Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB) vừa công bố thông tin về việc tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020.
Cụ thể, theo Nghị quyết mới được ban hành, nhà băng này dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần thứ 3 vào sáng thứ Ba, ngày 15/12/2020 tại Trung tâm hội nghị quốc tế số 11 Lê Hồng Phong ( Hà Nội).
Trước đó, Eximbank đã 3 lần triệu tập họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, tuy nhiên đều bất thành.
Lần đầu, Eximbank tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 vào sáng ngày 30/6/2020. Phiên họp không thể tiến hành do không đủ túc số.
Tiếp đó, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 lần 2 được Eximbank triệu tập vào ngày 29/7/2020 cũng không thể diễn ra. Nguyên nhân cũng là do không đủ túc số.
Ở lần triệu tập họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 lần 3, Eximbank dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ vào lúc 9h ngày 17/8/2020. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không diễn ra đúng kế hoạch với lý do hoãn nhằm phòng, chống dịch Covid-19.
Từng lý giải về nguyên nhân "đỗ vỡ" của ĐHĐCĐ, Eximbank cho biết, nguyên nhân thực sự dẫn đến việc tổ chức các lần đại hội không thành công là do các cổ đông chưa tìm được tiếng nói chung.
Ban kiểm soát tại Eximbank cũng chỉ ra rằng, hoạt động của HĐQT thiếu nhịp nhàng. Các thành viên còn nhiều ý kiến trái chiều, các cuộc họp thường xuyên kéo dài mà không đưa ra được quyết định cuối cùng.
Lý do trên dẫn tới việc chậm ra quyết định đối với các vấn đề hệ trọng của ngân hàng, điển hình là vấn đề bổ nhiệm tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật.
Trên thực tế, sau khi ông Lê Văn Quyết hết hạn hợp đồng và không được tái bổ nhiệm thì đến nay vị trí Tổng giám đốc của Eximbank vẫn "án binh bất động". Hồi 5/2019, ông Nguyễn Cảnh Vinh được bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc Eximbank. Ông Vinh vẫn giữ chức vụ này cho tới thời điểm hiện tại.
Cũng phải nhắc lại rằng, bản thân vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank cũng chìm trong tranh cãi pháp lý, khi thay đến 4 đời chỉ trong 2 năm qua, từ ông Lê Minh Quốc đến bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Cao Xuân Ninh, cho đến ông Yasuhiro Saitoh. Đây cũng được xem như hệ lụy của "cuộc chiến vương quyền" xảy ra tại Eximbank trong thời gian dài vừa qua.
Dù vậy, tính đến thời điểm hiện tại, ông Yasuhiro Saitoh vẫn đang là chủ tịch HĐQT của Eximbank. Tuy nhiên, "ghế nóng" này ngay từ khi được bổ nhiệm đã bị nhóm cổ đông lớn Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), hiện nắm 15% vốn tại Eximbank đã đưa ra yêu cầu bãi nhiệm.
Theo SMBC, tổ chức này đã chấm dứt tất cả các mối quan hệ pháp lý với ông Yasuhiro Saitoh kể từ 18/5/2019 nên ông này không đủ tư cách đại diện SMBC tham gia các chức vụ ở Eximbank. Đến nay những mâu thuẫn này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Eximbank vẫn "khuyết" Tổng giám đốc?
Lâu nay, câu chuyện về HĐQT Eximbank luôn là vấn đề "nóng" trên thị trường. Cũng chính những xung đột này đã kéo Eximbank "rớt" khỏi câu lạc bộ nghìn tỷ trong nhiều năm. Thậm chí, đến năn 2015, nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm này là âm 817 tỷ đồng.
Năm 2019, dù có kết quả tích cực nhưng lợi nhuận sau thuế của Eximbank vẫn chưa cán đích nghìn tỷ và chỉ bằng 28% so với mức lợi nhuận mà nhà băng này ghi nhận vào thời điểm "đỉnh cao" năm 2011. Trong 9 tháng đầu năm nay, lãi trước và sau thuế của Eximbank xấp xỉ cùng kỳ với gần 1.104 tỷ đồng và hơn 871 tỷ đồng.
Một chuyên gia chứng khoán nhận định, việc Eximbank triệu tập ĐHĐCĐ lần này cho thấy sự kiên trì của ban lãnh đạo Eximbank muốn đi đến cùng, giải quyết triệt để những xung đột mà nhà băng này "vấp phải" trong nhiều năm qua.
Đối với những xung đột tại Eximbank, vị này đánh giá, xung đột giữa nhà đầu tư ngoại và nội là khá lớn. Đặc biệt là vấn đề quản trị doanh nghiệp. "Ông chủ nội nhiều khi mục đích điều hành rất là "khác", và thường mang tính "gia đình". Trong khi đó, nhà đầu tư ngoại khi bỏ rất nhiều tiền nhưng không thay đổi được văn hóa doanh nghiệp, không chấp nhận được lỗ hồng từ bài toán quản trị doanh nghiệp.
Cộng thêm việc lợi nhuận mang về từ khoản đầu tư có thể còn quá thấp so với kỳ vọng ban đầu của nhà đầu tư. Vì vậy, nhà đầu tư này sẽ phải ra tay chấn chỉnh lại hoạt động. Đây là động cơ để nhà đầu tư ngoại muốn nắm được vị trí chủ chốt để có quyền ra quyết định – nếu nhìn theo hướng tích cực. Nếu theo hướng tiêu cực, có thể nhà đầu tư ngoại muốn thâu tóm doanh nghiệp. Từ đó, tạo nên những xung đột lợi ích giữa các bên.
Bởi vậy, cho dù ĐHĐCĐ lần này có được tổ chức hay không nhưng nếu cuộc chiến nội bộ, những toan tính của các nhóm cổ đông lớn tiếp tục tiếp diễn cơ hội đổi vận của Eximbank, trở lại thời hoàng kim vẫn rất "mong manh", vị này nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng bổ sung, những mâu thuẫn như hiện tại của Eximbank sẽ gây thiệt hại cho ngân hàng, cho nhà đầu tư. Chắc chắn HĐQT của Eximbank phải tự ngồi lại với nhau mới có thể giải quyết được vấn đề để tránh thiệt hại cho ngân hàng, nhà đầu tư.
Khi được hỏi về vai trò của Ngâ hàng Nhà nước trong trường hợp của Eximbank cần phát huy như thế nào? Ông Hiếu nhấn mạnh, nếu xung đột giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank vẫn chưa được giải quyết, các thành viên trong HĐQT không tìm được tiếng nói chung có thể sẽ phải dẫn đến sự tan rã. Cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước – với vai trò "tối cao" của mình sẽ là người quyết định tới sự sống còn của Eximbank nếu trường hợp này xảy ra.
Nói thêm về việc một ngân hàng có trụ sở tại TP.HCM nhưng "đột ngột" tổ chức ĐHĐCĐ tại Hà Nội vị chuyên gia này nhìn nhận, đó là một việc "rất lạ". Bởi thông thường, ĐHĐCĐ của ngân hàng sẽ được tổ chức tại nơi có trụ sở chính của ngân hàng. Ngoài ra, cổ đông chính của Eximbank đa số vẫn tập trung ở khu vực này.
"Tôi không hiểu tại sao Eximbank lại tổ chức ĐHĐCĐ lần này tại Hà Nội thay vì tổ chức trong TP.HCM như 2 lần tổ chức đầu tiên. Điều đó là điều không bình thường", ông Hiếu nói và cho hay, dù được tổ chức ở đâu Hà Nội hay TP.HCM thì lần tổ chức này (nếu không bị hoãn vì lý do dịch bệnh như lần gần nhất), thì ĐHĐCĐ sẽ được thực hiện thành công cho dù số người tham dự là bao nhiêu. Do đó, các cổ đông nếu muốn bảo vệ quyền lợi của mình thì phải đến tham dự, ngay cả các cổ đông nhỏ lẻ.