Từ chất vấn nghị trường tới thực tiễn cuộc sống: Nhìn từ Nghị quyết 42 của Quốc hội (Bài 3)

Lê Thúy - Thành An Thứ hai, ngày 30/11/2020 08:08 AM (GMT+7)
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 2011 tỷ lệ nợ xấu là 3,8% và vẫn có xu hướng tăng giảm quanh con số đó trong những năm tới. Và cho đến tháng 6/2017, Nghị quyết 42 của Quốc hội ra đời, nợ xấu đã giảm một cách thực sự.
Bình luận 0

Tiếp theo loạt bài "Đột phá trong hoạt động chất vấn, dấu ấn nghị trường khóa XIV", Báo điện tử Dân Việt đưa thêm một dẫn chứng để bạn đọc hình dung rõ hơn những chất vấn trên nghị trường đã đi vào thực tiễn cuộc sống kịp thời và hiệu quả ra sao. 

Dẫn chứng mà Dân Việt muốn đưa tới bạn đọc, đó chính là tỷ lệ nợ xấu. Lần đầu tiên, tháng 11/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thời điểm đó là ông Nguyễn Văn Bình đã trả lời chất vấn tại Quốc hội và đó cũng là lần đầu tiên con số nợ xấu được công khai. Theo ông Nguyễn Văn Bình, tính đến 30/9/2012, nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng ở mức 4,93%, còn theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước thì ở khoảng 8,82%.

Một thời điểm, nhiều con số nợ xấu

Nghị trường khi đó thực sự "nóng" vì tỷ lệ nợ xấu mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra, nhiều ĐBQH đã thực sự lo lắng vì nợ xấu cao khiến cho chi phí hoạt động của NHTM gia tăng và khó có thể giảm được lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế. 

Chính vì vậy, Thống đốc Nguyễn Văn Bình là một trong số ít thành viên Chính phủ trong một nhiệm kỳ có 1 lần đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội về nợ xấu, 2 lần trả lời chất vấn Thường vụ Quốc hội. Và giải pháp xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước thời điểm đó là yêu cầu các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro và bán nợ xấu cho VAMC. 

Từ chất vấn nghị trường tới thực tiễn cuộc sống: Nhìn từ Nghị quyết 42 của Quốc hội (Bài 4) - Ảnh 1.

Nợ xấu từng nóng tại các diễn đàn, hội thảo toạ đàm thời kỳ chưa có Nghị quyết 42 (Ảnh: Lê Thuý)

Thời điểm đó, nợ xấu là chủ đề "nóng" trên các diễn đàn, hội thảo, toạ đàm và các cuộc họp Chính phủ. Thậm chí, một con số nợ xấu chính xác cũng khó xác định, khi mà mỗi một nơi lại đưa ra một con số khác nhau. 

Theo các NHTM, đến 31/5/2012, nợ xấu của hệ thống là 117.723 tỷ đồng, chiếm 4,47%. Còn số liệu của Cơ quan giám sát ngân hàng thì tỷ lệ nợ xấu có khi lên đến 8,6%. Bất ngờ hơn cả là số liệu của Fitch Ratings, tỷ lệ nợ xấu Việt Nam là 13% trên tổng dư nợ.


Nợ xấu không ngừng tăng lên khi năm 2013 nợ xấu tại các tổ chức tín dụng của Việt Nam tăng mạnh tới 23,73% so với năm 2012 và thật sự là mối đe dọa đến an ninh hệ thống ngân hàng và ổn định tài chính quốc gia. 

Lần thứ 2 đăng đàn trước Quốc hội năm 2014, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khi đó vẫn không thể làm hài lòng đại biểu quốc hội về tỷ lệ nợ xấu. Tuy có ở mức thấp, tỷ lệ nợ xấu có giảm nhưng thực tế không giảm được chi phí của các ngân hàng, nợ xấu thật vẫn cao và nợ xấu bán cho VAMC ngày càng phình to.

Từ chất vấn nghị trường tới thực tiễn cuộc sống: Nhìn từ Nghị quyết 42 của Quốc hội (Bài 4) - Ảnh 3.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

Đến cuối năm 2016, Theo báo cáo của NHNN gửi lên Quốc hội, tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế. 

Nghị quyết 42 của Quốc hội đã đi vào thực tiễn cuộc sống

Thời điểm đó, Thống đốc Lê Minh Hưng đã trình Quốc hội giải pháp xử lý nợ xấu bằng 1 Nghị quyết mà nợ xấu được mua bán theo giá thị trường, quyền thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo của các TCTD và VAMC... và tháng 6/2017, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã giải quyết được khúc mắc lớn nhất về xử lý nợ xấu của NHTM, VAMC một cách thực chất. 

Với tính thiết thực của mình, Nghị quyết 42 đã đi vào thực tiễn một cách mạnh mẽ và giúp cho các ngân hàng giải quyết triệt để nguồn gốc của nợ xấu cũng như không phải hạch toán nợ theo "túi trái, túi phải" như trước đây. 

Đáng chú ý, sau 3 năm Nghị quyết 42 có hiệu lực, nợ xấu nội bảng các TCTD giảm liên tục qua từng năm. Tính đến cuối 8/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng các TCTD là 1,96%, tăng so với cuối năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng giảm mạnh so với thời điểm trước khi có Nghị quyết 42. 

Từ chất vấn nghị trường tới thực tiễn cuộc sống: Nhìn từ Nghị quyết 42 của Quốc hội (Bài 4) - Ảnh 4.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

Xét về giá trị tuyệt đối, từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2020, toàn hệ thống các TCTD ước tính đã xử lý được hơn 1,1 triệu tỷ đồng nợ xấu. Đáng nói, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 42, luỹ kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 7/2020, cả hệ thống TCTD đã xử lý được 303.100 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết này. 

Như vậy, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến cuối tháng 7/2020 đạt trung bình khoảng 6,92 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,40 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012 – 2017 của hệ thống các TCTD trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng).

Cần phải nói, trước khi có Nghị quyết 42, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm và khách hàng trả nợ còn chưa cao. 

Nói về khó khăn trong việc xử lý nợ xấu trước khi Nghị quyết số 42 ra đời tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2020 tổ chức mới đây, ông Đỗ Giang Nam, Phó giám đốc VAMC cho biết, việc xử lý nợ xấu chưa nhận được sự quan tâm và phối hợp của các bộ ngành liên quan; Cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động xử lý nợ xấu còn thiếu và bất cập; Chưa tạo động lực để phát triển thị trường mua bán nợ; thiếu nguồn lực (vốn, nhân lực…). Trong khi đó, pháp luật về tố tụng dân sự chưa cho phép áp dụng thủ tục rút gọn...

Tuy nhiên, theo ông Nam, sau khi Nghị quyết số 42 ra đời đã giúp khẳng định quyền chủ nợ của VAMC/TCTD, đồng thời, nâng cao ý thức trả nợ của khách hàng, tạo động lực khuyến khích TCTD bán nợ. VAMC cũng "nhờ" Nghị quyết 42 mà thuận lợi hơn trong hoạt động mua bán nợ xấu theo giá thị trường, cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan tới TSĐB tại tòa án, quy định nghĩa vụ thuế, phí khi chuyển nhượng TSĐB, phương thức phân bổ lãi dự thu, khoản chênh lệch khi bán nợ xấu của TCTD và VAMC… 

Nghị quyết 42 của Quốc hội: Từ thực tiễn tới nghị trường - Ảnh 4.

Nguồn: VAMC

Kết quả, từ khi thành lập (2013) đến tháng 8/2020, VAMC đã mua nợ bằng TPĐB đạt giá trị 329.007 tỷ đồng. Trong đó, mua nợ bằng TPĐB sau khi NQ42 có hiệu lực đạt 67.612 tỷ đồng; Mua nợ theo GTTT từ 2017 đến 2020 đạt 8.341 tỷ đồng

Giai đoạn 2017 đến 31/8/2020 (từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến 31/8/2020), VAMC thu hồi nợ ước đạt 94.370 tỷ đồng, gấp 1,5 lần tổng thu hồi nợ giai đoạn trước đó, từ 2013 đến 14/8/2017. Thu giữ thành công một số TSBĐ có giá trị lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ. 

Trong đó, kết quả thu hồi từ biện pháp bán nợ tăng gấp hơn 4 lần so với giai đoạn trước đó, từ 2013 đến ngày 14/8/2017; Kết quả thu hồi nợ từ biện pháp xử lý TSBĐ tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn trước đó, từ 2013 đến ngày 14/8/2017.

img
img

Kết quả xử lý, thu hồi nợ tại VAMC (Nguồn VAMC)

Với kết quả tích cực, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD ước tính đến cuối tháng 8/2020 ở mức 4,49%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016, mức 7,36% cuối năm 2017 và mức 5,85% vào cuối năm 2018.

Nghị quyết 42 của Quốc hội: Từ thực tiễn tới nghị trường - Ảnh 6.

Nguồn: NHNN, VAMC

Nghị quyết 42 không chỉ được thông qua với sự tán thành cao, đến nay các ngân hàng thương mại – đối tượng bị tác động trực tiếp nhất từ các quy định trong Nghị quyết này, thừa nhận vai trò của nó đối với hoạt động xử lý, thu hồi nợ xấu.

Là 1 trong những Ngân hàng thương mại quốc doanh, đầu tàu tín dụng của nền kinh tế, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho hay, Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 đã tạo lập một hành lang pháp lý đầy đủ về mua bán nợ, thu giữ tài sản, áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án, Mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai, Xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản, Kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án, Chuyển nhượng tài sản bảo đảm, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm... trên cơ sở đó Agribank đã ban hành một loạt các cơ chế để thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, cụ thể như: Quy chế mua, bán nợ; cơ chế điều chỉnh và miễn giảm lãi khuyến khích thu hồi nợ;...

Nghị quyết 42 của Quốc hội: Từ thực tiễn tới nghị trường - Ảnh 7.

Nguồn: BCTC Hợp nhất Agribank

Từ cơ chế ban hành thì Agribank đã đạt được các kết quả đáng kể và là một trong những ngân hàng đi đầu trong công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Cụ thể, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 42, Agribank xử lý, thu hồi được 1/3 số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42.

Trung bình một tháng Agribank xử lý, thu hồi được gần 3.500 tỷ đồng/tháng nợ xấu trong khi kết quả thu hồi nợ xấu trung bình một tháng trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực chỉ là 2.000 tỷ đồng/tháng.

"Trước khi có Nghị quyết 42 việc thu giữ để xử lý nợ hầu như không triển khai được nhưng sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực trong công tác xử lý tài sản bảo đảm Agribank đã áp dụng quyền thu giữ đối với 665 tài sản của 456 khách hàng với giá trị tài sản là gần 3.500 tỷ đồng, dư nợ hơn 4.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó hoạt động bán nợ cũng sôi nổi hơn trước, không những thế Agribank còn xử lý được hết nợ đã bán cho VAMC chỉ trong hơn 02 năm thực hiện Nghị quyết. Từ các kết quả đã đạt được chứng tỏ Nghị quyết 42 ra đời đã tạo động lực lớn thúc đẩy công tác thu hồi nợ tại Agribank, đặc biệt là thúc đẩy việc thu hồi nợ sau xử lý tại Agribank", ông Phạm Toàn Vượng nhấn mạnh.

Tại VietinBank, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT thừa nhận, sau khi Nghị quyết 42 được ban hành, VietinBank đã thực hiện truyền thông, đào tạo nội dung Nghị quyết tới tất cả các chi nhánh, phòng/ban có liên quan để triển khai, áp dụng Nghị quyết 42 trong công tác xử lý thu hồi nợ ngay khi văn bản có hiệu lực vào ngày 15/8/2017. Đồng thời, thực hiện rà soát chi tiết danh mục khoản nợ, đánh giá các biện pháp xử lý phù hợp với từng khoản nợ để áp dụng hiệu quả các quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14. 

Nghị quyết 42 của Quốc hội: Từ thực tiễn tới nghị trường - Ảnh 8.

Nguồn: BCTC hợp nhất Vietinbank

Với việc tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu, đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ nợ xấu được VietinBank chủ động kiểm soát ở mức an toàn theo quy định của NHNN.

Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực cho đến 31/10/2020, VietinBank đã xử lý gần 33.445 tỷ đồng nợ xấu được xác định là nợ xấu theo Nghị quyết 42. Đặc biệt, thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được NHNN phê duyệt, tháng 12 năm 2018, VietinBank đã bán 13.427 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt, thời hạn trái phiếu 05 năm từ tháng 12 năm 2018 đến tháng 12 năm 2023. 

Bằng việc tích cực áp dụng đồng bộ các biện pháp xử lý nợ, tăng cường trích dự phòng cho trái phiếu đặc biệt, tháng 10/2020, VietinBank đã chủ động tất toán được toàn bộ trái phiếu đặc biệt VAMC trong chưa đầy 2 năm thay vì 5 năm theo kế hoạch. Với việc tất toán toàn bộ khoản nợ VAMC, hiện nay tỷ lệ nợ xấu của VietinBank vào cuối tháng 10/2020 là khoảng 1,8%. VietinBank sẽ tiếp tục quản trị chặt chẽ chất lượng tăng trưởng tín dụng hướng tới mục tiêu là cuối quý IV/2020, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank nội bảng sẽ ở mức khoảng 1,5%.

img
img

Nguồn: BCTC BIDV, Vietcombank

Với khối ngân hàng ngoài quốc doanh, Sacombank là một trong những câu chuyện điển hình cho thấy hiệu quả trong xử lý nợ xấu kể từ sau khi Nghị quyết 42 được "bấm nút" thông qua. Báo cáo tài chính của nhà băng này cho thấy, năm 2016, tỷ lệ nợ xấu tại Sacombank xấp xỉ 7%. Thế nhưng, sau khi có Nghị quyết 42, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này giảm nhanh về 4,67% (cuối năm 2017) và chỉ còn 1,94% (cuối năm 2019). Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm nay, nợ xấu của nhà băng này có xu hướng "dềnh lên" do ảnh hưởng của Covid-19.

Trong một báo cáo phát hành vào tháng 7/2020, ngân hàng này cho biết, tại thời điểm 14/8/2017, nợ xấu của Sacombank là 61.519 tỷ đồng/260.745 tỷ đồng tổng dư nợ theo Nghị quyết số 42 (chiếm 23,59%). 

Đến thời điểm 31/3/2020, nợ xấu chỉ còn 36.655 tỷ đồng. Trong 3 năm, từ năm 2017 đến 2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được Sacombank xử lý lần lượt là 1.107 tỷ đồng; 3.315 tỷ đồng và 848 tỷ đồng, thì chiếm đến hơn 90% là do khách hàng tự trả nợ (lần lượt qua các năm là 1.042 tỷ đồng; 3.259 tỷ đồng và 724 tỷ đồng).

Tương tự, tại MB, Phó Tổng giám đốc Phạm Thị Trung Hà cũng khẳng định, Nghị quyết 42 và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ra đời đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi, hỗ trợ các TCTD xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn. 

Đồng thời, kết quả xử lý nợ xác định theo Nghị quyết 42 theo hình thức khách hàng trả nợ có xu hướng tăng, điều đó phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện, cụ thể: Tính đến 31/08/2020, tổng dư nợ xấu theo Nghị quyết 42 (bao gồm dư nợ xấu phát sinh sau thời điểm 14/08/2017) giảm khoảng 40% so với thời điểm 14/08/2017. MB đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp thu hồi nợ, kết quả đã xử lý 13.188 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 (Bao gồm Sử dụng quỹ dự phòng để xử lý rủi ro).

Bảng: Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng (%) (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC các ngân hàng)

Ngân hàng/Năm20162017201820199T/2020
MB1,21,211,331,161,5
VPBank2,93,393,492,953,65
ACB0,870,710,730,540,83
Eximbank2,952,271,851,72,46
TechcomBank1,61,611,751,330,6
Sacombank6,914,672,111,942,13

Nợ xấu tiếp tục cần Quốc hội "ra tay"

Ông Lê Văn Cuông, ĐBQH khóa XI, XII nhìn nhận, nợ xấu là một trong những vấn đề có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, người dân và sự phát triển của đất nước. Đây cũng là vấn đề được các ĐBQH quan tâm và tập trung chất vấn rất nhiều trong mỗi kỳ họp. 

Các bộ trưởng khi giải trình về vấn đề này cũng đề cập đến nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp luật và các vấn đề khác… đòi khỏi cần có giải pháp tổng thể, có sự vào cuộc của tập thể Chính phủ và Quốc hội mới giải quyết được chứ không phải chỉ là vấn đề riêng của các cấp bộ, ngành.

Chính việc thông qua các hoạt động chất vấn ở Quốc hội mới thấy được nhiều vấn đề, bộc lộ các điểm nghẽn, trong đó có những vấn đề Chính phủ không thể giải quyết cần Quốc hội tập trung tháo gỡ "vì liên quan đến luật pháp thì Quốc hội phải ban hành Điều Luật, Nghị định". 

"Có những việc Chính phủ không thể giải quyết được mà phải trình ra Quốc hội, trong đó có vấn đề rất quan trọng đối với nền kinh tế đó là nợ xấu. Nếu như không giải quyết vấn đề này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư phát triển, cùng đó nếu giải quyết không sâu sát, không đúng quy định pháp luật thì sẽ gây ra thất thoát, tạo lợi ích nhóm thì rất nguy hiểm", ông Cuông nói.

Nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng "nợ xấu ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản của đất nước" cho nên phải có sự xem xét của Quốc hội nhìn nhận ở tất cả các góc cạnh, góc độ, nhìn từ thực tiễn.

"Quốc hội phải tháo gỡ "cục máu đông" này để mạch máu kinh tế được lưu thông tốt", ông Cuông nói và nhấn mạnh: Tầm của Quốc hội là tháo gỡ những vấn đề lớn, những vấn đề bằng pháp luật, Nghị quyết để Chính phủ có cơ sở để thực hiện.

"Phải thấy rằng, vừa qua Quốc hội ra Nghị quyết về nợ xấu đã đi vào cuộc sống và có hiệu quả ngay lập tức để giải quyết những điểm nghẽn, tháo gỡ cho Chính phủ về vấn đề quản lý nợ xấu…làm cho hoạt động kinh tế tốt hơn", ông Cuông nhận định.

Đồng tình, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM khóa XIII, XIV) cho rằng, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được ban hành ngày 21/6/2017 (Nghị quyết 42) đã đi vào cuộc sống, giúp nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng giải quyết được bài toán khó về nợ xấu. 

"Nghị quyết 42 được đánh giá là một phương pháp giải quyết hiệu quả. Đặc biệt, khi triển khai, ý thức người vay vốn đã được thay đổi rõ rệt thể hiện qua việc họ thận trọng hơn và có ý thức trả nợ hơn. Nhiều khoản nợ xấu đã được khách hàng tự thu xếp trả nợ, tự xử lý nguồn nợ xấu này. Trong quá trình xử lý, hệ thống ngân hàng đã thu hồi được khoản nợ, nâng cao khả năng tài chính, tăng sức chịu đựng trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức".

ĐBQH Trần Hoàng Ngân

Hơn nữa, đặt trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, ĐBQH Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết thêm năm 2020 rất đặc biệt khi khó khăn chồng chất liên tiếp do dịch bệnh, thiên tai. Các ngân hàng vẫn đảm bảo có lợi nhuận nhưng tỷ lệ nợ xấu cũng gia tăng. 

Điều này cũng có thể hiểu được bởi dịch Covid-19 gây tác hại nghiêm trọng trên toàn cầu và không chỉ có số người tử vong cao mà hàng loạt doanh nghiệp cũng rơi vào trạng thái "chết". Không riêng gì Việt Nam, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể trên thế giới cũng rất lớn. Quốc gia nào cũng phải đối đầu với nợ xấu do số doanh nghiệp giải thể lớn, hoạt động không có hiệu quả.

"Nhờ thực hiện Nghị quyết 42 và các ngân hàng hoạt động hiệu quả trong thời gian qua: lợi nhuận tăng cao, góp phần phần tăng nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng, có điều kiện mở rộng hoạt động tín dụng, mở rộng hoạt động cho vay của nền kinh tế… nên đã tích tụ được vốn, làm tăng sức chịu đựng của hệ thống. Cho nên, thời gian tới, các ngân hàng phải tiếp tục tăng trích dự phòng rủi ro nhằm đề phòng cho những bất trắc xảy ra và để có khả năng bù đắp các thâm hụt", ông Ngân nói và lưu ý, bài học từ VAMC và các công ty mua bán nợ... cho thấy cần thiết phải tạo ra cơ chế cho hoạt động mua bán nợ phát triển, hướng đến những giải pháp cụ thể hơn.

Từ chất vấn nghị trường tới thực tiễn cuộc sống: Nhìn từ Nghị quyết 42 của Quốc hội (Bài 4) - Ảnh 17.

Nghị quyết 42 đã đến lúc cần tổng kết, đánh giá lại, thậm chí kéo dài thêm một thời gian nữa khi chưa thể luật hoá ở nguyên tắc vay và trả nợ (Ảnh: Lê Thuý)

 ĐBQH Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết thêm trong Nghị quyết 42, khi sơ kết và tổng kết vẫn thấy điểm tồn tại, khó khăn nhất là vấn đề sang nhượng quyền sở hữu của các tài sản thế chấp và cầm cố. Nhưng để giải quyết các vấn đề này thì phải tiếp tục hoàn thiện luật pháp, đảm bảo cho Nghị quyết đi vào cuộc sống.

"Tôi cho rằng, Nghị quyết 42 cũng đã đến lúc cần tổng kết, đánh giá lại. Thậm chí, cần kéo dài Nghị quyết 42 thêm một thời gian nữa, nhất là trong lúc chưa đưa vào luật hoá ở những nguyên tắc vay và trả nợ vay, chưa đảm bảo được quyền giữa người cho vay và người đi vay. Trong đó, cần ưu tiên bảo vệ người đi vay và cả người cho vay để làm sao duy trì ý thức tự giác chấp hành trong hoạt động vay và trả nợ. Cùng đó, vai trò của cả các tổ chức liên quan như chính quyền địa phương, công an, kiểm soát, toà án... cũng cần phát huy tính đồng bộ và có sự chia sẻ để hỗ trợ hệ thống ngân hàng làm tốt hơn việc xử lý nợ xấu", ông Ngân nói.

Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) thừa nhận, trong quá trình tổng kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 42, đơn vị này nhận thấy những quy định phát huy tác dụng trong thực tế - định có tính chất tạo điều kiện, giải quyết khó khăn vướng mắc cho quá trình xử lý nợ. 

Hiện Chính phủ đã giao NHNN phối hợp với các bộ, ngành xem xét, nghiên cứu dự định sẽ luật hóa các quy định nói trên, đưa vào Luật các Tổ chức tín dụng. Nếu điều này trở thành sự thật, các ngân hàng có phát sinh nợ, các đơn vị, tổ chức, cá nhân có khoản nợ với ngân hàng đều sẽ thuận lợi hơn trong quá trình xử lý khoản nợ, giúp tiết kiệm thời gian giải quyết khoản nợ rất nhiều so với trước đây.

LTS: Chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội là hoạt động giám sát đặc biệt, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của các đại biểu dân cử với cử tri của mình, đồng thời cũng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan công quyền. Tại mỗi phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong các kỳ họp, các ĐBQH đều thể hiện trách nhiệm cao nhất để nói lên tiếng nói của nhân dân. Và ở chiều ngược lại, các thành viên Chính phủ cũng nỗ lực hiện thực hóa các lời hứa trên nghị trường. Loạt bài "Đột phá trong hoạt động chất vấn, dấu ấn nghị trường khóa XIV" sẽ phần nào giúp bạn hình dung điều này rõ hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem