Dân Việt

Quyết sách từ nghị trường, cánh đồng bừng sáng - Bài 3: Vấn đề "nóng" trong từng kỳ họp

Anh Thơ 29/11/2020 17:14 GMT+7
Có thể dễ dàng nhận thấy, trong mỗi kỳ họp Quốc hội, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được quan tâm trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội hay chất vấn các thành viên Chính phủ. Thông qua những ý kiến tranh luận và phản biện, các trưởng ngành kịp thời có giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn.

Bảo vệ rừng, thủy điện nhỏ "nóng" kỳ họp thứ 10

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV diễn ra khi các tỉnh miền Trung đang phải trải qua một đợt mưa lũ khốc liệt nhất trong lịch sử nhiều năm trở lại đây, khi những cơn bão cứ thế nối tiếp nhau đổ bộ vào. Chính vì vậy, trong các phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, chất vấn các thành viên Chính phủ, vấn đề phòng chống thiên tai, bảo vệ rừng được các đại biểu Quốc hội lên tiếng mạnh mẽ.

Tranh luận với Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường về diện tích rừng tại phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội năm 2020, nữ Đại biểu Quốc hội Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp cho biết, trong nhiệm kỳ này, mỗi kỳ họp, Quốc hội liên tục được nghe những dự án, công trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ.

Quyết sách từ nghị trường, cánh đồng bừng sáng (bài 3): Vấn đề "nóng" trong từng kỳ họp - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp có nhiều phát biểu, tranh luận thẳng thắn về phát triển, bảo vệ rừng tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Theo Đại biểu Quốc hội Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp, hiện nay, cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng.

“Rừng là nơi hấp thụ CO2 để thải ra O2, nhưng cây cao su là loại cây hút O2 và thải ra CO2. Không có một con gì sống được ở trong rừng đó”, nữ đại biểu Quốc hội Gia Lai nói.

Hay trong phiên chất vấn các thành viên Chính phủ sáng 6/11, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đặt câu hỏi về chất lượng rừng cũng như diện tích rừng của Việt Nam hiện nay thua rừng của Lào và Campuchia, điều này được thể hiện rõ qua bản đồ Google Map.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, tới đây trách nhiệm của tất cả hệ thống chính trị và toàn dân đều phải có trách nhiệm, cố gắng cao nhất với hai loại rừng là rừng tự nhiên và rừng trồng. Hiện tại, Nhà nước đã kiên quyết không để diện tích rừng tự nhiên hiện tại bị can thiệp, chuyển đổi.

"Đặc biệt, nước ta có 4,3 triệu ha rừng trồng nhưng chủ yếu là cây keo. Loại cây này có độ sinh khối nhanh nhưng độ che phủ, chống chịu thiên tai yếu hơn. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ thay dần các loại cây này bằng các loại cây gỗ lớn, cây bản địa" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh tại kỳ họp.

Còn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: “Đại biểu hỏi tôi rừng quan trọng thế nào so với trời, tôi nghĩ rừng còn quan trọng hơn trời”.

Cũng theo ông Trần Hồng Hà, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NNPTNT sẽ xem xét cùng Quốc hội, rà soát từng mét vuông đất rừng thiên nhiên, phòng hộ, đặc dụng, kể cả những nơi không còn rừng nhưng có ý nghĩa trong phòng hộ thì phải phục hồi rừng nguyên sinh theo đúng nghĩa của nó.

Giải trình thêm các chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề xuất, trong 5 năm tới sẽ trồng thêm 1 tỷ cây xanh.

Ngoài vấn đề bảo vệ rừng, việc quy hoạch xây dựng thủy điện nhỏ cũng rất "nóng" tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua. Điều này cho thấy, các đại biểu Quốc hội luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, vai trò giám sát đối với những vấn đề có tác động, ảnh hưởng đến phần đông dân số.

Trước những câu hỏi, tranh luận thẳng thắn của các đại biểu Quốc hội, bên lề kỳ họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã khẳng định: Không nên khuyến khích phát triển bằng mọi giá thủy điện nhỏ và cho biết đã có trên 400 thủy điện nhỏ được đưa ra khỏi quy hoạch thời gian vừa qua trên cơ sở Quốc hội thảo luận và sự tham mưu của các bộ ngành.

Đánh giá về câu trả lời của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tại kỳ họp vừa qua, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) đánh giá cao nỗ lực của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường từ việc nhỏ nhất như bảo đảm nguồn cung và tham gia đưa giá thịt lợn về sát thực tế đến việc Việt Nam đã có thêm những mặt hàng mới có giá trị xuất khẩu ở những thị trường khó tính, hay vào thị trường châu Âu…

Câu hỏi và câu trả lời cho thấy sự tương tác giữa đại biểu và tư lệnh ngành để làm rõ tận cùng vấn đề; trong đó có rất nhiều vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm.

Tạo hành lang pháp lý cho nông nghiệp, nông thôn phát triển

Trong rất nhiều phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, để thực hiện hiệu quả chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới, ngoài quyết tâm cao của Bộ, Bộ NNPTNT luôn được sự quan tâm chỉ đạo rất sâu sát của Đảng và Nhà nước từ Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị.

Quyết sách từ nghị trường, cánh đồng bừng sáng (bài 3): Vấn đề "nóng" trong từng kỳ họp - Ảnh 2.

Đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm Trưởng đoàn kiểm tra công tác thực hiện các khuyến nghị của EC để gỡ "thẻ vàng" IUU tại Ninh Thuận.

“Chưa bao giờ trong thời gian ngắn, rất nhiều chỉ thị, nghị quyết, quyết định từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được ban hành để chỉ đạo phát triển ngành NNPTNT. Trong bối cảnh nguồn lực quốc gia có hạn, Quốc hội cũng có những nghị quyết cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và dành sự quan tâm đặc biệt để đầu tư, phát triển.

Không những thế, Thủ tướng Chính phủ mỗi năm trực tiếp chỉ đạo khoảng 15 - 17 hội nghị về ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thời gian qua, ngành NNPTNT đã hoàn thiện một khối lượng lớn về thể chế. Chỉ 4 năm hoàn thành 6 luật gồm: Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều.

Theo đánh giá của ông Hà Sĩ Đồng - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, những dự án luật này đã đánh dấu bước phát triển theo chiều sâu của ngành chuyên môn, chuyển từ ngành kỹ thuật đơn thuần trở thành các ngành kinh tế - kỹ thuật, gắn chặt hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành với quá trình tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, với công nghệ chế biến và thị trường. 

"Hệ thống pháp luật chuyên ngành ban hành tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, đẩy mạnh quá trình công khai minh bạch giải quyết công việc và thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương; cơ sở để hoàn thiện các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, phù hợp với tiêu chuẩn thế giới. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ hành chính công, huy động sức dân, nguồn lực xã hội vào công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới" - ông Hà Sĩ Đồng nói.

Đơn cử như Luật Chăn nuôi, theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, sau 70 năm, lần đầu tiên Việt Nam có Luật Chăn nuôi. Luật Chăn nuôi là một trong những bộ luật được xây dựng rất chi tiết, Quốc hội cùng các Bộ, ngành thẩm định hết sức chặt chẽ, khoa học.

“Với việc ban hành Luật Chăn nuôi và các văn bản dưới luật, ngành chăn nuôi đã có nền tảng để phát triển bền vững. Chúng ta hy vọng, 5 đến 10 năm tới chăn nuôi sẽ có được một vị trí to lớn trong kim ngạch xuất khẩu" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Việc Quốc hội kịp thời thông qua Luật Thủy sản 2017 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 cũng đã tạo hành lang pháp lý giúp các địa phương thực hiện tốt các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Đơn cử, theo Sở NNPTNT tỉnh Phú Yên, từ năm 2019 đến nay, nhờ có nhiều giải pháp hiệu quả trong việc thực hiện Luật Thủy sản 2017 và chống đánh bắt IUU nên địa phương không xảy ra trường hợp đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài nào. 

Tính đến tháng 10/2020, tỉnh có 2.457 tàu cá được đã lắp thiết bị giám sát hành trình còn 453 tàu chưa lắp thiết bị giám sát hành trình. Ngành cũng đã có 3.049/5.537 tàu cá được cấp giấy phép khai thác, đạt 50,07%; 4.696 tàu cá được đánh dấu tàu cá theo quy định với các nhóm tàu từ 6m đến trên 15m.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, phía EC ghi nhận nỗ lực trong triển khai thực hiện các quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, tuy nhiên, các địa phương cần hành động quyết liệt hơn nữa thì mới mong gỡ được "thẻ vàng" của EC.

(Còn nữa)

Đón đọc Bài cuối: Kỳ vọng từ những quyết sách mới