Dân Việt

Nông nghiệp - trụ đỡ qua gian khó (bài cuối): Khát vọng xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập

Khánh Nguyên 14/11/2020 06:50 GMT+7
Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp liên tục đạt từ 2,8-3%/năm, đây là mức tăng cao so với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, trước những thách thức mới, trong giai đoạn tới, Bộ NNPTNT hướng đến khát vọng xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa hội nhập và bền vững.

Đối mặt nhiều thách thức

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, trong bối cảnh mới, nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức rất lớn. 

Đầu tiên là Việt Nam chủ yếu vẫn đang sản xuất ở quy mô hộ nhỏ lẻ. Đây là nút thắt, nếu càng hội nhập sâu rộng thì sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ càng khó cạnh tranh. Ngoài ra, để phục vụ thị trường nội địa 100 triệu dân thì sản xuất nhỏ lẻ cũng rất khó kiểm soát về chất lượng, quy trình, giá thành…

Thách thức thứ hai là tác động của biến đổi khí hậu khi Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu tổn thương lớn nhất của biến đổi khí hậu, xảy ra trên cả 7 vùng kinh tế - xã hội, trong đó những vùng trọng yếu về sản xuất nông nghiệp, nông thôn chịu tổn thương lớn nhất, đặc biệt là ĐBSCL, vùng ven biển và đồng bằng sông Hồng. Thách thức thứ ba chúng ta phải đối mặt là hội nhập.

Nông nghiệp - trụ đỡ qua gian khó (bài cuối): Xây dựng nền nông nghiệp hội nhập - Ảnh 1.

Nông dân huyện Lương Sơn (Hòa Bình) thu hoạch cam. Ảnh: Nguyễn Chương.

Hàng năm Việt Nam sản xuất được 45 triệu tấn thóc và 5 triệu tấn ngô; 5,8 triệu tấn thịt các loại; 8 triệu tấn thủy sản; 20 triệu m3 gỗ rừng trồng.

Trong vòng 10 năm, cả nước đã đầu tư đến 2,4 triệu tỷ đồng vào các thiết chế hạ tầng.

Từ thực tế này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần thiết phải cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.

"Nông nghiệp Việt Nam không thể tiếp tục duy trì lợi thế bằng khai thác tài nguyên và giá rẻ. Cần chuẩn bị sẵn sàng năng lực cạnh tranh mới khi tham gia hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng. Định hướng cân đối các nguồn lực lớn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bền vững; định hướng tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị của 3 nhóm sản phẩm chủ lực, gắn với xây dựng nông thôn mới; cơ cấu lại từng ngành, lĩnh vực sản xuất theo vùng kinh tế - xã hội, vùng sinh thái, nhằm khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng và của từng địa phương" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

9 giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu

Để thực hiện được mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh thực hiện 9 nhóm giải pháp.

Theo đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nhất là tháo gỡ vướng mắc trong chính sách đất đai, đầu tư, phát triển công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ; hỗ trợ thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách thực chất và hiệu quả hơn, trong đó ưu tiên điều chỉnh, xây dựng các chính sách nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng và phục vụ xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, thông minh, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp theo chuỗi.

Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ. Phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng và quản trị ngành; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản. Phát triển thị trường công nghệ nông nghiệp trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.

Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt.

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành, bao gồm nguồn nhân lực chất lượng cao. Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp.

Phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản; khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh; chế biến công nghệ cao; phát triển công nghiệp phụ trợ. Hình thành các cụm công nghiệp dịch vụ, cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho sản xuất; phát triển hệ thống logistic để nâng cao hiệu quả kinh tế, thương mại của hàng nông sản.

Phát triển thị trường tiêu thụ nông sản gắn với hội nhập quốc tế. Phát triển, tổ chức lại thị trường tiêu thụ nông sản (sản xuất phải bắt đầu từ thị trường), kết nối với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu với mục tiêu chung là tiêu thụ kịp thời, hiệu quả nông sản cho nông dân; nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam, cả thị trường nội địa và quốc tế. Tận dụng tốt cơ hội của việc tham gia các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.

Xây dựng nông nghiệp thịnh vượng, nông thôn văn minh. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn. 

Phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ bảo tồn và phát triển các làng nghề; gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với dịch vụ du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh cải cách hành chính và năng lực quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tiếp tục rà soát, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi thu hút đầu tư tư nhân...