Kể chuyện làng: Đọi nước chè xanh của cha

Văn Hoài Thứ bảy, ngày 21/11/2020 08:00 AM (GMT+7)
Có lẽ vì tình yêu với thứ nước uống dân dã, mà hàng ngày cha tôi vẫn lọc cọc đạp xe đến dãy Hoành Sơn chở nước về nhà nấu chè xanh. Và mẹ tôi, người phụ nữ cả đời yêu thương chồng, vẫn không bỏ bất cứ phiên chợ Sa Nam nào, để chọn mua cho ông những bó chè ngon nhất...
Bình luận 0

Làng tôi, tôi đã viết và giới thiệu ở bài "Về làng đập lạc".  Nay chỉ nhắc lại vài dòng thôi, ngày xưa thì gọi là làng Quan, còn nay là làng Mai Hắc Đế, thuộc huyện Nam Đàn, Nghệ An. Làng nằm giữa tứ bề sông, núi. Trái sông Lam bao bọc, phải cánh đồng Vân Diên chở che. Làng đã lên phố, bao sự đổi thay, nhưng mỗi khi nghĩ về làng, trong tôi vẫn khắc khoải bao nỗi nhớ nhung...

Kể chuyện làng: Đọi nước xanh của cha - Ảnh 1.

Tác giả trong vườn chè.

Tôi nhớ nhất là đọi (bát) nước chè xanh của cha tôi, dù trớ trêu là hồi bé tôi không thích uống vì vị đắng, vị chát từ thân và lá của cây chè toát ra. Ngoài chuyện đó, lý do tôi không thích nó vì đôi khi tôi bắt gặp cha  nôn thốc nôn tháo vì say nước chè xanh. Đi làm về, chưa có gì lót dạ, cha đã uống nước chè xanh nên bị  cào ruột cào gan... 

Tôi đọc nhiều bài báo, nghe kể nhiều  câu chuyện về bát nước chè xanh ở nhiều vùng quê, nhưng đúng là không đâu bằng làng quê mình. Có lẽ vì tôi ám ánh về nó nhiều quá chăng? Cũng có thể, nhưng sự thực đọi nước chè của cha tôi thật đặc biệt.

Chè xanh thường được mẹ tôi chọn mua ở vùng đất Nam Thái, Nam Nghĩa - vốn là vùng đất đồi, có chất đất và nước rất hợp với cây chè. Cây chè ở đây khá lạ: Lá nhỏ, dày thành và cành rất nhiều. Uống nước chè xứ này vừa giải nhiệt, nhuận tràng, vừa chống được... ung thư, có mà chè Thái Nguyên, Lâm Đồng cũng phải kêu bằng cụ, ấy là cha tôi hay đùa vui thế.

Chè ngon, nhưng quan trọng nhất vẫn là nước để nấu. Thường tôi vẫn thấy người ta dùng nước máy, nước giếng khoan, rồi thậm chí dùng cả nước Lavie để nấu chè xanh nhưng đều rất dở. Nước chè đỏ lòm, đầy những váng, trông đã thiếu cảm tình chứ chưa nói gì đến việc uống.

Để ấm nước chè ngon, tôi nhớ cha thường đi gánh nước ở cái giếng ngoài trạm giao thông - đấy cũng là nơi đất vùng đồi, nước trong veo và ngọt lịm. Nhà nào trong làng muốn có ấm nước chè xanh ngon đều ra múc nước giếng này. Có hôm còn phải xếp hàng lấy nước. Hỏi ông, ông nửa đùa nửa thật, giếng  nước này ngọt vì người ta đã đổ mấy tấn đường phèn xuống đó con ạ. Tôi không biết cha nói thật không, chỉ nhớ mấy đứa trẻ trâu chúng tôi hay chơi trận giả, rồi đánh nhau, mệt và khát khô cả họng đều lấy gàu múc nước giếng này lên uống.  Cũng thấy mát và có vị ngọt ngọt ở đầu lưỡi. Cả bọn tranh nhau uống lấy uống để, căng cả bụng...

Kể chuyện làng: Đọi nước xanh của cha - Ảnh 2.

Dùng nguồn nước giếng này vài năm, cha tôi lại bỏ. Thắc mắc thì ông bảo, nước giếng này bị pha tạp rồi, đường tan hết rồi, không ngon ngọt nữa. Ông tìm được nguồn nước nấu chè xanh mới, đó là nước từ một khe núi chảy ra ở dãy Hoành Sơn cách nhà mười mấy cây số. Nước khe này chảy ra trong vắt, cho vào cốc thủy tinh ngắm không hề thấy một cợn bụi nào. Đúng là hơn hẳn giếng nước kia. 

Có nước, có chè xanh rồi, giờ mới đến giai đoạn om chè. Sáng tinh mơ, lúc ánh sáng chưa nhìn rõ mặt, cha tôi đã lọ mọ thức dậy om nước chè. Ông tỉ mẩn nhặt những cành chè, lá chè ngon, rồi tự tay vo chúng lại cho vào ấm. Chờ nước sôi hẳn, ông mới từ từ đổ chúng vào. Nước đầu ông đổ đi, gọi là tráng chè. Sau đó, ông lại hí húi lấy chăn bông bọc quanh ấm chè để giữ nhiệt...

 Nhớ những hôm trời lạnh,  tôi nằm co ro trong chăn, rồi nghe tiếng đàn gà mái gọi lũ con đi ăn, tiếng chổi chị gái tôi quét cươi (sân), tiếng cha mẹ tôi rì rầm nói chuyện, thoang thoảng đâu trong  gió là mùi nước chè xanh om, tôi thấy cuộc đời bình yên đến thật lạ.

Kể chuyện làng: Đọi nước xanh của cha - Ảnh 3.

Đọi nước chè.

Người làng tôi không uống nước chè xanh bằng cốc, chén mà phải dùng đọi (bát). Cha tôi giải thích uống đọi mới hợp, đọi vừa giữ được độ nóng, vừa rì rụp thổi vừa uống mới ngon. Cái này thì tôi chẳng tin, chè xanh uống cốc hay chén nào khác gì đọi??? Có lẽ nhà mình nghèo, làng mình nhiều người nghèo, không có tiền mua cốc, chén nên mới dùng đọi để vừa uống nước chè, sau lại vừa dùng ăn cơm. Có lẽ vì muốn giữ thể diện nên cha tôi, và nhiều người xứ Nghệ hay giải thích thế. Trẻ con nhưng tôi biết thừa...  

Có ấm chè ngon, cha tôi chẳng bao giờ thưởng thức một mình. Ông đi ra phía triền đê của làng, rồi vọng tiếng gọi láng giềng, anh em đến uống. Ông Tiến, ông Hùng, bà Liêu, cô Oánh... nghe tiếng ới cái là lục tục kéo đến. Nhiều hôm gọi không thấy ai thưa, cha tôi lại bắt tôi đến từng nhà để mời láng giềng đến thưởng thức chè om. Với tôi việc này đúng là sướng, tôi chạy ngay không hề cự nự cha. Hì hì. Nhờ đi gọi các bác, các cô uống chè, nên tôi có cơ hội được gặp một vài em hàng xóm xinh xắn của tôi...

 Tôi thích nhất là những buổi láng giềng tụ tập ở nhà mình vào buổi tối uống chè xanh. Bên cạnh ấm nước, thôi thì đủ thứ chuyện trên trời dưới đất được các bác, cô bàn tán. Râm ran hết cả xóm. Tôi thì chả quan tâm đến chuyện của người lớn làm gì. Nhưng có 2 cái tôi rất hay để ý, đầu tiên là, người lớn uống chè xanh  thế nào bên cạnh cũng có thêm nồi khoai luộc, lạc rang hoặc mấy cái kẹo lạc. Những lần thế, thể nào tôi cũng kiếm được mớ lạc rang hoặc cái kẹo để nhâm nhi trong buồng tối. Đang tuổi ăn tuổi lớn, được thưởng thức những món ấy thì còn gì trên đời ngon bằng?!

 Thứ nữa là, cứ lợi dụng lúc cha mẹ và các bác "chém gió", tôi và mấy anh hàng xóm như anh Hùng, anh Đức, thằng Cường, chị Giang, em Hà... lại rủ nhau trốn đi xem phim truyện chiến đấu của Liên Xô mà đài loa đã thông báo rầm rĩ cả buổi chiều. 

Kể chuyện làng: Đọi nước xanh của cha - Ảnh 4.

Tôi nhớ lúc đó được xem nhiều phim hay lắm, nào là "Cuộc chiến đấu bảo vệ Mát-xcơ-va", "Chiến công người tính báo", nào là "Bông hồng vàng"...  Xem xong phim về nhà đã khuya nhưng vẫn thấy người lớn  vừa rì rào nói chuyện vừa uống nước chè xanh. Thằng bé như tôi sướng âm ỉ mãi, đơn giản vì không bị mắng và đánh roi bao giờ. Lúc đó, thấy yêu cái ấm nước chè xanh của cha thế không biết.

Làng tôi giờ đã lên phố. Đẹp và khang trang hẳn. Cái này cũng nhờ kinh tế của mỗi nhà đã khá lên. Nhưng tôi vẫn man mác nỗi buồn vì theo đó nhiều giá trị tinh thần cũng đã thay đổi.  Như ấm nươc chè xanh của cha tôi, của nhiều nhà vẫn còn nhưng tình hàng xóm hình như không còn mặn nồng như xưa. Cũng có tiếng gọi nhau uống chè xanh đấy, nhưng trong câu chuyện đã bớt phần rôm rả. Ngồi đối mặt mà đôi khi cũng không dám nhìn nhau. Cũng dễ hiểu thôi, lớp các bác hàng xóm xưa người đã mất, người đã chuyển nhà đi nơi khác. Hàng xóm mới toàn người trẻ, một thế hệ công dân mới nên khó gần gũi đó mà...

Tôi xa nhà cũng hơn 20 năm, thi thoảng đi công tác vẫn mua vài hộp trà gửi về quê biếu cha. Nhận những món quà này, ông lại tủm tỉm cười rồi  gói ghém cẩn thận cất  giữ trong tủ.  Tôi kiểm tra thấy tuyệt nhiên ông không dùng, quý ai lại mang đi biếu. Cha nói, uống nước chè xanh quen và nghiện rồi, không có thứ trà nào trên đời có thể làm ông mê mẩn được nữa.

Có lẽ vì cái tình yêu với thứ nước uống dân dã đó, mà hàng ngày cha tôi vẫn lọc cọc đi xe đạp đến dãy núi Hoành Sơn chở nước về nhà nấu chè xanh. Và mẹ tôi, người phụ nữ cả đời yêu thương chồng, vẫn không bỏ bất cứ phiên chợ Sa Nam nào, để chọn mua cho ông những bó chè  Nam Thái, Nam Nghĩa ngon nhất.  

Đọi chè xanh của cha tôi, đó không là tình yêu thì còn là gì nữa?

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem