuồng được lợp bằng các tấm bạt và các thanh tre nối lại với nhau. 

Có thể dễ dàng nhận thấy, khu chuồng nuôi không hề có hệ thống xử lý nước thải nào, phân trâu kèm theo nước thải được xả trực tiếp ra môi trường. Mỗi lần trời mưa xuống sẽ tạo thành các vũng phân, nước thải lớn chảy tràn ra xung quanh, ngấm vào đất, nước sông, gây ô nhiễm môi trường.

Vào buổi sáng, đàn trâu sẽ được thả tự do ăn cỏ trên các khu bãi, đằm mình vào các vũng bùn gây mất cảnh quan đô thị - nơi cách trung tâm Thủ đô không xa.

Khi được hỏi vì sao không thiết kế hệ thống xử lý nước thải của đàn trâu, bà Hải cho rằng, để xây dựng một khu nuôi nhốt khép kín và xử lý nước thải thì sẽ rất tốn kém. Mặt khác, đây cũng là nơi cách xa khu dân cư nên sẽ không ảnh hưởng đến các hộ dân khác.

"Nuôi trâu đã hàng chục năm nay, tôi cũng không thấy cơ quan chức năng nào đến đây để đánh giá về mức độ ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi và đàn trâu. Vì vậy nhiều năm nay tôi vẫn nuôi nhốt như vậy" - bà Hải nói.

Về việc hiện thành phố đã ra nghị quyết cấm chăn nuôi trong đô thị, bà Hải cho hay, từ khi biết thành phố cấm chăn nuôi, gia đình bà đã rất lo lắng. "Giờ chúng tôi rất nóng ruột và hoang mang, vì 2 vợ chồng đã gần 60 tuổi, ai người ta thuê mướn vợ chồng già như chúng tôi nữa? Hiện đàn trâu có những con đang chửa, đất thì không có, nên cũng chẳng biết di dời đi đâu" - bà Hải nói.

Bà Hải cũng cho biết, gia đình bà rất tiếc khi không được chăn nuôi nữa, nhưng đây là chủ trương, chính sách của Nhà nước thì phải chấp hành. "Tuy nhiên, nếu cấm thì chính quyền phải có giải pháp, lộ trình di chuyển đàn trâu cho hợp lý. Bắt tôi phải di chuyển ngay thì không thể. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần tạo điều kiện giãn nợ ngân hàng, hỗ trợ về chỗ ăn, ở, việc làm ổn định" - bà Hải nêu ý kiến.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND phường Long Biên cho biết, nhờ tuyên truyền, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, kể cả hỗ trợ bằng vật chất nên số hộ chăn nuôi trên địa bàn đã giảm hẳn, đến cuối năm 2020 sẽ chấm dứt chăn nuôi trong khu dân cư. Đối với khu vực ngoài bến bãi, lộ trình đến hết năm 2021 không còn chăn nuôi. "Đa số các hộ chăn nuôi có hoàn cảnh khó khăn, các hộ dân có độ tuổi từ 50 - 60 nên tuyên truyền họ bỏ chăn nuôi, chuyển đổi nghề nghiệp là không đơn giản" -ông Kiên thừa nhận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem