Tôi thuộc lứa sinh những năm 70 của thể kỷ trước, được sinh ra và lớn lên ở làng quê Thái Bình. Lứa tuổi ấy, đứa trẻ nào trong chúng tôi cũng nằm lòng lời dạy của Bác Hồ: "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Tùy theo sức của mình. Để tham gia kháng chiến. Và gìn giữ hòa bình". Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước còn bộn bề những khó khăn, thử thách nên cả tuổi thơ chúng tôi luôn cùng chung lưng đấu cật với người lớn. Bởi vậy dẫu thời gian đã lâu và không gian đã xa thì trong lòng mỗi người vẫn còn lưu giữ bao nhiêu kỷ niệm của một thời thương nhớ.
Thời ấy phong trào kế hoạch nhỏ được phát động rất sôi nổi trong nhà trường và trong làng xóm. Trẻ em ở quê thường thực hiện bằng cách được cha, mẹ tạo điều kiện để "gầy dựng" chút vốn riêng như nuôi con gà, con vịt, con thỏ, trồng luống rau, được quyền thu hoạch cây ổi, cây táo… như một cách để động viên tuổi nhỏ lao động sản xuất. Những vật nuôi, cây trồng khi được gia đình cho riêng, chúng tôi chăm sóc ghê lắm. Vật nuôi sẽ chóng lớn, đẻ sai. Cây trồng sẽ xanh tốt, cây ăn trái thì nhất định quả sẽ trĩu cành. Ngày ấy ít dịch bệnh nên có nuôi, có trồng là chắc có vốn riêng, vậy nên được cho riêng thứ gì cũng làm chúng tôi vui sướng, háo hức. Vốn riêng ấy chính là kế hoạch nhỏ, sau này sẽ thành quần, áo, bút, mực… để trẻ em cùng ghé vai gánh vác công việc với người lớn.
Năm ấy, ba anh em tôi được bên nhà thông gia cho hẳn một con lợn con. Đấy là giống lợn Lai, da trắng, chân cao, bụng thẳng và gọn gàng, khác hẳn giống lợn ỉ hay lợn Móng Cái có cái lưng gãy gập và cái bụng quét đất mà người dân quê tôi vẫn quen nuôi. Con lợn mẹ đẻ sai quá, nó chỉ có 12 bầu sữa mà có đến 13 đứa con nên chủ phải cho bớt đi. Lựa con bé bỏng, yếu ớt nhất, nhà thông gia tách đàn, tặng riêng chúng tôi. Ai cũng hiểu, anh em tôi được yêu lắm, quý lắm mới được cho hẳn một con lợn con để làm vốn riêng như thế. Và cha mẹ tôi cũng nhất trí, mặc dù là khối tài sản khổng lồ nhưng con lợn sẽ là vốn riêng của chung ba anh em tôi.
Ba anh em tôi với chú lợn Lai thực sự đã có những ngày "nhường cơm sẻ áo". Ngoài chuyện ăn bèo, ăn cám như đồng loại, chú ta còn được anh em tôi thêm thắt chút cơm, canh, củ khoai, củ sắn hay con cua, con ốc mà đứa trẻ quê nào cũng dễ dàng kiếm được; được rủ chơi chung, được tắm táp; được dạy đuổi bắt, đi vệ sinh nơi góc vườn… Vì chơi chung cả ngày nên tối đến, lúc chúng tôi đi ngủ, chú ta cũng khăng khăng đòi vào nhà. Ngày ấy nền nhà bằng đất nện, đồ đạc chẳng có gì, cửa nẻo lúc nào cũng mở toang nên con Lai nghiễm nhiên độc chiếm cái gầm giường mà phía trên có ba anh em tôi. Và cả nhà cũng dễ dàng làm ngơ.
Được chăm sóc kỹ nên chú ta lớn như thổi. Bởi khác lạ so với đồng loại, Lai thường bị trẻ trong xóm trêu chọc nên chú phản ứng lại. Lâu dần, Lai ta thành con lợn biết trông nhà khi nào không hay. Ai có chuyện ngang qua nhà tôi là bị Lai đuổi, dọa cắn. Bạn đã bị một con lợn đuổi cắn bao giờ chưa? Tôi tin rằng cảm giác đó còn đáng sợ hơn cả khi bị một con chó đuổi. Bởi lợn được cho là loài "ít hiểu biết" hơn, mà ít hiểu biết thì thường làm liều và bản năng hơn. Hơn nữa, đã quen với hình ảnh con lợn là vật nuôi béo ú, hiền hòa, bỗng tự dưng thấy xồng xộc, huỳnh huỵch đuổi, vừa đuổi miệng vừa hàm hạp đòi cắn thì ai cũng sợ là phải. Mà Lai ta cũng biết chuyện, chỉ đuổi cắn người qua nhà hay người chòng ghẹo, còn ra đường ra ngõ gặp người lạ cũng biết tránh đường và cư xử "lịch sự" như thường.
Ba anh em tôi tự hào về Lai ghê lắm. Người trong xóm gọi chúng tôi là bốn đứa, xem như Lai là một thành viên đương nhiên. Bọn trẻ trong xóm sợ nhưng vẫn thích tụ tập để chòng ghẹo vì lợn chạy sao bì được với tốc độ của trẻ con. Hơn nữa, ngày ấy làm gì có đồ chơi, có trò giải trí, nên có con lợn để làm trò thì còn gì bằng. Thành ra có Lai, ngày nào với tụi nhóc chúng tôi cũng là ngày vui tưng bừng.
Lai này càng ngày ăn càng khỏe. Mỗi khi đói bụng là "đấu tranh" kịch liệt nên có nguy cơ làm ảnh hưởng đến an ninh lương thực của gia đình tôi. Sở thích ngủ gầm giường vẫn giữ nhưng lớn xác thì thêm tật ngủ ngáy, ngáy như sấm và còn phát mùi dẫu cho anh em tôi có chăm sóc cỡ nào. Khi bị nhốt ra chuồng thì anh ta phá phách điên cuồng. Mà anh em tôi thích rủ Lai đi chơi chung nên mở chuồng cho ra ngoài hoài hoài.
Nhưng mà thời ăn chẳng đủ, lấy đâu thực phẩm nuôi một con lợn cả nửa tạ để chơi. Không khó để cha mẹ thuyết phục chúng tôi… bán em. Bởi bán cho một tay chơi trên phố, thích chơi ngông nên đến vật nài xin mua với lời cam kết chỉ nuôi, không mổ thịt. Giá bán Lai tính theo cân nặng, bình đẳng như tất cả những người anh em cùng họ "Trư" khác. Có nghĩa là nhà tôi có được một món tiền "khổng lồ". Thương, nhớ và tiếc thằng em tên Lai lắm nhưng mà chúng tôi vẫn là những đứa trẻ con luôn đói bụng, luôn thèm thuồng và luôn nghe lời người lớn. Hơn nữa, cậu em này cũng phát sinh nhiều phiền toái rồi nên chuyện "gả" em cũng được quyết định nhanh chóng.
Ngày chia tay con Lai, anh em tôi lẵng nhẵng đi bộ gần hai cây số để theo tiễn Lai đến tận nhà chủ mới, còn dặn dò chủ mới cẩn thận chuyện chăm Lai, nuôi Lai mà chẳng thiết gì đến vốn riêng, vốn chung.
Nhưng chủ mới đã nhầm, không có anh em tôi, con Lai không còn là một con lợn biết coi nhà, thích đùa vui với trẻ con, biết tự tắm táp dưới ao và biết "ụt ụt" trả lời từng câu gọi của chủ. Chỉ có đặc tính ăn khỏe, thích ăn ngon, thích ngủ gầm giường, phát mùi hôi và ngáy rền vang là chú ta giữ lại…
Không còn con Lai nhưng trẻ quê có bao nhiêu công việc phải làm và bao nhiêu trò nghịch phá cuốn đi. Con Lai chỉ còn trong nỗi nhớ, nhưng nhớ hoài, kể hoài như một kỷ niệm vừa đẹp, vừa lạ trong tuổi thơ chúng tôi. Kể mãi và nhớ mãi, ngay cả đến bây giờ, khi anh em tôi sắp bước sang tuổi già.
Con Lai, dù chỉ là chú lợn trắng nhỏ bé bị tách khỏi mẹ ngay từ những ngày đầu mới lọt lòng nhưng đã trở thành một phần không thể thiếu trong quãng tuổi thơ tươi đẹp của chúng tôi. Bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu biến cố đã xảy ra trong cuộc đời nhưng dáng lũn cũn lúc đòi ăn hay lúc hùng hổ đuổi người lạ để trông nhà,tiếng "ụt ịt" lúc nũng nịu, lúc bực dọc và cả tiếng ngáy rền vang của Lai, thi thoảng tôi vẫn thấy, vẫn vẳng nghe đâu đó. Bởi con Lai, người bạn bốn chân, hiện thân của phong trào kế hoạch nhỏ mốt thời giúp chúng tôi học cách yêu thương, để biết rằng, yêu thương có khả năng thay đổi, biến hóa mọi sự vật, hiện tượng một cách lạ lùng. Để chúng tôi biết, lao động không chỉ có vất vả mà còn tạo ra niềm vui, niềm hạnh phúc và rèn luyện kỹ năng sinh tồn. Và để biết, cuộc đời cần yêu thương và được yêu thương biết nhường nào.
Chạnh nghĩ, thật thiệt thòi cho bạn nhỏ nào đấy khi cả tuổi thơ của con, mẹ cha phải biền biệt với cơm áo, gạo tiền, tuổi thơ của con chẳng có không gian và cánh diều, không thú cưng cũng chẳng có anh em, bè bạn, luôn phải ngay ngắn, chỉn chu bởi mỗi trò nghịch phá sẽ được liên hệ đến những phạm trù hạnh kiểm, đạo đức…
Và thật đáng thương nếu như tuổi thơ ai đó chỉ có học thêm là công việc để làm và các loại màn hình làm bầu bạn.
Tôi nói thế, bởi tôi nhận ra rằng, dù là động vật gì trên trái đất này, nếu được nuôi dạy, quan tâm và yêu thương, rất có thể, sẽ làm được những điều ngoài khả năng và giới hạn.
Như con Lai, người bạn một thời của anh em chúng tôi!