Như Dân Việt đã đưa tin, hồi tháng 1/2019, được sự chấp thuận của chính quyền sở tại, cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính) đã tiến hành chặt hạ cây sưa đỏ 50 năm và 130 năm tuổi trong khuôn viên đình Phụ Chính.
Theo nguyện vọng của người dân nơi đây, số tiền thu được sau khi bán đấu giá thành công lô gỗ này sẽ dùng để phục vụ nhiều công trình phúc lợi, trùng tu các di tích trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay lô gỗ sưa trăm tỷ vẫn chưa thể bán, phiên đấu giá không biết bao giờ mới thực hiện trở lại.
Mới đây, người dân ở thôn Phụ Chính cho biết, khoảng chục ngày trước, thùng container được mở ra, lô gỗ sưa được bày biện cho nhiều người khách ở các địa phương đến xem, tuy nhiên sau đó lại được đóng lại vào thùng như cũ. Từ khi chặt hạ 2 cây gỗ sưa, đã rất nhiều khách đến xem nhưng cuối cùng ai là chủ sở hữu vẫn là dấu hỏi bỏ ngỏ.
Trao đổi với Dân Việt, Luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, trường hợp lô gỗ sưa trăm tỷ tại thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, Chương Mỹ Hà Nội) được chính quyền và người dân tổ chức định giá tài sản, bán đấu giá công khai là hợp tình hợp lý.
"Việc công khai, minh bạch các bước này sẽ tránh được việc có người trục lợi. Tuy nhiên, sau ba lần dự định đấu giá bán thất bại cho thấy quá trình này đang tồn tại một số vấn đề. ", ông Thái cho hay.
Theo Luật sư La Văn Thái, thông thường trong quá trình tiến hàng bán đấu giá, mỗi lần bán đấu giá không được thì sẽ giảm đi 10% giá chào bán sản phẩm. Sau ba lần tổ chức bán đấu giá không thành công, bên đối tác sẽ hoàn trả lại tài sản cho bên chủ sở hữu.
Trong trường hợp này, việc mức giá chào bán quá cao có thể là nguyên nhân chính dẫn đến việc không có người tham gia đấu giá. Giá cao ở đây được so với giá thực của thị trường. Có thời điểm gỗ sưa trở thành mặt hàng "nóng", giá được đẩy lên rất cao, nhưng cũng có giai đoạn thị trường "lắng xuống", giá bị thay đổi, và thường mức chênh lệch sẽ rất lớn.
Tại thời điểm này, người có nhu cầu mua cho rằng mức giá này không hợp lý. Đặc biệt là ở thời điểm nền kinh tế đang bị tác động tiêu cực của dịch Covid-19, tất cả các mặt hàng đều hạ nhiệt, trong khi mức giá chào bán đã được định giá từ năm 2019.
"Nếu muốn bán được lô gỗ sưa này, người dân nên tiến hành định giá lại để khớp với giá của thời điểm hiện tại, để các nhà đầu tư cân đối lại khả năng mua. Đáng chú ý là thông tin, trước đó có người trả hơn 100 tỷ cho cây 130 năm tuổi không qua đấu giá nhưng người dân không bán. Đối với người mua, giá vẫn là yếu tố quyết định, nếu mức giá chấp nhận được thì hình thức nào cũng mua, phải chăng ở đây mức giá đang được chào bán quá cao", ông Thái nêu quan điểm.
Luật sư La Văn Thái cho rằng, ngoài vấn đề về giá, người dân cũng cần xem lại các điều khoản thỏa thuận trong vấn đề bán đấu giá có đang khiến người khó thực hiện được hay không? Giải quyết được 2 bài toán này, khả năng lô gỗ sưa này được bán đấu giá thành công sẽ thực tế hơn.
Hồi tháng 1/2019, người dân trong thôn Phụ Chính cùng lực lượng chức năng chặt hạ 2 cây sưa tại chùa Vĩnh Phúc. Người dân sau đó kiểm đếm gỗ và cho vào trong thùng container, bảo quản, trông giữ nghiêm ngặt chờ thời điểm đem ra bán đấu giá.
Số gỗ nói trên được chia làm 5 nhóm, trong đó, số gốc nhỏ, rễ cây sưa sẽ được bán với giá sàn (mức thấp nhất) là 6,5 triệu đồng/kg; phần thân cây sưa, tuỳ theo chất lượng gỗ sẽ được phân thành các loại giá sàn khác nhau: loại 32 triệu đồng/kg (nhóm đặc biệt); loại 28 triệu đồng/kg (nhóm 1); loại 22 triệu đồng/1kg (nhóm 2); loại 15 triệu đồng/kg (nhóm 3). Tổng giá trị giá của cả 5 nhóm tạm tính theo khởi điểm là hơn 146 tỷ đồng.
Đến tháng 11/2019, 3 lần dự định đấu giá bán lô gỗ sưa nói trên đều thất bại. Nguyên nhân được chỉ ra là do giá chào bán quá cao, lẫn nhiều gỗ tạp. Sau đó, người dân đã đẽo bớt vỏ, loại bỏ một số gỗ vụn, tuy nhiên, nhiều người đến mua hồ sơ đấu giá nhưng lại không đặt cọc tiền
Tháng 5/2020, đại diện lãnh đạo thôn Phụ Chính cho biết, vẫn chưa có kế hoạch đấu giá trở lại lô gỗ sưa trăm tỷ.
Sau gần hai năm chặt hạ, đến nay, lô gỗ sưa vẫn nằm trong thùng container đặt ở nhà văn hóa thôn mặc dù được rất nhiều người quan tâm, đến xem nhưng vẫn chưa thể tìm được chủ sở hữu.