Dân Việt

Gà lông màu đang đầy chuồng, giá thấp, vì sao lại dự báo khan hiếm sau Tết Nguyên đán?

Khương Lực 01/12/2020 20:18 GMT+7
Trao đổi với DANVIET.VN, ông Nguyễn Như Phán - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Gà giống Dabaco cho biết, nguồn cung gà thịt lông màu năm nay khác với những năm trước. Hiện tại, nguồn cung giá thấp đang dồi dào, nhưng sau Tết Nguyên đán có khả năng sẽ khan hiếm do nhiều chuồng bà con bán ra nhưng chưa có động thái tái đàn.

Thua lỗ hoặc cầm hòa kéo dài từ đầu năm đến nay đã tác động mạnh đến tâm lý các nông hộ, chủ trại nuôi gà lông màu. Nhiều hộ gia đình thua lỗ liên tục 2-3 lứa, nay đang có hiện tượng giảm đàn hoặc bỏ trống chuồng nuôi. 

Với thực trạng này, dự báo nhu cầu tiêu thụ gà lông màu dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu sẽ tăng cao đột biến và sau Tết Nguyên đán sẽ có sự khan hiếm.

Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, gà lông màu có khan hiếm? - Ảnh 1.

Dự báo nhu cầu tiêu thụ gà lông màu dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu sẽ tăng cao đột biến và sau Tết sẽ có sự khan hiếm. Ảnh: Nguyễn Chương

Thua lỗ kéo dài lại "dính" giá thức ăn tăng cao

Ông Lê Thành Sự - Giám đốc HTX chăn nuôi Đỗ Sơn (Khu 5 Đỗ Sơn, xã Đỗ Sơn, Thanh Ba, Phú Thọ) cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên chăn nuôi gà lông màu thua lỗ nhiều. Với giá bán buôn gà gi lai, gà lai chọi và gà lai Hồ tại chuồng dao động từ 46.000-47.000 đồng/kg, các trại nuôi chỉ cầm hòa hoặc lỗ kéo dài từ đầu năm đến nay.

Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, gà lông màu có khan hiếm? - Ảnh 2.

Do giá bán gà thịt ở mức thấp từ đầu năm nên ông Lê Thành Sự, Giám đốc HTX chăn nuôi Đỗ Sơn đã giảm đàn từ 60.000 con xuống còn 35.000-40.000 con. Ảnh: K.Lực.

Thế nhưng, trong 10 ngày gần đây, giá thức ăn chăn nuôi gà đột nhiên tăng cao - từ 800-1.200 đồng/kg - khiến nhiều người chăn nuôi gà lỗ sâu, khó khăn chồng thêm khó khăn. "Nếu giá thức ăn chăn nuôi tăng diễn ra dài thì sẽ không còn ai nuôi gà. Bình thường cứ 7kg thức ăn làm ra một con gà, nay giá tăng mạnh thì mỗi con gà làm ra lỗ thêm khoảng 7.000 đồng" – ông Sự cho biết.

Lý giải về việc giá thức ăn tăng mạnh, các công ty cho biết do giá nguyên liệu thế giới thời gian qua tăng nên bắt buộc họ phải tăng theo. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ dù giá thức ăn tăng mạnh, nhưng giá gà bán ra vẫn đang duy trì ở mức thấp khiến nhiều nông dân, chủ trại lo lắng.

"Hiện tại chẳng thấy ai nói chuyện về gà nữa, vì mấy ngày nay chỉ nói về giá cám. Với mức tăng giá cám hiện nay, chẳng ai dám vào đàn hay tăng đàn gà, bởi chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm tới 80% giá thành nuôi gà" – ông Sự nói.

Theo ông Sự, từ chỗ thường xuyên duy trì đàn gà khoảng 60.000 con, nay trại của ông đã thu hẹp xuống còn 35.000-40.000 con. Không chỉ riêng ông Sự, những bạn bè của ông nuôi gà trên địa bàn Phú Thọ đều có xu hướng giảm đàn gà từ 40-50%, cá biệt tại huyện Phù Ninh có hộ trước đây nuôi 5.000 con thì nay giảm đàn xuống còn 500-1.000 con.

Liệu gà lông màu có khan hiếm?

Ông Nguyễn Như Phán, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Gà giống Dabaco nhận định, vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng gà lông màu thường tăng cao, nhất là những giống gà có mào cờ để phù hợp với tập quán lễ tết của bà con.

Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, gà lông màu có khan hiếm? - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Như Phán, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Gà giống Dabaco: Vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng gà lông màu thường tăng cao, nhất là những giống gà có mào cờ để phù hợp với tập quán lễ tết của bà con. Ảnh: Nguyễn Chương

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay do bà con chăn nuôi bị thua lỗ kéo dài 2-3 lứa nên nhiều người không còn nguồn vốn để tái đàn, dẫn tới chuồng để trống rất nhiều. "Theo tôi, những ai có chuồng trống lúc này vào đàn có thể nắm bắt được cơ hội giá khá cao, gà thịt có thể khan hiếm sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021" – ông Phán nói.

Năm nay do giá thịt gà duy trì ở mức thấp tương đối dài nên hiện tại nhiều chuồng đã ra gà thịt, bà con vẫn đang lưỡng lự vào đàn. Đây là một vấn đề tác động rất nhiều đến nguồn cung gà thịt sau Tết Nguyên đán, bởi bà con thua lỗ kéo dài, dẫn tới không vào chuồng và những chuồng có vào được thì cùng với đợt mưa lũ ở miền Trung cũng làm giảm nguồn cung gà thịt cho sau Tết Nguyên đán.

Ông Nguyễn Như Phán, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Gà giống Dabaco

Dù vậy, ông Phán lưu ý, mỗi giống gà có phân khúc thị trường khác nhau và để đảm bảo đầu ra được nhanh chóng, thuận lợi bà con cần lưu ý đến đặc thù tiêu thụ ở địa phương mình. 

Trên thực tế, vào dịp cuối năm nhu cầu tiêu dùng gà lông màu thường tăng cao và có thể có mức tăng đột biến vào dịp Tết Nguyên đán và sau Tết, nhất là những con gà có mào cờ, có trọng lượng từ 2-3kg/con được bà con lựa chọn nhiều.

Theo Cục Chăn nuôi, tổng thiệt hại về chăn nuôi gà của 10 tỉnh miền Trung do bão lũ là 4,1 triệu con, chiếm 0,85% tổng đàn của cả nước và 5,78% so với tổng đàn của 10 tỉnh.

Lãnh đạo Bộ NNPTNT đã giao các đơn vị liên quan nhanh chóng khôi phục chăn nuôi, trước mắt là chăn nuôi gia cầm vì chu kỳ sản xuất ngắn tạo sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu. Tuy nhiên, việc tái đàn ở khu vực này vẫn phải chờ việc tiêu độc khử trùng một thời gian nữa mới vào đàn được.

Để vào đàn an toàn trong thời điểm giao mùa, chuyển sang vụ Đông, bà con đặc biệt lưu ý vấn đề tiêm phòng các bệnh bằng vaccine, đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh và sát trung trong và bên ngoài chuồng nuôi, nhất là các mầm bệnh xâm lấn từ bên ngoài vào.

Cùng với đó, quan tâm đến nhiệt độ chuồng nuôi, vì thời tiết về mùa Đông cũng như cuối năm nhiệt độ thay đổi giữa ban ngày và ban đêm nhiều, nhất là vào ban đêm nhiệt độ lạnh, chúng ta phải quan tâm vấn đề sưởi ấm cho đàn gà. Qua đó, người chăn nuôi sẽ duy trì được hiệu quả chăn nuôi cao.

Chăn nuôi gia cầm cả nước đã có sự tăng trưởng nóng trong năm 2019 với tổng đàn đạt 467 triệu con, tăng 14,2 % so với cùng thời điểm năm 2018. Theo Tổng cục Thống kê, đến 1/1/2020 đàn gia cầm cả nước là 481 triệu con, trong đó có 382 triệu con gà, chiếm 79,5%.