Tham dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ NNPTNT; đại diện Trung tâm Khuyến nông và nông dân 3 tỉnh, thành phố: Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế.
Cơ giới hóa - chìa khóa nâng cao năng suất
"Áp dụng mạ khay, cấy máy sẽ làm thay đổi mạnh mẽ tập quán canh tác mạ được cấy tay của nông dân, tạo ra vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, tăng thu nhập cho người sản xuất, đặc biệt là sẽ góp phần khắc phục tình trạng người dân bỏ ruộng ngày càng nhiều do sản xuất lúa kém hiệu quả" - đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên- Huế chia sẻ.
Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước, ngành nông nghiệp nước ta đã có sự chuyển biến đáng kể về số lượng và chất lượng. Tập quán canh tác được chuyển từ lao động thủ công, lạc hậu sang áp dụng cơ giới hóa.
Đối với sản xuất lúa nói chung, việc áp dụng cơ giới hóa trong cả nước đã đạt mức độ cao, tuy nhiên chỉ tập trung ở một số khâu canh tác (làm đất, thu hoạch…), nhưng chưa áp dụng đồng bộ trong tất cả các khâu, trong đó khâu gieo cấy còn ở mức độ rất thấp.
Theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt, tổng diện tích sản xuất lúa năm 2019 (tính trên 3 vụ/năm) của các tỉnh duyên hải miền Trung đạt 531.000ha. Tập quán canh tác chủ yếu theo phương pháp truyền thống, diện tích lúa cấy còn ở mức độ thấp...
Phát biểu tại hội nghị, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, Đà Nẵng không có nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp nhưng địa phương này đã xây dựng được nhiều mô hình tiêu biểu, đạt hiệu quả kinh tế cao, có tính lan tỏa lớn.
Trong những năm qua, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng được ngành nông nghiệp thành phố quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, ở khâu gieo cấy lúa tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa còn rất khiêm tốn nên lúa phát triển không đều, tốn kém lượng giống lúa, dễ phát sinh dịch, tác động không tốt đến môi trường sản xuất…
Trong khi ứng dụng kỹ thuật mạ khay, máy cấy sẽ khắc phục được những nhược điểm, tiết kiệm lượng giống gieo sạ đến 3 lần, giúp năng suất lúa tăng từ 10 - 15%, giảm chi phí đầu vào, góp phần cải thiện thổ nhưỡng và bảo vệ sức khỏe của con người.
"Từ năm 2017 - 2021, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã triển khai 5 dự án cơ giới hóa trên tất cả các vùng trong cả nước. Cơ giới hóa trong nông nghiệp sẽ giúp hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh… và là "chìa khóa" tăng năng suất, sản lượng lúa" - ông Tiêu nhấn mạnh.
Giải phóng sức lao động
Tại diễn đàn, đa số các đại biểu đều cho rằng, cơ giới hóa nông nghiệp đã góp phần giải phóng sức lao động cho bà con nông dân, giảm áp lực thời vụ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của cây lúa cũng như một số nông sản khác...
Ông Đặng Văn Hồng – Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng cho hay, nông nghiệp của Đà Nẵng đang đối mặt với việc diện tích sản xuất nông nghiệp nói chung và diện tích sản xuất lúa nói riêng giảm dần, cùng với đó là lao động sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm cả về số lượng lẫn chất lượng.
"Diện tích sản xuất lúa ở Đà Nẵng hiện nay khoảng 2.690 ha/vụ, với 2 vụ chính là đông xuân và hè thu. Năng suất lúa bình quân đạt từ 58-65 tạ/ha. Để sản xuất lúa có hiệu quả và bền vững, thành phố đã và đang áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đồng bộ cơ giới hóa, chuyển đổi cơ cấu các giống lúa có chất lượng cao… Đến năm 2020, diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại Đà Nẵng đã đạt gần 350ha" - ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, giải pháp sử dụng mạ khay, máy cấy là một trong những giải pháp hữu hiệu để thực hiện đa mục tiêu như ứng dụng cơ giới hóa gieo sạ, giảm lượng giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ sinh thái trên đồng ruộng.
Về công tác hỗ trợ cho người dân, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng thông tin, sắp tới thành phố cũng sẽ ban hành một số chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó sẽ có nội dung đầu tư hỗ trợ cho bà con ứng dụng cơ giới hóa theo cơ chế đầu tư 50% về giá trị thiết bị, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân mạnh dạn hơn trong việc đầu tư các thiết bị công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất.
Ông Nguyễn Bình, đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, địa phương đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định và dễ bị tổn thương do thiên tai.