Ngày 23/11, theo nguồn tin của Báo điện tử Dân Việt, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 25 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Tấn Phát (Lô T2, khu công nghiệp Hòa Bình, phường Lê Lợi, TP. Kon Tum) do có hành vi tự ý tích nước trái phép xảy ra tại thủy điện Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Mức xử phạt không có tình tiết tăng nặng.
Các biện pháp khắc phục hậu quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Kon Tum tại văn bản số 4154/UBND-HTKT ngày 4/11/2020, gồm: Yêu cầu dừng ngay việc tích nước, sớm hoàn thành làm đường đi vào khu sản xuất của dân. Đồng thời, yêu cầu đơn vị này xác định lại cao trình bồi thường, kiểm kê tài sản bị thiệt hại và đền bù thỏa đáng cho nông dân.
Như Báo điện tử Dân Việt đã có loạt bài phản ánh, Công ty Tấn Phát phớt lờ mọi quy định, bất chấp an toàn tính mạng, tài sản của nông dân… liên tục nhiều lần tự ý tích nước trái phép để vận hành máy thủy điện Plei Kần. Thậm chí, trong các ngày mưa bão số 5,6,9 dồn dập, thủy điện này vẫn ngang nhiên tích nước.
Liên quan đến hành vi tích nước trái phép, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, UBND tỉnh này đã ký 2 văn bản gửi Bộ Công thương và Bộ TN&MT về việc đề nghị thu hồi giấy phép điện lực, xử lý vi phạm hành chính và thu hồi giấy phép khai thác sử dụng mặt nước đối với thủy điện Thượng Nhật.
Cụ thể những lần gần đây như: Ngày 28/10, bão số 9 sầm sập lao lên Tây Nguyên nhưng thủy điện Plei Kần vẫn tích nước.
Đáng ngại, buổi sáng đoàn liên ngành lập biên bản, buổi chiều nước lại ngập gần lút nóc nhà dân. Ngày 19/11, văn bản kiểm tra toàn diện thủy điện Plei Kần của chính quyền chưa ráo mực thì công ty lại cho tích nước vận hành máy để chuyên gia Trung Quốc kiểm tra kỹ thuật…
Hậu quả của hành vi thủy điện tích nước vô lối, bất chấp này khiến gần 100 hộ dân bị ảnh hưởng thiệt hại, nặng nề nhất là con đường vào khu đất sản xuất 350 ha tại xã Đắk Rơ Nga, huyện Đắk Tô (tỉnh Kon Tum) bị cô lập hoàn toàn.
Theo người dân ở đây cho biết, gần 2 tháng nay con đường độc đạo này ngày nào cũng ngập sâu trong nước khiến dân không thể vào đây thu hoạch cà phê, cao su. Trong khi thời điểm này là cao điểm của đợt hái cà phê, cạo mủ cao su. Nhiều hộ dân khóc không nổi khi nhìn cà phê chín rụng, mủ cao su cạo rồi mà để hư thối. Do hành vi tích nước vô lối, tích nước trái phép của nhà máy thủy điện Plei Kần mà hàng trăm hộ nông dân 2 huyện Ngọc Hồi và Đắk Tô đang đối mặt với nguy cơ nghèo đói, mang nợ.
Trước đó, ngành chức năng tỉnh Kon Tum yêu cầu ngày 15/11, công ty phải hoàn thành làm đường và đền bù thiệt hại do tự ý tích nước, nhưng đến nay đường vẫn chưa xong, thiệt hại của dân còn chưa được kiểm đếm. Yêu cầu thủy điện Plei Kần không được tích nước, trả về hiện trạng lòng sông tự nhiên nhưng thủy điện lại tích đầy nước!
Nông dân vùng thiệt hại do thủy điện Plei Kần tích nước trái phép đang mong chờ những hành động quyết liệt của chính quyền, ngành chức năng tỉnh Kon Tum. Nông dân vùng thiệt hại do thủy điện Plei Kần cũng mong có vai trò giám sát, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho nông dân từ các Hội đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội các cấp tỉnh Kon Tum.