Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, việc sạt lở đất ở miền núi diễn ra thường xuyên, đặc biệt là sau các trận bão, lũ. Không chỉ khu vực miền Trung mà ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc cũng xảy ra sạt lở đất.
Để hạn chế thiệt hại do sạt lở đất gây ra, ổn định đời sống người dân ở vùng nguy cơ sạt lở cao, Thứ trưởng cho rằng, phải rà soát, đánh giá tại mỗi một địa điểm, căn cứ vào nguyên nhân để có giải pháp cụ thể khác nhau, nhưng tập trung lại có ba giải pháp trọng điểm, căn cơ.
Thứ nhất, căn cứ bản đồ sạt lở, yêu cầu tại tất cả các chỗ nguy cơ sạt lở cao không được phát triển khu dân cư mới. Với các khu dân cư hiện tại ở nơi đã có bản đồ sạt lở phải có biện pháp di dời.
Thứ hai, hiện nay có một số khu dân cư đã ổn định hàng trăm năm, không có nguy cơ sạt lở nhưng vừa rồi vẫn bị ảnh hưởng thì phải nhận diện lại, có cảnh báo sớm cho người dân.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, trên thế giới hiện có nhiều công nghệ cảnh báo sớm sạt lở đất, lắp đặt trên núi, sẽ báo động khi có sạt lở để người dân chủ động di tản.
Thứ ba, khi phát triển mới bất cứ khu dân cư, cơ sở hạ tầng nào cần có nghiên cứu đến yếu tố phòng chống thiên tai và phát triển bền vững.
Để giải quyết vấn đề sạt lở đất, Bộ NNPTNT đã nhận diện có 230 khu dân cư ở vùng cao có nguy cơ và bị sạt lở để làm đề án báo cáo Chính phủ.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo sẽ có một dự án di dân riêng ở vùng trọng điểm, có nguy cơ cao sạt lở.
Bộ NNPTNT cũng phối hợp với các cơ quan như Bộ TNMT, cơ quan cảnh báo, địa chất thuỷ văn để tiến hành lắp đặt các thiết bị cảnh báo. Hiện nay, tại một số điểm cảnh báo sạt lở ở vùng cao như Yên Bái, Lào Cai hoạt động khá hiệu quả.
“Vấn đề giải quyết sạt lở đất, ngoài kinh phí thì cần thời gian để làm. Tôi hi vọng chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ NNPTNT và Chính phủ để xử lý sớm” – Thứ trưởng Hiệp nói.