Ngày 10/12 tới đây, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đăng ký bán đấu giá 630.748 cổ phần, tương đương 15,16% vốn tại Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Viettel (VTK).
Giá khởi điểm cho VTK là 27.500 đồng/cp, theo đó, Viettel dự thu tối thiểu 17 tỷ đồng.
Hiện Viettel là cổ đông lớn nhất tại Thiết kế Viettel, sở hữu hơn 2,8 triệu cổ phiếu VTK, tương đương 68% vốn điều lệ. Nếu đấu giá thành công, Viettel sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống 52,84%.
Trước đó, Viettel đã thông báo sẽ tiến hành thoái vốn tại ba đơn vị đơn vị thành viên là Viettel Post, Công trình Viettel và Thiết kế Viettel trong tháng 10 và tháng 11 năm nay. Theo đó, thông qua hình thức đấu giá công khai, Viettel sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại ba công ty xuống còn khoảng trên 50%.
Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016 – 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, Viettel sẽ thoái vốn tại Thiết kế Viettel từ mức sở hữu hiện tại 68% về mức trên 50% là 52,84% (thoái vốn 15,16%).
Thông tin thoái vốn của từng công ty đã được công bố chính trên Bản Công bố thông tin, trên trang web của Sở GDCK Hà Nội, Tập đoàn Viettel.
Ngay sau khi các thông tin về việc Tập đoàn Viettel sẽ thoái vốn tại công ty này được công bố, giá cổ phiếu VTK đã tăng từ 22.000 đồng lên 29.200 đồng khi kết thúc phiên giao dịch ngày 1/10. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thị giá của VTK chỉ còn khoảng 28.000 đồng/cp (Chốt phiên giao dịch ngày 16/11). Như vậy, giá khởi điểm chào bán hiện đang thấp hơn 1,8% so với thị giá.
Theo giới thiệu, công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Viettel với tiền thân là Xí nghiệp Khảo sát thiết kế trực thuộc Viettel. Vào năm 2006, Xí nghiệp chuyển thành Công ty TNHH Nhà nước MTV Tư vấn thiết kế Viettel. Đến năm 2010, công ty chính thức đi vào hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần.
Là đơn vị có quy mô doanh thu nhỏ nhất trong hệ sinh thái Viettel, Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Viettel có vốn điều lệ gần 41,6 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp này lại tận dụng được lợi thế từ công ty mẹ về hệ thống mạng lưới, khách hàng lớn, tiềm lực tài chính cũng như nhân sự và hệ thống công nghệ thông tin. Nhờ đó, ở mảng hoạt động kinh doanh chính là thiết kế về trạm BTS và hệ thống cột anten, thiết kế hệ thống truyền dẫn, VTK giữ vị trí số 1 ở Việt Nam nhờ đảm nhiệm thiết kế trên 80% công trình hạ tầng viễn thông của Viettel.
VTK chính là đơn vị đã thiết kế 5 đường trục cáp quang Bắc-Nam, tổng chiều dài trên 8.500 km, gần 190.000 km cáp quang rẽ nhánh và thiết kế trên 45.000 trạm BTS, trên 10.000 tuyến Viba… những hạ tầng tạo nên sức mạnh quan trọng của Tập đoàn Viettel.
Bên cạnh duy trì mảng kinh doanh truyền thống, Công ty đã nhanh chóng chuyển dịch, đẩy mạnh các mảng kinh doanh khác. Cụ thể 4 mảng kinh doanh chính như sau:
Tiếp tục duy trì ngành nghề truyền thống: Tư vấn thiết kế, giám sát công trình viễn thông, Triển khai các giải pháp kiên cố nâng cao tuổi thọ hạ tầng viễn thông. Mở rộng thêm 3 ngành nghề mới: Tư vấn thiết kế/giám sát công trình dân dụng, công nghiệp Đo kiểm, kiểm định chất lượng công trình viễn thông Cung cấp giải pháp lĩnh vực ICT (CNTT và viễn thông)
VTK cũng đã và đang tận dụng mạng lưới của Tập đoàn Viettel để mở rộng hoạt động kinh doanh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Công ty đã cung cấp dịch vụ, mở rộng kinh doanh ra 7 thị trường nước ngoài. Lũy kế doanh thu từ khi triển khai đến hết 2019 đạt 100 tỷ đồng, hàng năm doanh thu thị trường nước ngoài từ 5% - 10% tổng doanh thu.
Từ một công ty chuyên thiết kế công trình hạ tầng viễn thông, cho khách hàng chính là Viettel và một số nhà mạng khác, trước xu thế bão hòa của ngành viễn thông, Công ty đã chủ động thực hiện chuyển dịch sang các ngành nghề kinh doanh mới như: Đo kiểm, kiểm định chất lượng công trình viễn thông; thiết kế công trình dân dụng, công nghiệp; giám sát và cung cấp giải pháp lĩnh vực ICT. Bước đầu các mảng kinh doanh mới đã bù đắp được doanh thu và lợi nhuận sụt giảm của ngành nghề truyền thống. Lợi nhuận của công ty duy trì ổn định từ 15 – 16 tỷ/năm trong các năm qua, và vẫn đảm bảo tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt hàng năm là 15%/năm.
Năm 2020 này, công ty đặt mục tiêu sẽ chấm dứt đà giảm lợi nhuận trong năm 2020, tiến tới tăng trưởng trở lại những năm sau đó với 136 tỷ đồng doanh thu, tăng 18% và lợi nhuận hơn 16 tỷ, tăng 1,63%.
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ của Thiết kế Viettel cho thấy, doanh thu 6 tháng tăng 21% so với cùng kỳ lên 55,2 tỷ đồng; lãi sau thuế đạt 7,4 tỷ đồng, tăng nhẹ 2%. Đây là mức hoàn thành kế hoạch tính theo doanh thu và lợi nhuận kế hoạch được ĐHĐCĐ đưa ra đầu năm. Mức kế hoạch này được đặt ra trong bối cảnh tăng trưởng nền kinh tế, tăng trưởng của ngành khi chưa chịu ảnh hưởng của dịch Covid 19. Lũy kế đến hết Quý 2/2020, Công ty hoạt động vẫn có tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ 2019, doanh thu tăng trưởng 20%, lợi nhuận tăng nhẹ 2%.
Theo công bố, VTK định hướng đến năm 2025 tiếp tục là Công ty tư vấn thiết kế hạ tầng viễn thông số 1 tại Việt Nam, đáp ứng toàn bộ nhu cầu về tư vấn, thiết kế và kiểm định chất lượng hạ tầng viễn thông của Tập đoàn Viettel.
Đến năm 2025, doanh thu VTK sẽ đạt 200-350 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 30-40 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 10 -15%/năm. Tỷ lệ chia cổ tức ổn định 10-20%/năm giai đoạn 2020 - 2025.
VTK là công ty có tình hình tài chính lành mạnh, không phát sinh công nợ khó đòi. Về hiệu quả kinh doanh: Hệ số Nợ/Tổng tài sản ở mức an toàn, thông thường ngưỡng an toàn là Nợ/VCSH không vượt quá 3 lần, tương đương Tổng Nợ phải trả/Tổng tài sản không quá 0,75 lần. Đến 30/6/2020, hệ số Tổng nợ phải trả/Tổng tài sản của TVTK là 0,34 lần, dưới ngưỡng 0,75 lần là an toàn. Ngoài ra, do tính chất hợp đồng kinh doanh của TVTK thường kéo dài từ 6-9 tháng, theo lịch sử công ty, các công nợ thường sẽ cao trong năm và giảm dần vào cuối năm khi công nợ của các hợp đồng được quyết toán.
Như trình bày ở trên, do công ty đang chuyển dịch sang các ngành nghề mới, nên bước đầu doanh thu vẫn đảm bảo tăng trưởng, lợi nhuận vẫn được duy trì ổn định,
Một điểm đáng chú ý trên báo cáo tài chính là VTK có lượng tiền mặt khá dồi dào. Tại thời điểm cuối năm 2019, công ty có 10 tỷ đồng tiền mặt và 27 tỷ đồng gửi tiết kiệm – tổng cộng chiếm gần 40% tài sản ngắn hạn và 30% tổng tài sản. Nhờ vậy, VTK thường trả cổ tức với tỷ lệ trên 15%. Năm 2020, công ty cũng dự kiến trả cổ tức từ 15-20% dù nền kinh tế nói chung bị tác động mạnh của đại dịch Covid-19.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2020, tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp tiếp tục tăng lên 27 tỷ đồng, tức gấp gần 3 lần so với đầu năm. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (gửi tiết kiệm) tăng thêm 18,5%, lên 32 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm gần 19%, tính tới cuối tháng 6 vừa qua.