Nông nghiệp - trụ đỡ qua gian khó (bài 3): Từ hạt gạo thế giới chưa từng có đến đánh thức đồi hoang
Nông nghiệp - trụ đỡ qua gian khó (bài 3): Từ hạt gạo thế giới chưa từng có đến đánh thức đồi hoang
Khánh Nguyên
Thứ sáu, ngày 13/11/2020 09:26 AM (GMT+7)
Những doanh nghiệp tiên phong đổi mới công nghệ, đầu tư liên kết với nông dân sản xuất theo chuỗi; những địa phương mạnh dạn vận động nông dân xóa bỏ tập quán canh tác cũ, xây dựng các vùng chuyên canh... là những hình mẫu thành công trong quá trình Bộ NNPTNT thúc đẩy chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp suốt 8 năm qua.
Lai tạo ra giống lúa có sự pha trộn pha trộn mùi thơm của lá dứa phía Nam và mùi thơm cốm lúa tám phía Bắc, điều mà ngành gạo thế giới chưa từng làm được là cách Anh hùng lao động Hồ Quang Cua ghi dấu ấn trong ngành sản xuất, chế biến gạo thế giới, đưa ST24, ST25 trở thành loại gạo ngon nhất, được thế giới công nhận.
Để thúc đẩy xuất khẩu, đến nay, Sơn La đã được cấp 161 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu trong đó: Có 51 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường khó tính (Úc, Mỹ...), gồm các sản phẩm: Nhãn, xoài, mận, bơ. 110 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, gồm các sản phẩm: Nhãn, xoài, chuối, thanh long.
"Gạo ST24, ST25 có cùng hàm lượng amylose với loại gạo từng 5 lần đạt danh hiệu ngon nhất thế giới -Khao Dawk Mali của Thái Lan, nhưng có độ bền gel cao hơn đến 15%. Đó là cơ sở khoa học lý giải cho sự thành công của hai giống lúa này, giúp Việt Nam gia nhập câu lạc bộ giá gạo ngàn đô sau 3 thập kỷ chỉ ở mức 400-500 USD/tấn" – ông Hồ Quang Cua khẳng định.
Bắt đầu nghiên cứu từ năm 2008 với việc lập trình tổ hợp lai mới, sau này sẽ phóng thích ra một loạt giống mới từ ST22 đến ST25, đến tháng 6/2016, ông Cua hoàn thành khảo nghiệm quốc gia cho hai giống lúa ST.
Năm 2019, sau cuộc thi do Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và báo NTNN/Dân Việt tổ chức, ST24, ST25 là 2 giống đại diện của Việt Nam dự thi Cuộc thi gạo ngon thế giới năm 2019 tại Manila (Philippines) và đều đoạt giải nhất qua 2 lần công bố; lần thứ nhất là giống ST24, sau đó vài giờ đến lượt ST25 được ban giám khảo xướng tên.
Trong khi đó, Tập đoàn ThaiBinh Seed lại đẩy mạnh phong trào áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ vào nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất các bộ giống cây trồng có ưu điểm vượt trội.
Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT ThaiBinh Seed cho biết, mỗi năm, ThaiBinh Seed cung cấp khoảng 20% giống lúa cho sản xuất nông nghiệp cả nước.
Tập đoàn thực hiện liên kết sản xuất với các địa phương trên cả nước, với diện tích hơn 7.000ha/năm, thu mua 20.000 - 25.000 tấn giống cây trồng chất lượng cao, đem lại giá trị gia tăng 40 - 50 tỷ đồng cho nông dân.
Nhiều hộ nông dân liên kết sản xuất với ThaiBinh Seed có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống.
Giá trị gia tăng sản phẩm trong mô hình liên kết với ThaiBinh Seed tăng 30% so với sản xuất đại trà (bình quân 1kg sản phẩm công ty thu mua được qui đổi bằng 1,25 - 1,3kg thóc thịt tại thị trường cùng thời điểm thu mua).
Các sản phẩm của ThaiBinh Seed mang lại giá trị gia tăng 10-15% so với các sản phẩm khác trên thị trường (chênh lệch giá lúa), đóng góp vào tăng trưởng chung ngành nông nghiệp các địa phương trong những năm qua.
Hồi sinh vùng đất dốc
Chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp mà Bộ NNPTNT thực hiện suốt 8 năm qua không chỉ tạo lực hút các doanh nghiệp tìm về nông nghiệp, nông thôn, mà các địa phương cũng coi đây là cơ hội để bứt phá, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tỉnh Sơn La là một ví dụ điển hình.
Theo ông Nguyễn Thành Công - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La, Sở đã tham mưu tỉnh ban hành 6 chính sách và 15 đề án để hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo lập, phê duyệt, rà soát điều chỉnh bổ sung 23 quy hoạch ngành, sản phẩm ngành nông nghiệp.
Nhờ đó, Sơn La hình thành nhiều vùng nguyên liệu tập trung gắn với các nhà máy chế biến nông sản như: Vùng nguyên liệu rau khoảng 11.000ha tập trung tại một các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn; vùng nguyên liệu mía đường khoảng 8.500ha tập trung chủ yếu tại các huyện Mai Sơn và Yên Châu.
Vùng nguyên liệu cây ăn quả và cây sơn tra khoảng 80.000ha, trong đó: Nhãn 17.900ha tập trung chủ yếu các huyện: Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu; xoài 17.200ha tập trung chủ yếu các huyện Yên Châu, Mường La, Mai Sơn…; mận 10.900ha tập trung chủ yếu các huyện Mộc Châu, Yên Châu và TP.Sơn La; chuối 5.100ha tập trung tại các huyện Yên Châu, Mường La…
Vùng nguyên liệu phát triển ổn định nên đến nay, toàn tỉnh có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, trong đó có các nhà máy lớn như: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Tập đoàn Nafoods tại huyện Mộc Châu; Nhà máy Bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn IC Food Hàn Quốc tại huyện Vân Hồ.
Nhà máy chế biến quả, đồ uống nước hoa quả công nghệ cao của Tập đoàn TH tại huyện Vân Hồ; Nhà máy chế biến rau quả DOVECO Sơn La của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tại huyện Mai Sơn.
Nhà máy chế biến sâu tinh chế cà phê của Công ty CP Phúc Sinh tại huyện Mai Sơn; Nhà máy chế biến cà phê của Công ty CP chế biến cà phê Minh Tiến tại TP.Sơn La; Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty cổ phần Cao su Sơn La tại huyện Thuận Châu; 2 nhà máy chế biến sắn tại huyện Mai Sơn...
Đến tháng 6/2020 toàn tỉnh Sơn La có144 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản thủy sản an toàn.
Trong đó, 21 chuỗi rau an toàn, diện tích 138,97ha, sản lượng 6.105 tấn/năm; 90 chuỗi quả an toàn (xoài, nhãn, mận, chanh leo, bơ, cam, bưởi, dâu tây...) diện tích 1.726,14ha, sản lượng 14.849 tấn/năm; 1 chuỗi cà phê diện tích 16ha, sản lượng 132 tấn/năm; 5 chuỗi chè diện tích 431,6ha, sản lượng 6.455 tấn/năm; 3 chuỗi thịt lợn an toàn, sản lượng 4.363 tấn/năm; 2 chuỗi thịt gà an toàn, số lượng 18.000 con, sản lượng 27 tấn/năm; 5 chuỗi mật ong an toàn với số lượng 6.790 đàn ong, sản lượng 647 tấn/năm; 17 chuỗi thủy sản nuôi 2.609 lồng bè trên lòng hồ thủy điện Sơn La và lòng hồ thủy điện Hòa Bình sản lượng 1.027 tấn/năm.
Sơn La cũng đã có 21 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, gồm: Chè Shan tuyết Mộc Châu; quả xoài tròn Yên Châu; cà phê Sơn La; chè Olong Mộc Châu; rau an toàn Mộc Châu; nhãn Sông Mã; cam Phù Yên; chè Phổng Lái Thuận Châu Sơn La; nếp Mường Và - Sốp Cộp; cá tầm Sơn La; cá Sông Đà Sơn La; khoai sọ Thuận Châu; táo sơn tra Sơn La; Na Mai Sơn; bơ Mộc Châu; chuối Yên Châu; Mật ong Sơn La; chè Tà Xùa Bắc Yên; chanh leo Sơn La; mận hậu Sơn La; rau an toàn Sơn La. Sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu đã được bảo hộ tại thị trường Thái Lan năm 2017.
"Năm 2019, giá trị hàng hóa xuất khẩu nông sản tỉnh Sơn La đạt 140,16 triệu USD; 9 tháng đầu năm 2020 tổng sản lượng nông sản xuất khẩu 85.445,80 tấn" - ông Công cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.