Ngành mía đường ngổn ngang trước nhiều nghịch lý

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 24/09/2020 19:50 PM (GMT+7)
Do tác động của dịch Covid-19 nên 1/3 nhà máy ngành mía đường đã phải đóng cửa và nhiều doanh nghiệp khác đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Bình luận 0

1/3 nhà máy đường đóng cửa

Từ ngày 1/1/2020, khi Việt Nam thực hiện cam kết theo các hiệp định thương mại và đặc biệt là Hiệp định ATIGA (Hiệp định thương mại tự do trong khu vực ASEAN), trong đó mặt hàng đường được giảm thuế từ 80% (đường thô) xuống còn 5% trong nội khối ASEAN và đối với đường trắng từ 85% xuống còn 5% từ 1/1/2020 cộng với đại dịch Covid-19 khiến bà con nông dân và doanh nghiệp mía đường cực kỳ khó khăn.

Ông Lê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, thừa nhận một thực tế, ATIGA đã có nhiều tác động gây khó khăn cho ngành sản xuất mía đường trong nước. Giá đường thấp đã làm cho giá mía tụt giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng nguyên liệu;...

 "Theo tôi, có các nguyên nhân chính yếu như sau: Đất trồng mía vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, trong khi đó diện tích trồng mía chủ yếu là đất đồi; lao động tại nông thôn đang thiếu hụt trầm trọng. Ngoài ra, nạn nhập lậu đường vẫn hoành hành... Vậy nên, cần có thêm chính sách chống hàng nhập lậu và gian lận thương mại" - ông Tam nói.

Ngành mía đường ngổn ngang trước nhiều nghịch lý - Ảnh 1.

Nhiều nhà máy đường đang gặp khó khăn do đường nhập khẩu tăng mạnh (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Đối với sản phẩm đường mía, ngành sản xuất trong nước cũng đã nộp hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan. Bộ Công Thương đang trong quá trình xem xét nội dung hồ sơ để ra quyết định về việc khởi xướng điều tra trong thời gian tới.

Ông Phạm Hồng Dương - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT TTC Sugar cho rằng: "Nhà nước, các nhà máy cần có giải pháp để làm sao vực dậy ngành mía đường. Trước ATIGA, Việt Nam có 41 nhà máy mía đường, có khoảng 300.000ha mía đường, 300.000 nông dân trồng mía. Nhưng hiện nay, chỉ còn 30 nhà máy hoạt động, 11 nhà máy đóng cửa. Trong 30 nhà máy đó, chỉ có 13 nhà máy còn hoạt động xoay vòng vốn, 17 nhà máy đang thua lỗ. Vào những năm 2015 - 2016, cả nước có thể sản xuất 1,5 - 1,6 triệu tấn mía đường, nhưng hiện nay chỉ sản xuất được 700.000 tấn, trong khi dự kiến hết năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 1,2 triệu tấn" - ông Dương nói.

Phải giữ các vùng trồng mía chiến lược

Theo ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Phát triển nông nghiệp, nông thôn, chúng ta thực hiện ATIGA chưa được một năm nhưng nhập khẩu chính ngạch tăng lên rất nhiều, do vậy không thể nói một cách dễ dàng là bỏ sản xuất để nhập khẩu, phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài.

 "Vì vậy, cần phải rà soát lại các diện tích sản xuất mía đường và chỉ giữ lại các vùng trồng chiến lược và có hiệu quả. Cần xác định diện tích kém hiệu quả có thể chuyển đổi thì có chính sách khuyến khích và cho phép chuyển đổi; diện tích có lợi thế và phù hợp thì tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao, cơ giới hóa trong sản xuất, khuyến khích áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý vùng nguyên liệu để giảm công lao động và tăng tỷ lệ thu hoạch, giảm tổn thất, giảm chi phí trồng mía. Xây dựng thành vùng sản xuất mía đường tập trung, thúc đẩy áp dụng cơ giới hóa" - ông Thắng nêu giải pháp.

Trong khi đó, theo ông Phạm Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), thời gian qua, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các địa phương và doanh nghiệp mía đường chủ động xây dựng các dự án phát triển, triển khai một số mô hình sản xuất mía cánh đồng mẫu lớn với quy trình thâm canh cao, cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, chăm sóc đến thu hoạch...

Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết, kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan trong ASEAN, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng rất nhanh, trong bảy tháng đầu năm 2020 đạt gần 820.000 tấn, tăng gần bảy lần so với cùng kỳ năm 2019.

 Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu, chiếm gần 92% tổng lượng nhập khẩu. Sản lượng đường của Việt Nam sụt giảm rất mạnh trong niên vụ năm 2019/2020, khoảng 800.000 tấn so với sản lượng 1,2 triệu tấn của niên vụ năm 2018/2019.

Hiện, ngành mía đường trong nước đã nộp hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm đường lỏng làm từ ngô (HFCS) nhập khẩu vào Việt Nam. Đối với việc này, Bộ Công Thương đã xem xét, thẩm định theo quy định pháp luật và đã ban hành quyết định tiến hành điều tra. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem