Dân Việt

Hậu Giang: Nước tràn đồng, vùng rốn cá một thời nay dân vẫn tấp nập đánh bắt như sợ mai mốt nước rút ra ngay

Quang Hải 18/11/2020 06:40 GMT+7
Nước nổi về tràn bờ, đó cũng là lúc những người dân sống nghề câu lưới sẽ mưu sinh trên khắp những cánh đồng tỉnh Hậu Giang.

Sau thời gian dài chờ đợi, cuối cùng con nước đỏ màu phù sa cũng chảy vào các dòng kênh, tràn qua các cánh đồng ở những vùng trũng thấp như huyện Vị Thủy, thị xã Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang)…

Đâu đâu cũng dễ dàng nhìn thấy hình ảnh con nước nhảy bờ ngập sâu, cùng với đó là cảnh người dân tất bật mưu sinh nghề câu lưới, khai thác các nguồn lợi thủy sản thiên nhiên trong mùa lũ.

Hậu Giang: Nước tràn đồng, vùng rốn cá một thời tấp nập cảnh đánh bắt như sợ mai mốt nước rút đi - Ảnh 1.

Anh Trí, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang chuẩn bị cho cuộc hành trình đi đánh bắt cá.


Trời vừa rạng sáng, vợ chồng anh Ba Trí (Trần Văn Trí), ở ấp 4, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy (Hậu Giang), đã hì hục chuẩn bị xong mớ đồ nghề lưới, lú ra cánh đồng trước nhà giăng thả. 

Nhoẻn miệng cười tươi, anh nói với tôi: “Những tưởng năm nay lũ không về như mấy năm trước thì người dân sống bằng nghề giăng bắt cá, cua như tụi tui sẽ mất kế sinh nhai. Nhưng may thay nước cũng về, tuy có muộn, nhưng cũng đỡ hơn là không có việc làm”.

Nhìn anh với thân hình đen trũi bởi mưa nắng thời gian cũng đủ hiểu anh là người có bề dày kinh nghiệm trong nghề câu lưới. Anh nói lúc thiếu thời nhà đông anh em, cha mẹ nghèo nên anh bỏ lỡ việc học hành theo cha mẹ lênh đênh trên sông nước làm nghề đánh bắt cá, tôm. 

Lớn lên cưới vợ ra riêng, anh cũng chỉ biết nghề này để sống, tài sản lớn nhất của anh là chiếc vỏ máy và mớ lưới, lú đặt cá mùa nắng dưới sông, mùa mưa trên ruộng cứ thế mưu sinh qua ngày. Công việc tuy vất vả, thường bắt đầu từ đêm khuya cho đến rạng sáng, nhưng đổi lại anh có được nguồn thu nhập vài trăm ngàn đồng sau những chuyến đi giăng thả. 

Vui mừng đón những mẻ cá đầu tiên từ những trận mưa kéo dài suốt mấy ngày vừa qua, anh Trí cho biết sống trong vùng rốn lũ, mỗi năm khi con nước về, không chỉ riêng anh mà còn nhiều người khác tận dùng các ngư cụ như lưới, dớn, lọp, lờ, côn... để khai thác sản vật từ lũ, đây cũng là nghề bắt cá mang lại nguồn thu nhập khá hàng năm khi mùa nước nổi về.

Chia tay anh, tôi xuyên qua các cánh đồng rộng lớn ở miệt kênh Long Phụng, thuộc địa phận xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, nơi được mệnh danh rốn cá một thời. 

Không khí mưu sinh của nông dân cùng theo con nước trên những cánh đồng diễn ra khá rộn rã, người đặt dớn, người giăng lưới thả câu, người đặt lọp, lờ, người hái bông điên điển, người nhổ hẹ nước, bông súng…

Ai ai cũng tranh thủ kiếm tìm con cá, mớ rau mang ra chợ bán để có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống. 

Cảm nhận của tôi như họ đang khá vội vã trong nỗi lo con nước rồi sẽ rút nhanh đi và nguồn lợi thủy sản cũng rút dần theo con nước, anh Hai Lâm, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), cười tươi rói nói như khoe: “Mấy chục cái dớn xếp đống ở góc nhà mấy tháng nay giờ cũng có chỗ đặt. Cho dù nước lũ có về chậm, cá, cua không nhiều như những năm về trước, nhưng có còn hơn không, có nước lũ về đã đáp ứng phần nào sự mong đợi của hàng ngàn người dân mưu sinh trong mùa lũ”.


Với kinh nghiệm của những người chuyên sống nghề câu lưới ở đây, cứ vào độ tháng 4, tháng 5 âm lịch là bà con đã lo chuẩn bị xong ngư lưới cụ, chờ con nước lũ về. Năm nay lũ về muộn, những ngư cụ như lọp, dớn, lưới… chuẩn bị xong lại đem xếp vào góc nhà chờ con nước cho mãi đến tháng 9 âm lịch nước mới đổ về, cuối cùng các loại ngư cụ cũng được ra đồng. 

Anh Sáu Vĩnh có hơn chục năm làm nghề đặt lọp cua đồng nói như than: “Chờ nước lũ về từ mấy tháng nay, nhưng lũ về muộn nên lượng cua đặt được không nhiều, trầm mình, ngâm nước cả ngày móp cả tay chân, vậy mà số cua, ốc bắt được nhiều lắm cũng chỉ chừng 5-10kg. Đâu giống ngày xưa khi nước lũ về, ở đây cá cua nhiều vô số kể nên nông dân ngẫu hứng thành thơ: “Công danh chi nữa mà chờ, về kênh Long Phụng đặt lờ nuôi em”. 

Những năm gần đây, do người dân khai thác nguồn lợi cá đồng bằng nhiều cách nên lượng cá trong tự nhiên cũng bị giảm dần, người làm nghề lọp, lờ, câu lưới bị thất thu.

 Người đánh bắt cá, cua bị thất thu kéo theo người làm nghề sản xuất ngư cụ cũng bị ảnh hưởng, anh Hai Vũ (Lê Hồ Vũ), ở ấp 11, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, chủ cửa hàng sản xuất và bán ngư lưới cụ cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái thì năm nay số lượng anh làm ra và bán các mặt hàng như lưới, dớn, vợt cá mè vinh… tương đối chậm. 

Không chỉ có mặt hàng ngư lưới cụ người mua hạn chế, mà ngay cả những người làm nghề đan lọp, xà di đặt lươn, cá bằng tre trúc của một số hộ dân ở huyện Vị Thủy cũng rơi vào cảnh tương tự. 

Đây cũng là điều dễ hiểu bởi những dụng cụ đánh bắt cá đan đát từ làng nghề thủ công không còn khả dụng như những dụng cụ làm bằng lưới cước, lưới chì vừa tiện lợi, vừa có độ bền lâu.

Nhìn dòng nước đục đang chảy mạnh dưới kênh xáng Nàng Mau 2, anh Tám Hùng, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), nói bằng giọng phấn khởi: “Mong hoài rồi lũ cũng về, tụi tui chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho mùa đánh cá năm nay, nghề đánh bắt cá mùa mưa lũ. 

Dân chài lưới tụi tui xem là nghề trời định, bởi không ai đoán trước được năm nay lũ lớn hay lũ nhỏ, cá về nhiều hay ít, nhiều người vốn quen nghề mưu sinh mùa lũ chịu chung cảnh khó khăn khi con nước về”. 

Nhưng những năm gần đây nguồn lợi thủy sản cũng vơi dần. Không ít người bỏ nghề đi nơi khác làm ăn, người ở lại vẫn bám lấy con nước. Không dữ dội như ở vùng miền khác, nước lũ ở miền Tây hiền hòa mang theo nhiều phù sa bồi đắp cho ruộng đồng và tôm cá cho người dân.

Khi có nước lũ lớn về, con nước dâng cao thì cá tôm, sản vật cũng nhiều, trái lại năm nào nước lũ nhỏ và trễ thì nguồn lợi thủy sản cũng ít đi, làm ảnh hưởng đến sinh kế của hàng ngàn người dân vùng sông nước…