Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo đấu giá bán cổ phần của Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel - Viettel Construction (Mã CK: CTR) do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) sở hữu.
Theo đó, ngày 7/12 tới đây, Viettel sẽ bán đấu giá công khai gần 7,8 triệu cổ phần CTR với giá khởi điểm 46.600 đồng/cp. Mức giá này cao hơn so với mức giá khởi điểm 43.100 đồng/cp do Tập đoàn này đề cập tại tài liệu công bố thông tin do doanh nghiệp công bố trước đó. Tuy nhiên, nếu so với mức thị giá hiện tại trên sàn của cổ phiếu CTR, mức giá khởi điểm thấp hơn gần 9,9% (Chốt phiên giao dịch ngày 13/11, cổ phiếu CTR đứng ở mức giá 51.700 đồng/cổ phiếu).
Với mức giá khởi điểm 46.600 đồng /cp, số tiền tối thiểu mà Tập đoàn Viettel thu về từ việc thoái một phần vốn tại Viettel Construction xấp xỉ 350 tỷ đồng.
Việc Viettel bán Viettel Construction thấp hơn giá thị trường căn cứ theo Nghị định 32/2015/NĐ-CP quy định: "Việc xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn: Doanh nghiệp nhà nước lựa chọn ký hợp đồng thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về thẩm định giá; [….]
Khi xác định giá khởi điểm chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán phải đảm bảo theo quy định nêu trên. Trường hợp giá khởi điểm xác định theo quy định nêu trên thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin thực hiện bán cổ phần chuyển nhượng vốn thì lấy giá tham chiếu bình quân này làm giá khởi điểm chuyển nhượng vốn khi giao dịch trên hệ thống giao dịch của thị trường chứng khoán (sau đây gọi là sàn giao dịch chứng khoán) và giao dịch ngoài sàn giao dịch chứng khoán để chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết".
Thực tế, Viettel đã tuân thủ quy định pháp luật: thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định giá khởi điểm dựa trên BCTC gần nhất của công ty (30/6/2020). Mức giá này được so sánh với giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trước Ngày công bố thông tin. Đồng thời đơn vị thẩm định giá đã có thư tư vấn giá khởi điểm đấu giá theo đúng nguyên tắc quy định tại NĐ 32/2018 nêu trên.
Cụ thể giá khởi điểm đấu giá được xác định theo giá tham chiếu bình quân 30 ngày giao dịch là 46.600 đồng/cp; cao hơn mức giá thẩm định giá là 43.100 đồng/cp.
Tại Viettel Construction, sau 7 lần tăng (sau cổ phần hóa), vốn điều lệ của doanh nghiệp hiện tại là 704 tỷ đồng (năm 2010 là 238 tỷ đồng). Viettel hiện đang là cổ đông lớn nhất với trên 51,5 cổ phần, tương đương 73,22% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Như vậy, nếu thoái vốn thành công, Viettel sẽ hạ tỷ lệ sở hữu tại Viettel Construction từ 73,22% xuống còn 62,2%.
Viettel Construction được thành lập vào năm 1995, là một thành viên thuộc hệ sinh thái của Viettel. Ngày 09/06/2010, đơn vị này chính thức chuyển đổi và hoạt động dưới hình thức CTCP với tên gọi là CTCP Công trình Viettel.
Viettel Construction chuyên hoạt động các lĩnh vực như: Xây dựng, lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng viễn thông; xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác; bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông, máy vi tính; bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng;…
Theo bản công bố thông tin của doanh nghiệp, những năm gần đây, CTR không chỉ tập trung vào lĩnh vực xây lắp hạ tầng viễn thông mà đã mở rộng nhiều lĩnh vực kinh doanh mới với 4 trụ cột, bao gồm Vận hành khai thác (VHKT), Hạ tầng cho thuê (TowerCo), Giải pháp tích hợp và Xây lắp.
Đến cuối tháng 6/2020, tỷ trọng doanh thu của các mảng chính tại doanh nghiệp như sau: VHKT (66,2%); Xây lắp (25,9%); Giải pháp tích hợp (6,8%) và HTCH hiện mới chỉ chiếm tỷ trọng 1% trong tổng doanh thu các mảng kinh doanh chính của công ty.
Về kết quả kinh doanh, Viettel Construction là một trong số những doanh nghiệp được đánh giá là hoạt động hiệu quả sau cổ phần hóa với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tích cực.
Theo đó, trong 10 năm qua, từ mức chỉ vài chục tỷ (cao nhất là 88 tỷ đồng vào năm 2013), lợi nhuận trước thuế của CTR tăng lên 128 tỷ đồng (tăng 45,4%) vào năm 2014 và liên tục tăng qua các năm tiếp theo. Đến năm 2019, CTR ghi nhận 230 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế - kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Riêng giai đoạn 5 năm gần nhất (2015 – 2019), doanh thu Công trình Viettel tăng gấp 3 lần, lãi sau thuế cũng tăng 65% lên 181 tỷ đồng vào năm 2019.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid 19 nhưng kết quả kinh doanh của Viettel Construction vẫn tiếp tục tăng trưởng tích cực.
Tại báo cáo tài chính quý gần nhất, CTR ghi nhận doanh thu tăng 24% so cùng kỳ, đạt gần 1.550 tỷ đồng. Do doanh thu tăng nhanh hơn giá vốn, Công ty thu được hơn 115 tỷ đồng lãi gộp, tăng 40%. Sau khi trừ các khoản, CTR có lãi ròng gần 70 tỷ đồng, tăng 46%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, CTR đem về hơn 4.235 tỷ đồng doanh thu thuần và 168 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng 15% và 35% so cùng kỳ. Với kế hoạch năm 2020 đề ra, CTR đã thực hiên 71% về doanh thu và 85% về lãi ròng.
Về chiến lược kinh doanh 2021 – 2025, Viettel Construction đặt mục tiêu đến năm 2025, trở thành công ty đầu tư và cho thuê hạ tầng (TowerCo) hàng đầu Việt Nam. Bên cạnh đó, công ty cũng mở rộng cung cấp dịch vụ xây dựng, vận hành khai thác ra ngoài Viettel và thị trường nước ngoài; Phát triển các giải pháp năng lượng sạch, cơ điện thông minh.
Về kế hoạch sản xuất kinh doanh, CTR tiếp tục tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức cao, tương ứng là 14%/năm và 15%/năm. Tương ứng, doanh thu đến năm 2025 từ 10.000 - 11.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế từ 300 - 500 tỷ đồng.
Trong đó lĩnh vực Hạ tầng cho thuê chiếm tỷ trọng 22% tổng doanh thu, lĩnh vực Xây dựng chiếm 16%, lĩnh vực vận hành khai thác chiếm 48% và lĩnh vực năng lượng và cơ điện chiếm 14%.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất tại cuộc hội thảo diễn ra vào ngày đầu tháng 11, lãnh đạo Viettel Construction tin rằng, công ty sẽ hoàn thành vượt xa kế hoạch trên, doanh thu năm 2025 có thể lên đến 1 tỷ USD (khoảng 23.500 tỷ đồng), tỷ trọng doanh thu ngoài tập đoàn lên tới 50%.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2020, tổng tài sản của Viettel Construction tăng hơn 1.000 tỷ đồng, vượt mốc 3.460 tỷ đồng. Cùng với sự tăng trưởng nhanh về quy mô, nợ phải trả của doanh nghiệp cũng "phình to" qua các năm, dù dư nợ vay tài chính khiêm tốn. Tuy nhiên công ty vẫn duy trì được cơ cấu tài chính an toàn (thông thường ngưỡng an toàn là Tỷ lệ Tổng nợ phải trả/VCSH không vượt quá 3 lần, tương đương Tổng Nợ phải trả/Tổng tài sản không quá 0,75 lần). Trong Tổng Nợ phải trả là 2.500 tỷ, tăng 934 tỷ so với năm 2019 là 1.567 tỷ.
Tính đến ngày 30/9, Viettel Construction chỉ vay tài chính 23 tỷ đồng. Trong năm 2018 và 2019, CTR không sử dụng đến đòn bẩy tài chính trong hoạt động kinh doanh trong khi các công ty cùng ngành khác đang niêm yết trên thị trường chứng khoán đều sử dụng đòn bẩy tài chính với hệ số nợ/tổng tài sản đạt bình quân 0,18 lần.
Tuy nhiên, nợ phải trả ngắn hạn biến động khá lớn, từ 1.567 tỷ đồng hồi đầu năm lên 2.478 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2020. Kéo theo đó, tỷ lệ nợ/tổng tài sản tính đến cuối quý III/2020 tăng lên 72,26% trong khi năm 2019 chỉ vào khoảng 63,98%. Thậm chí, năm 2016 tỷ lệ nợ/tổng tài sản chỉ vào khoảng 50%.
Tỷ lệ nợ/tổng tài sản tăng đột biến tính đến cuối tháng 9/2020 là do công ty phải tăng gần gấp đôi khoản trích trước chi phí vận hành khai thác và chi phí hạ tầng cho thuê lên 452 tỷ đồng, ngoài ra chi phí xây lắp các công trình viễn thông cũng tăng 49% lên 345 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2020, Viettel Construction đang duy trì dòng tiền khá tích cực, theo đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ở mức 511 tỷ đồng. Trong kỳ, công ty cũng mở rộng đầu tư vào các tài sản cố định, tài sản dài hạn khác thêm 44% so với cùng kỳ năm ngoái, khoảng 332 tỷ đồng. Dòng tiền thuần trong 9 tháng đầu năm dương 158 tỷ đồng.