Dân Việt

Lực lượng Kiểm lâm khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp nào?

Hạ Anh 29/11/2020 10:47 GMT+7
Trong vụ phá rừng đặc dụng tại Na Hang (Tuyên Quang), Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ vụ án đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Na Hang để điều tra. Trong trường hợp nào lực lượng kiểm lâm được khởi tố vụ án hình sự?

Như Dân Việt đã thông tin, ngày 23/11/2020, Báo NTNN/Dân Việt đã đăng tải loạt bài "Điều tra độc quyền: Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ" phản ánh về tình trạng phá rừng nghiến cổ thụ tại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tại Na Hang, Tuyên Quang.

Sau khi tiếp nhận thông tin, cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang đã vào cuộc, kiểm tra, củng cố hồ sơ và khởi tố vụ án phá rừng trái phép.

Vụ phá rừng đặc dụng tại Na Hang: Trường hợp nào Kiểm lâm được khởi tố vụ án hình sự? - Ảnh 1.

Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01/QĐ-KTVAHS và chuyển hồ sơ vụ án đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Na Hang để điều tra, xử lý theo quy định".

Trao đổi với Dân Việt về sự việc trưởng hợp lực lượng Kiểm lâm được khởi tố vụ án hình sự. Luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho hay:

"Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự thuộc về những cơ quan quy định tại Điều 153 Bộ luật tố tụng hình sự 2015". 

Theo đó, hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự gồm: Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án và một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định tại điều 164 Bộ luật Tố tụng Hình sự như các cơ quan của bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư.

Điều kiện để khởi tố vụ án là phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Sau khi khởi tố vụ án nhưng không có thẩm quyền điều tra thì cơ quan khởi tố vụ án phải chuyển toàn bộ hồ sơ tài liệu, quyết định khởi tố vụ án đến cơ quan có thẩm quyền điều tra để tiến hành điều tra vụ án hình sự theo quy định pháp luật.

"Việc quy định thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự như trên thể hiện quyết tâm phòng chống tội phạm cũng như tạo điều kiện để các cơ quan bảo vệ pháp luật có công cụ pháp lý mạnh mẽ để đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo tính kịp thời, nghiêm minh của pháp luật, làm cơ sở để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định pháp luật" – Luật sư Cường bày tỏ.

Vụ phá rừng đặc dụng tại Na Hang: Trường hợp nào Kiểm lâm được khởi tố vụ án hình sự? - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng VP luật su Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Cũng theo luật sư, Điều 164 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực và địa bàn quản lý của mình, các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có nhiệm vụ, quyền hạn:

Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, tiến hành điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, tiến hành hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, ngoài các Cơ quan điều tra quy định tại Điều 163 của Bộ luật này, các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong khi làm nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm thì có quyền khởi tố vụ án hình sự, tiến hành hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, cơ quan khác trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 39 và Điều 40 của Bộ luật này và thực hiện đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục tố tụng đối với hoạt động điều tra do Bộ luật này quy định. 

Viện kiểm sát có trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra của các cơ quan này.

Thẩm quyền điều tra cụ thể của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện theo quy định của Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

"Cần có những hoạt động mạnh tay hơn nữa đối với hoạt động lâm tặc, các hoạt động khác làm ảnh hưởng đến rừng tự nhiên. Bởi vậy, việc khởi tố vụ án hình sự liên quan đến hành vi phá rừng, hủy hoại rừng là cần thiết để răn đe với những đối tượng vi phạm đồng thời tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, hạn chế những tác hại tiêu cực của thiên nhiên đối với con người" – Luật sư nêu quan điểm.

Điều 153. Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự

1. Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trừ những vụ việc do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đang thụ lý, giải quyết quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

2. Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp quy định tại Điều 164 của Bộ luật này.

3. Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp:

a) Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

b) Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

c) Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử.

4. Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.