Có thể nói, việc chậm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) cho khách hàng mua nhà đang là trình trạng chung của rất nhiều dự án chung cư trên cả nước trong nhiều năm qua. Do vậy, hình ảnh người dân tại nhiều dự án căng băng rôn đòi sổ hồng đã không còn quá lạ lẫm.
Theo số liệu Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa công bố, giai đoạn từ năm 2015-2019 trên địa bàn TP.HCM có 490 dự án nhà ở được phê duyệt, trong số đó có 53 dự án thuộc 12 Tập đoàn và doanh nghiệp, thì có đến 28.324 căn nhà và căn hộ officetel, gồm 25.631 căn nhà (chủ yếu là căn hộ chung cư) và 2.693 căn hộ officetel đã bị chậm cấp sổ hồng.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, việc "tắc" sổ hồng ở đa số các dự án hiện nay là do "tắc" tiền sử dụng đất. Điều này đã dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực cho tất cả các bên, cụ thể: không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, gây tâm lý hoang mang, bất an cho khách hàng mua nhà. Cũng như, sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, chủ đầu tư thì chẳng những không thu được 5% giá trị hợp đồng (còn lại), lại bị mang tiếng "bội tín" với khách hàng.
"Trong 5 năm qua, nhiều chủ đầu tư đã rất trách nhiệm và nỗ lực xin nộp tiền sử dụng đất nhưng vẫn không nộp được, nên bị tắc sổ hồng và bị tổn hại về uy tín thương hiệu. Đáng quan ngại là đã có một số trường hợp người mua nhà khiếu kiện gay gắt, phát sinh tụ tập đông người, căng băng rôn, biểu ngữ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự", ông Châu thông tin.
Tại Hà Nội, tình trạng chậm cấp sổ hồng cho người mua nhà ở các dự án chung cư cũng là một vấn đề gây nhức nhối. Lấy ví dụ như dự án chung cư Trương Định Complex của chủ đầu tư Handico 22, chung cư An Bình Tower của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Tây Hồ,… là các dự án bị "tắc" sổ hồng do chưa thể nộp tiền sử dụng đất hay dự án đang điều chỉnh lại quy hoạch… khiến cả khách hàng lẫn chủ đầu tư "méo mặt".
Hay như trường hợp của dự án Athena Complex Xuân Phương do Công ty TNHH Phát triển đô thị & Xây dựng 379 làm chủ đầu tư. Mặc dù Công ty 379 đã nộp đủ phần tiền sử dụng đất ở phần chung cư cho cơ quan chức năng nhưng phần đất liền kề lại vướng một số lô đất xen kẹt, đất nông nghiệp nên chưa thể giải phóng mặt bằng.
Điều này khiến cả dự án Athena Complex Xuân Phương chưa được cơ quan chức năng phê duyệt cấp sổ hồng. Hồi đầu tháng 10 vừa qua, doanh nghiệp này thậm chí còn đề xuất xin dừng triển khai dự án tại phần diện tích đất chưa thể giải phóng mặt bằng để nhường chỗ cho dự án khác, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến hướng dẫn từ phía cơ quan chức năng.
Theo chia sẻ từ phía đại diện Công ty 379, phía doanh nghiệp đang rất nỗ lực khắc phục, hoàn tất các thủ tục để cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các khách hàng.
Bàn về giải pháp để giải quyết tình trạng "tắc" sổ hồng ở các dự án bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA kiến nghị rằng, thủ tục cấp "sổ hồng" cho người mua nhà nên được xem xét, thay đổi cho hợp tình, hợp lý. Cụ thể là khi người mua nhà đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán thì nên được ưu tiên giải quyết cấp sổ hồng. Việc tách riêng trách nhiệm này là cần thiết để "triệt tiêu" các điểm nóng tiềm ẩn, tạo điều kiện cho người dân an cư, lạc nghiệp.
Còn đối với các chủ đầu tư, cơ quan nhà nước có thể yêu cầu họ phải ký quỹ một khoản tiền hoặc có văn bản cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước.