Dân Việt

Chất vấn trên nghị trường Quốc hội: Ba yếu tố quyết định thành công (Bài 4)

Thành An 29/11/2020 14:20 GMT+7
"Thành công của hoạt động chất vấn nó phụ thuộc vào 3 yếu tố. Chỉ cần một trong ba không chất lượng: Người hỏi vụn vặt, người trả lời vòng vo, người điều hành lúng túng thì hoạt động chất vấn không thành công và hiệu quả", ông Lê Văn Cuông, ĐBQH khóa XI, XII nhấn mạnh.

Trong lịch sử 75 năm Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm của dân chủ và đổi mới. Đáng chú ý, những khóa gần đây hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn càng ngày càng được cải thiện theo hướng tích cực, bám sát tâm tư, nguyện vọng của cử tri hơn.

Những vấn đề nóng được xã hội quan tâm được các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đưa lên nghị trường để cùng mổ xẻ, thảo luận kỹ càng với những người đứng đầu các bộ ngành, địa phương, các thành viên Chính phủ.

Chất vấn trên nghị trường Quốc hội: Ba yếu tố quyết định thành công - Ảnh 1.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Nhiều ĐBQH ngày càng phát huy vai trò người đại diện cho nhân dân để chất vấn với những thành viên Chính phủ về những bức xúc và giải tỏa khúc mắc của người dân. Có người "thành danh" bởi chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội. Từ đó, nhiều vấn đề nóng từ các cuộc chất vấn trên nghị trường cũng đã được Chính phủ, các bộ ngành quan tâm, tháo gỡ, giải quyết.

Cử tri mong muốn Quốc hội phát huy tốt hơn hoạt động chất vấn

Trao đổi với Dân Việt về hoạt động chất vấn những nhiệm kỳ vừa qua, ông Lê Văn Cuông – ĐBQH khóa XI, XII cho rằng, hoạt động chất vấn tại Quốc hội mới được tiến hành thường kỳ từ khóa X đến nay. "Trải qua 2 thập kỷ, có thể nói rằng hoạt động chất vấn của Quốc hội được thực hiện rất tốt và có nhiều hướng tích cực. Chính vì vậy, Quốc hội ngày càng được đổi mới và phát huy hiệu quả", ông Cuông nhấn mạnh.

Chất vấn trên nghị trường Quốc hội: Ba yếu tố quyết định thành công - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Cuông, ĐBQH khóa XI, XII. (Ảnh: Xuân Hải)

Theo nguyên Phó Trường đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, trong mỗi kỳ họp Quốc hội hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn luôn được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi rất sát sao. Một phần để xem các ĐBQH do chính mình bầu ra có truyền tải được những thông điệp, nội dung, vấn đề mà họ quan tâm, bức xúc, gửi gắm lên diễn đàn Quốc hội hay không. Hai là cử tri cũng theo dõi, quan sát những người trả lời chất vấn có thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, trả lời đúng với thực tế, có nắm được tình hình chung của đất nước, nắm được những tâm tư nguyện vọng của nhân dân và trả lời có đáp ứng được nguyện vọng của cử tri hay không?

"Thông qua hoạt động chất vấn sẽ giúp người hỏi và người trả lời tự nâng tầm mình lên và đề cao trách nhiệm của mình hơn"

Ông Lê Văn Cuông, ĐBQH khóa XI, XII

"Cử tri mong muốn Quốc hội ngày càng phát huy tốt hơn hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, bởi thông qua đây thể hiện trách nhiệm của ĐBQH và người trả lời. Đây cũng như khâu kiểm duyệt, đánh giá năng lực, bản lĩnh, trí tuệ của ĐBQH xem có hỏi đúng thực tế và nguyện vọng của nhân dân hay không?", ông Cuông nói và cho rằng: 

Thông qua hoạt động chất vấn cũng thúc đẩy người hỏi phải chọn lọc và nắm sát thực tiễn, nắm vững nguyện vọng của cử tri để hỏi cho đúng, cho trúng "chứ không sẽ bị cử tri phê phán". Cùng đó, người trả lời chất vấn cũng phải hoàn thiện mình, quan tâm đến vấn đề mình trả lời vĩ mô hơn, nhất là những vấn đề mình đã trả lời, đã "hứa" với cử tri và nhân dân, khi được chất vấn hoặc tái chất vấn có thể báo cáo với Quốc hội và cử tri.

"Nói chung, thông qua hoạt động chất vấn sẽ khiến người hỏi và người trả lời tự nâng tầm mình lên và đề cao trách nhiệm của mình hơn. Đây là một vấn đề rất đáng để quan tâm", ông Lê Văn Cuông nhấn mạnh.

Cần những ĐBQH mạnh dạn, sắc sảo và thẳng thắn

Cho rằng trước đây việc chất vấn tại hội trường Quốc hội của các ĐBQH còn rụt rè, người trả lời chất vấn cũng chưa sâu sát, hứa nhưng không thực hiện nghiêm túc, vị ĐBQH khóa XI, XII đoàn Thanh Hóa nhìn nhận: Càng về sau người chất vấn và người trả lời chất vấn đều chú trọng vào nội dung ngắn gọn, súc tích, đi sâu, đi sát vào trọng tâm, bám sát vấn đề thực tiễn những vấn đề cử tri và nhân dân bức xúc hơn.

Chất vấn trên nghị trường Quốc hội: Ba yếu tố quyết định thành công - Ảnh 4.

Ông Lê Văn Cuông trong một lần phát biểu chất vấn tại nghị trường Quốc hội.

"Vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn qua mỗi nhiệm kỳ được cử tri đánh giá ngày càng hoàn thiện và chất lượng được nâng lên, có rất nhiều ĐBQH mới, trẻ, mạnh dạn phát biểu như kỳ họp thứ 10, khóa XIV vừa qua có nữ ĐBQH Ksor H’Bơ Khăp là người dân tộc tham gia chất vấn lần đầu đã tạo được nhiều tiếng vang rất lớn. Chúng ta cần những ĐBQH mạnh dạn và sắc sảo, thẳng thắn như vậy trong việc đặt câu hỏi chất vấn và tranh luận với các thành viên của Chính phủ", ông Cuông đề nghị.

Nhắc đến một số điểm mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XII Lê Văn Cuông nhìn nhận, việc Quốc hội quy định hỏi không quá 1 phút và trả lời không quá 3 phút đã mang lại nhiều hiệu quả nhất định so với trước đây khi mỗi ĐBQH được hỏi từ 1-3 phút còn trả lời thì "đến hết thì thôi".

"Việc này khiến ĐBQH đi trực tiếp vào vấn đề; có nhiều ĐBQH được hỏi hơn; nhiều người được trả lời hơn…nên không khí ở hội trường Quốc hội hiện nay ngày càng sôi động, các vấn đề đưa ra rộng hơn chứ không bó hẹp như trước đây", ông Cuông cho hay.

Cũng theo ông Cuông, trước đây Quốc hội quy định chất vấn theo nhóm vấn đề việc này phần nào gây ra hạn chế đối với nội dung chất vấn và dẫn tới việc chỉ những người phải trả lời chất vấn mới phải tập trung còn những người khác không phải không phải lo.

Chất vấn trên nghị trường Quốc hội: Ba yếu tố quyết định thành công - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (trái ảnh) trả lời chất vấn câu hỏi chất vấn của ĐBQH Ksor H’Bơ Khăp (phải ảnh) tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

"Bây giờ toàn diện hơn nên tất cả các thành viên chính phủ không ai đứng ngoài cuộc, bất cứ lúc nào mình cũng có thể ở trong diện được chất vấn nên luôn phải ở trong tâm thế chủ động, sẵn sàng, tức là cả bộ máy của Chính phủ phải tập trung trả lời chất vấn chứ không phải như trước đây chỉ vài người phải chuẩn bị khiến kỳ họp vừa qua rất sôi nổi và đưa ra được nhiều nội dung bức xúc trong cuộc sống mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm", ông Cuông nói.

Tóm lại, vị nguyên ĐBQH từng coi 9 năm làm "nghị sĩ" của mình là thời oanh liệt đánh giá: "Có được những thành công như hôm nay là cả một quá trình của cơ quan Quốc hội. Quốc hội là của dân và vì dân nên các ĐBQH ngày càng gắn bó mật thiết với cử tri, vì lẽ đó mới tập hợp được tất cả tâm tư nguyện vọng của cử tri để phản ánh với Quốc hội và thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn hiệu quả. Thông qua hoạt động này thể hiện được năng lực, trình độ của các ĐBQH cũng như các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ".

Người hỏi-người trả lời-người điều hành phải "đều tay"

Đáng chú ý, theo nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, có được những thành công như hôm nay là cả một quá trình của cơ quan Quốc hội, trong đó có đóng góp rất lớn của người đứng đầu Quốc hội.

ĐBQH Ksor H'Bơ Khăp chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV.

Điểm lại 4 khóa Quốc hội gần đây, ông Cuông nhìn nhận Chủ tịch Quốc hội khóa X, khóa XI Nguyễn Văn An là người sắc sảo, sát thực tế, điều hành các phiên họp rất chững chạc, do có nhiều kinh nghiệm thực tiễn nên hoạt động chất vấn được ông điều hành nhận được nhiều quan tâm của dư luận. Sau đó, ông Nguyễn Phú Trọng (ngày 24/6/2006 đảm nhận chức vụ Chủ tịch Quốc hội Khóa XI, nhiệm kỳ 2002–2007 thay ông Nguyễn Văn An, xin từ nhiệm -PV) lên làm Chủ tịch Quốc hội đã nâng tầm hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn.

“Thành công của hoạt động chất vấn nó phụ thuộc vào 3 yếu tố. Chỉ cần một trong ba không chất lượng, người hỏi vụn vặt, người trả lời vòng vo, người điều hành lúng túng thì hoạt động chất vấn không thành công và hiệu quả”.

ông Lê Văn Cuông, ĐBQH khóa XI, XII.

"Rút kinh nghiệm từ người tiền nhiệm nên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng điều hành các phiên chất vấn rất thành công và tạo ra sự dân chủ. Khóa XII tôi tham dự, phiên chất vấn rất sôi động bởi việc điều hành của Chủ tịch Quốc hội lúc đó tạo cho các ĐBQH rất thoải mái và truy đến cùng sự việc, vấn đề", ông Cuông nói và cho biết thời điểm đó ông đã truy đến cùng việc "chạy chức chạy quyền" đối với bộ trưởng bộ Nội vụ, đến lần thứ 3 thì rõ được vấn đề.

Chất vấn trên nghị trường Quốc hội: Ba yếu tố quyết định thành công - Ảnh 8.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Quochoi.vn)

"Nếu chỉ cho 1 lần thì cũng khó làm rõ vấn đề, cho nên dấu ấn của khóa XII để lại nhiều đậm nét, nhiều ĐBQH nổi tiếng nghị trường về vấn đề chất vấn và thảo luận được dư luận đánh giá cao. Việc này chính xuất phát từ việc được tạo điều kiện của Chủ tọa cho các ĐBQH bình tĩnh, thẳng thắn phát biểu, truy vấn đến cùng các vấn đề".

Ông Cuông cũng cho rằng, sang nhiệm kỳ thứ XIII ông Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch Quốc hội cũng có nhiều chuyển biến nhưng ít ĐBQH được hỏi và người trả lời chất vấn cũng không nhiều. Tuy nhiên, bước sang kỳ họp khóa XIV của bà Nguyễn Thị Kim Ngân – tuy là nữ nhưng nắm rất chắc các vấn đề, điều hành các phiên chất vấn rất mạch lạc, cương quyết nên chất lượng chất vấn đã đạt được nhiều hiệu quả cao.

"Nói tóm lại thành công của hoạt động chất vấn nó phụ thuộc vào 3 yêu tố: Thứ nhất là người hỏi-người chất vấn; thứ hai là người trả lời chất vấn; thứ ba là người điều hành-chủ tọa phiên chất vấn. Ba yếu tố này đạt được chất lượng thì hoạt động chất vấn của Quốc hội mới đạt được sự hiệu quả. Nếu một trong ba không chất lượng, người hỏi vụn vặt, người trả lời vòng vo, người điều hành lúng túng thì ảnh hưởng rất lớn nên để có được phiên chất vấn tốt yêu cầu đặt ra phải đòi hỏi có sự chất lượng từ 3 yếu tố này. Người hỏi-người trả lời-người điều hành phải "đều tay" thực hiện tốt nhiệm vụ, quy định của pháp luật", ông Lê Văn Cuông nhấn mạnh.

PGS.TS BÙI THỊ AN, ĐBQH KHÓA XIII ĐOÀN TP.HÀ NỘI:

Cần quyết liệt truy cứu đến cùng

Phương thức chất vấn bây giờ rất hay, không cần gửi câu hỏi trước mà chất vấn hàng loạt các vấn đề, mọi bộ trưởng, thành viên Chính phủ phải luôn luôn trong tâm thế sẵn sàng trả lời chất vấn. Đây là điều rất tốt để người đứng đầu các bộ, ngành nắm rất chắc các nhiệm vụ, công việc của mình để trả lời chất vấn, tránh lúng túng. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều ĐBQH trong đó có các ĐBQH trẻ được hỏi, được chất vấn các nội dung mà cử tri, nhân dân quan tâm rất sắc sảo mang lại nhiều hiệu quả cao, phản ánh đúng được các tâm tư, nguyện vọng bức xúc của cử tri và nhân dân. Tuy nhiên đây vẫn là hiệu quả ban đầu, hiện nay nhiều sự việc sau khi được chất vấn, trả lời chất vấn ở Quốc hội xong nhưng vẫn không có nhiều tiến triển, cho nên cần phải có sự thay đổi, cần sự quyết liệt, truy cứu đến cùng mọi vấn đề. Đơn cử như vừa rồi, bão lũ xảy ra trách nhiệm thuộc về ai vẫn chưa rõ?

CỬ TRI TRẦN CAO NGUYÊN (CẦU GIẤY, HÀ NỘI):

Nâng cao chất lượng chất vấn, trả lời chất vấn

Với các phương thức trả lời chất vấn mới như kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua cho thấy, việc chất vấn không theo chủ đề mà theo nội dung quan tâm với thời gian khống chế và có thể chất vấn lại đã giúp đại biểu Quốc hội trau dồi kỹ năng chất vấn, nghiên cứu, chuẩn bị nghiêm túc các vấn đề mà cử tri mong muốn, gửi gắm đến Quốc hội. So với trước kia, không còn nhiều trường hợp ĐBQH đặt câu hỏi dài dòng, kể lể mà đa số đã đi thẳng vào những vấn đề dư luận quan tâm. Tuy nhiên, tôi mong muốn có thêm thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn bởi qua theo dõi số câu hỏi chất vấn của đại biểu chưa được trả lời ngay tại hội trường, một trong những lý do là quá thời gian trả lời theo quy định. Đặc biệt, tôi mong rằng Quốc hội của chúng ta ngày càng nâng cao chất lượng chất vấn, trả lời chất vấn để giải quyết căn cơ những vấn đề mà cử tri và nhân dân bức xúc.