Dân Việt

Xuất khẩu kỷ lục 250.000 tấn đường trong bối cảnh ATIGA, “vua mía đường” Đặng Văn Thành nói điều này…

Quốc Hải 18/11/2020 17:51 GMT+7
"Ngoài sản xuất trong nước, chúng tôi còn nhập đường thô về tinh luyện, rồi cả những mặt hàng ‘đường không phải là đường’ nữa. Năm rồi, chúng tôi xuất khẩu được 250.000 tấn và niên vụ này (2020-2021), dự kiến sẽ xuất khẩu được trên 300.000 tấn", ông Đặng Văn Thành chia sẻ.
Xuất khẩu kỷ lục 250.000 tấn đường trong bối cảnh ATIGA, “vua mía đường” Đặng Văn Thành nói điều này… - Ảnh 1.

ATIGA tạo ra những thách thức, nhưng cũng là cơ hội cho ngành mía đường (Ảnh: IT)

"Vua mía đường" Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group), vừa nói về những khó khăn của ngành mía đường nói chung, của Thành Thành Công nói riêng, trong bối cảnh gia nhập ATIGA. Và, bản thân doanh nghiệp phải có hướng đi riêng của mình.

Theo ông Đặng Văn Thành, khó khăn của ngành đường khi hội nhập là khó tránh khỏi, nhưng doanh nghiệp muốn tồn tại thì phải luôn sẵn sàng. Giống như câu chuyện của ATIGA - niên độ của đường, ai cũng lo lắng nhưng chúng tôi không lo lắng để tự ti mà chủ động, tự tin, tham gia xuất khẩu những mặt hàng đường mà không phải đường. 

"Singapore nhỏ, không có quốc nội nhưng làm hàng không rất tốt, mình không phải cường quốc đường; nhưng mình vẫn sẵn sàng tham gia xuất khẩu đường. Bởi những mặt hàng cao cấp organic thì xuất qua châu Âu, đường lỏng thì xuất qua Trung Quốc, đường phèn, đường ăn kiêng... những sản phẩm đường mà không phải đường. Lần đầu tiên Việt Nam xuất kỷ lục gần 250.000 tấn. Năm 2020-2021 chúng tôi chuẩn bị xuất khẩu 300.000 tấn. Tôi cho rằng đây là điểm son, là kỷ lục của ngành nông nghiệp", ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, trước đó, Việt Nam lên kế hoạch xuất khẩu 1 triệu tấn đường mà bây giờ Thành Thành Công đã xuất khẩu được 300.000 tấn, chiếm 30% tổng sản lượng. Nói vậy để thấy rằng hội nhập sẽ tạo ra thách thức khó khăn, đào thải nhưng cũng có cơ hội.

Kết quả kinh doanh trong quý 1 niên độ 2020-2021 vừa được Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (HoSE: SBT) công bố: Doanh thu kênh xuất khẩu của TTC Sugar tăng mạnh so với cùng kỳ nhờ gia tăng sản lượng xuất khẩu các mặt hàng đường cao cấp, có giá trị gia tăng cao, đồng thời phát triển thêm các thị trường xuất khẩu mới, nâng tổng số thị trường lên 24 quốc gia. 

Đặc biệt, SBT đang chú trọng phát triển dòng sản phẩm đường organic. Đây là dòng sản phẩm xuất khẩu sẽ chiếm tỷ trọng cao trong tương lai. Hiện đã được xuất khẩu đi 17 nước châu Âu và vươn ra các thị trường lớn khác như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Bà Huỳnh Bích Ngọc - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa, cho hay: SBT hiện sở hữu vùng nguyên liệu rộng lên tới gần 64.000 ha tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Mục tiêu của Công ty là tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ tại Lào và Campuchia.

"Riêng vùng nguyên liệu tại TTC Attapeu, Lào tiếp tục được công ty đầu tư mở rộng để phát triển diện tích trồng mía hữu cơ và sản xuất đường organic với tiêu chuẩn chất lượng quốc tế đã được các tổ chức uy tín công nhận. 

Dự kiến tổng sản lượng đường organic từ diện tích trồng ở đây trong niên độ 2020-2021 có thể lên đến ~38,000 tấn, tăng hơn 3 lần so với niên độ 2019-2020. Dự tính từ niên độ 2024-2025 trở đi, hơn 10.000 ha diện tích thu hoạch của TTC Attapeu hoàn toàn là mía hữu cơ, với tổng sản lượng ~800.000 tấn mía hữu cơ và hơn 100.000 tấn đường organic, tăng hơn 766% sản lượng đường organic so với niên độ 2019-2020", bà Ngọc cho hay về chiến lược phát triển thời gian tới của SBT.

Về tình hình tài chính của SBT, tại thời điểm 30/9/2020, tổng tài sản đạt 18.403 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,5% so với thời điểm đầu niên độ, trong đó chủ yếu đến từ việc tăng các khoản thuộc Đầu tư ngắn hạn như Kinh doanh chứng khoán và Đầu tư dài hạn như Đầu tư vào công ty con, công ty liên kết...

Đặc biệt, chỉ tiêu hàng tồn kho tiếp tục được công ty kiểm soát tốt khi giảm 10% tương đương 250 tỷ đồng và đang duy trì ở mức hợp lý 2.279 tỷ đồng. Nợ vay ngắn hạn giảm 0,3% hỗ trợ giảm gánh nặng lãi vay và gia tăng hiệu quả hoạt động, SBT đã tiết kiệm được hơn 10 tỷ chi phí lãi vay, giảm hơn 7% so với cùng kỳ.

Các chỉ số cơ cấu vốn như chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu và chỉ số nợ vay/tổng tài sản vẫn duy trì tỉ lệ an toàn và không thay đổi nhiều so với đầu niên độ, đạt lần lượt 1,12 lần và 0,47 lần. Việc tái cấu trúc tài chính đã đi đúng theo lộ trình, giúp công ty giảm gánh nặng lãi vay, tạo một bức tranh tài chính an toàn nhằm tiếp tục các thương vụ huy động vốn quốc tế trong niên độ 2020-2021.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch 18/11, cổ phiếu SBT hiện ở mức giá 16.200 đồng/CP.