Những năm gần đây, khi dòng nước trên sông Mê Kông không còn vận hành theo đúng guồng quay của tự nhiên.
Mực nước sông Mê Kông hàng năm lên xuống thất thường đã ảnh hưởng rất lớn đến chu kỳ sinh sản của nhiều loài thủy sản nước ngọt, giảm sút nguồn lợi thủy sản.
Thiên nhiên không còn hào phóng chỉ là một phần, đáng báo động là sự khai thác tràn lan và tận diệt nguồn lợi thủy sản của con người.
Khai thác thô bạo khiến tài nguyên thủy sản kiệt quệ
Với người dân đầu nguồn huyện Hồng Ngự, TP Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), mùa nước nổi hằng năm chính là mùa đón “lộc trời” từ thượng nguồn Mê Kông đổ về.
Dòng Mê Kông đỏ nặng phù sa không những chở về biết bao là khoáng sản mà còn có nhiều cá, tôm. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, những sản vật mùa nước nổi ngày một cạn kiệt dần, nhiều loại cá nước ngọt lớn, những giống cá trắng quý hiếm của sông Mê Kông ngày một ít đi trong tự nhiên.
Song song với những loại ngư cụ truyền thống thì ngày càng có nhiều ngư cụ khai thác mang tính chất tận diệt như: cào điện, xiệt điện, thuốc nổ, mắc lưới nhỏ... đang khiến cho tài nguyên thủy sản ngày một trở nên nguy cấp.
Cuối tháng 10 vừa qua, chúng tôi được tham gia cùng Đoàn kiểm tra liên ngành của TP Hồng Ngự trên các tuyến sông chính của thành phố để kiểm tra phương tiện khai thác đánh bắt thủy sản. Dù chỉ tham gia một buổi, cũng đủ để thấy tình hình khai thác thủy sản thật sự đáng báo động.
Chỉ một buổi, Đoàn điểm tra kiểm tra liên ngành của TP Hồng Ngự đã bắt gặp, xử lý, nhắc nhở hơn 10 trường hợp vi phạm về việc sử dụng xung điện đánh bắt cá, ghe cào hến công xuất lớn hoạt động trên các tuyến sông và kênh lớn của TP Hồng Ngự.
Nói về lí do mạo hiểm dùng xiệt điện đánh bắt cá trên sông, anh Nguyễn Chí Tâm ngụ xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ: “Không phải tôi làm nghề xiệt cá này quanh năm mà chỉ xiệt vào mùa nước để trang trải bữa cơm gia đình vào những lúc không có việc làm...".
Lí do khiến tôi buộc phải sử dụng xiệt điện là vài năm trở lại đây ghe cào điện hoạt động dữ quá. Ghe cào xuyên suốt ngày đêm trên những đoạn sông vắng nên cá tôm trên sông giờ chẳng còn. Nếu dùng câu lưới như chục năm về trước thì giăng suốt ngày có khi không có con cá nào”.
Theo nhiều hộ dân ở khu vực đầu nguồn, một trong những phương tiện đánh bắt thủy sản có tính chất tận diệt nhất hiện nay chính là ghe cào điện. Phương tiện này có công suất lớn, hoạt động được cả trên sông lẫn đồng ruộng.
Khác với các loại lờ, lọp, câu lưới truyền thống, phương tiện này đánh bắt có tính chất tận diệt, nơi nào ghe cào đi qua thì cá, tôm đều bị bắt sạch hoặc chết sạch do chịu ảnh hưởng xung điện công suất lớn.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho nguồn lợi thủy sản trên các sông ngày một bị teo tóp, nhiều loài cá nước ngọt liệt vào danh sách quý hiếm, cần được bảo vệ thì có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Không những càn quét vùng mặt nước trên các sông, trên các cánh đồng mà ngay cả những loại thủy sản chỉ sống ở tầng đáy ở các sông lớn cũng bị khuấy đảo bởi các ghe cào hến công suất lớn.
Những phương tiện cào hến này thường đi thành đoàn khoảng từ 8 – 12 chiếc. Những nơi mà đoàn ghe cào đi ngang hầu như nước dưới sông đều bị khuấy đảo, đen ngòm.
Chung tay bảo vệ “nguồn sống” của dòng Mê Kông
Để ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, những năm qua UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành nhiều kế hoạch và văn bản về tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thực hiện nhiều giải pháp thả nhiều giống cá quý, hiếm bản địa trở về với tự nhiên.
Đồng thời, để ngăn chặn triệt để sự xâm hại nguồn lợi thủy sản từ các phương tiện khai thác tận diệt, thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Tháp tiến hành không cấp phép khai thác thủy sản đối với các ngư cụ làm suy giảm nguồn lợi thủy sản như: cào gọng, cào hến, đẩy te, xiệp, đáy; nghiêm cấm đặt ngư cụ tại điểm cố định (chà, đăng, vó, nò, bò) để khai thác thủy sản trên các tuyến sông, kênh, rạch thuộc phạm vi tỉnh quản lý do gây bồi lắng và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học thủy sản.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra khai thác thủy sản thường xuyên thực hiện và đã xử lý, cho làm cam kết, nhắc nhở các đối tượng vi phạm về kích điện, kích thước mắc lưới nhỏ, mùa vụ cấm khai thác...
Mặc dù các địa phương đã mở nhiều cuộc ra quân kiểm tra, xử lý, tuyên truyền, song lực lượng tại các địa phương hiện nay vẫn còn mỏng, phương tiện kiểm tra còn hạn chế nên công tác quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn chưa thật sự hiệu quả.
Chưa kể đến, lực lượng chức năng còn bị các đối tượng vi phạm có hành vi chống đối và uy hiếp, điều này đã gây ra không ít khó khăn cho công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiện nay.
Ông Lê Hoàng Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Hồng Ngự cho hay: “Đa số các hộ khai thác thủy sản đều biết việc sử dụng ngư cụ bị cấm, sử dụng điện để khai thác thủy sản là vi phạm pháp luật nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có đất để canh tác nên họ vẫn hành nghề. Nhiều hộ khai thác tái vi phạm nhiều lần, hiện việc chuyển đổi nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, do lực lượng và phương tiện còn hạn chế nên công tác thanh tra, kiểm tra trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa thường xuyên và rộng khắp. Nhiều trường hợp sử dụng xung điện, chất độc khai thác thủy sản hoạt động về đêm ở vùng sâu, kênh rạch nhỏ và ngụy trang rất khó phát hiện, gây ra nhiều khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý”.
Có thể thấy xu hướng thích thưởng thức, tiêu dùng những loại thủy sản tự nhiên quý hiếm cũng là nguyên nhân thúc đẩy quá trình đánh bắt, khai thác cá nước ngọt tự nhiên tận diệt như hiện nay.
Khi nhu cầu từ thị trường ngày một tăng trong khi nguồn cung ngoài tự nhiên đang ngày một cạn kiệt sẽ dẫn đến hệ lụy là nhiều đối tượng vẫn bất chấp những quy định của pháp luật để khai thác. Do đó, để chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên, trả lại sự cân bằng cho hệ sinh thái thì có lẽ người tiêu dùng cũng nên thay đổi thói quen tiêu dùng của mình.
Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp thông tin: “Ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp các ban, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản bằng nguồn kinh phí địa phương và xã hội hóa.
Đồng thời sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; đảm bảo kinh phí cho hoạt động tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Ngành cũng tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu làm cơ sở khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước trong quản lý nguồn lợi thủy sản...
Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp cũng đổi mới phương thức quản lý tái tạo nguồn lợi thủy sản theo hướng cộng đồng quản lý và chia sẻ lợi ích, trách nhiệm cùng liên kết phát triển; tăng nguồn thu từ khai thác giá trị nguồn lợi thủy sản để đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn, tái tạo.
Để giúp người dân thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp hiệu quả, thời gian qua ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tổ chức các đợt điều tra nắm lại số hộ nghèo chuyên sống bằng nghề khai thác thủy sản tự nhiên để có chính sách xã hội, kế hoạch cho vay tín dụng hỗ trợ vận động chuyển đổi nghề nghiệp.
Từng bước cho người dân chuyển đổi hình thức khai thác thủy sản hoặc khai thác theo truyền thống, tập trung dạy nghề tiểu thủ công nghiệp để người dân kiếm thêm thu nhập, giảm áp lực khai thác thủy sản tự nhiên.
Có thể thấy việc khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản đến mức tận diệt đã và đang ảnh hưởng đến sự cân bằng hệ sinh thái tự nhiên cũng như ảnh hưởng đến phát triển sinh kế truyền thống của rất nhiều hộ dân ở khu vực đầu nguồn.
Việc tuyên truyền, nhắc nhở là giải pháp tất yếu, song để giải quyết dứt điểm tình trạng tận diệt nguồn lợi thủy sản thì cần thiết nên có những giải pháp mạnh hơn, liên tục và có sự liên kết phối hợp giữa các tỉnh, thành trên khu vực hạ nguồn sông Mê Kông.