Tiếp cận người dân bằng chân tình
Vóc dáng nhỏ thó, nụ cười rạng rỡ, dễ mến, bà Hoàng Thị Quay (sinh năm 1962, thôn 3, xã Quảng Tín, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông) ngượng ngùng khi chia sẻ về "đột phá" của mình trong vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Bà vui vẻ kể, buổi trưa, bà vừa đi đến nhà một ông cựu chiến binh trong xã để tuyên truyền về lợi ích kh tham gia BHXH tự nguyện. Ông này chia sẻ, ông đã nghe thông tin trên loa truyền thanh nhưng muốn hiểu thêm, muốn được tư vấn cụ thể. Sau khi nghe bà Quay "thương thuyết" một hồi, ông đã nộp ngay tiền, nhờ bà làm cho 2 hồ sơ tham gia BHXH tự nguyện cho ông và vợ.
"Vừa ghi xong thì bà vợ từ rẫy trồng tiêu về. Thấy chồng đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, bà kêu lên: "Ô, em mua qua đại lý của bưu điện rồi". Ông chồng thắc mắc sao vợ tham gia BHXH tự nguyện mà không nói. Bà này bảo: "Thì trước kia tôi tham gia nhiều loại bảo hiểm khác, ông đều mắng tôi, lần này tham gia tôi đâu dám khoe".
Hóa ra, bà vợ từng tham gia nhiều loại bảo hiểm thương mại nhưng không thấy lợi ích gì nên bỏ. Lần này bà tham gia BHXH tự nguyện không dám nói với chồng. Nhưng ông chồng bảo, tham gia BHXH tự nguyện là chính sách của nhà nước, vừa có lợi, vừa được bảo hiểm lâu dài, ông chắc chắn ủng hộ. Đăng ký thủ tục cho họ xong, họ còn giữ tôi lại ăn trưa", bà Quay cười khoe.
Bà Quay chia sẻ, bà là người dân tộc Hoa, trước đây ở Đồng Nai, mới về làm dân của Đắk Nông từ năm 1995. Hiện bà đang công tác ở Hội Phụ nữ xã, kiêm y tế thôn bản. Bà mới trở thành đại lý thu của BHXH từ năm 2018.
"Công việc y tế thôn bản giúp tôi sâu sát được người dân trong vùng. Người nào ở độ tuổi lao động, hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế ra sao tôi đều nắm rõ cả. Từ năm 2018 đến nay, tôi đã vận động được hàng trăm người tham gia BHYT, nhiều đến mức chẳng nhớ rõ nữa", bà Quay chia sẻ.
Theo bà Quay, tại xã có vài chục dân tộc khác nhau. Bà con ít đi khám chữa bệnh nên cũng không mặn mà với thẻ BHXH, nhất là những người cận nghèo, nông dân phải tự bỏ tiền túi ra mua. Do đó, bà không chỉ vận động người dân mua thẻ BHYT mà còn luôn nắm sức khỏe của bà con, động viên bà con đi khám bệnh kịp thời.
Những người đi khám, được BHYT chi trả, bà lại lấy đó làm các tấm gương, các câu chuyện thực tế để thuyết phục người khác tham gia BHYT. Đắk R'lấp là đất nông nghiệp, bà con đều là nông dân, buổi sáng đi lên rẫy hồ tiêu, cà phê, cao su. Do đó, bà Quay thường phải tranh thủ buổi tối đến gõ cửa từng nhà để tuyên truyền. Có khi, bà lại trèo lên rẫy để tìm từng nông dân vận động. 14 thôn bon trên địa bàn xã Quảng Tín, bà Quay đã đi "mòn đường".
Không chỉ "bán xong là đi", bà Quay thường xuyên hỏi han người tham gia BHXH, BHYT, nếu họ có khó khăn gì về thủ tục, giấy tờ khi đi khám chữa bệnh, bà đều lên cơ quan BHXH để giúp họ giải quyết.
"Muốn vận động được người dân thì phải hiểu họ, đối xử với họ bằng sự chân thành thực sự, để họ tin tưởng, tín nhiệm, để họ hiểu rằng mình không "bán bảo hiểm" mà đang giúp họ tham gia một dịch vụ tiện ích, có lợi cho họ thực sự, vì họ thực sự. Nếu không người dân sẽ không nghe đâu", bà Quay chia sẻ.
Muốn người dân nghe phải hiểu
Từ tháng 11/2020, bà Quay nhận được chủ trương tăng cường tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH tự nguyện. "Trước đây, tôi cũng biết về chính sách này, tuy nhiên chưa thực quan tâm mà chỉ chú trọng vào BHYT. Nhưng giờ tôi cũng thấy chính sách này thực sự thiết thực với nông dân, không chỉ giúp mình mà còn tiết kiệm giúp các con. Người dân về già có lương hưu, sống cũng tự tin, vui vẻ hơn, không phải làm phiền con cháu", bà Quay nói.
Nhưng bà Quay lại không hiểu lắm về chính sách. Những điều bà thắc mắc về mức đóng, mức hưởng, hình thức đóng... bà đều không hiểu hoặc hiểu lơ mơ. Bà nghĩ đó cũng chính là những điều mà nông dân, bà con sẽ thắc mắc. Nếu mình không hiểu mà đi tuyên truyền, vận động, nói năng ấp úng, nói sai thì còn thuyết phục được ai.
Do đó, bà Quay đã đi tận lên BHXH huyện để "nhờ". Bà chia sẻ với các cán bộ BHXH rằng bà có nhiều điều cần phải "khai sáng" về chính sách BHXH tự nguyện. Bà nhờ các cán bộ làm cách nào để bà và người dân được hiểu rõ hơn, cụ thể hơn.
"Bác Quay đã đến nói chuyện với chúng tôi về nhu cầu của mình và bà con. Chúng tôi rất mừng và ủng hộ nhiệt tình. Chúng tôi cũng nhờ lại bác Quay tập hợp bà con có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện hoặc mong muốn tìm hiểu về chính sách đến nhà bác, sau đó chúng tôi cử cán bộ xuống tận nơi.
Chúng tôi vừa tuyên truyền tổng thể về chính sách, đồng thời giải đáp từng thắc mắc nhỏ của bà con về chính sách để bà con hiểu. Đặc biệt với một người nhiệt huyết với BHXH tự nguyện như bác Quay, chúng tôi đã "dồn lực" để bồi dưỡng, giúp bác có kiến thức để giải đáp 1001 câu hỏi "Vì sao" của bà con. Bác Quay rất nhiệt tình, nỗ lực tìm hiểu, tiếp nhận nên giờ bác ấy thực sự "làu làu" về chính sách BHXH tự nguyện rồi", ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc BHXH huyện Đắk R'lấp kể.
Tự tin về kiến thức, bà Quay lại vượt núi, băng rừng để đến từng nhà vận động. Bà biết rõ nhà nào làm ăn tốt, có khả năng tham gia BHXH tự nguyện để đến vận động cho "trúng, đúng". Buổi tối, bà mời họ đến nhà, cùng "uống nước, ăn bánh, nói chuyện phiếm", sau đó cùng nghe cán bộ BHXH tuyên truyền, giải đáp mọi thắc mắc.
Bà Quay nắm rõ về gia đình của từng người, lại tư vấn cho họ về mức đóng, cách đóng sao cho phù hợp với mùa vụ và điều kiện kinh tế của gia đình, giúp bà con có sự lựa chọn tốt nhất, hợp lý nhất.
Tin tưởng bà Quay, lại hiểu về chính sách, nhiều nông dân trong xã đã nhiệt tình tham gia BHXH tự nguyện. Bà Quay và chồng cùng đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm cho tuổi già của mình.
Từ tối ngày 18/11 đến nay, tính cả bà Quay và chồng, đã có 23 nông dân trên địa bàn xã Quảng Tín tham gia BHXH tự nguyện. "Đa số nông dân tham gia BHXH tự nguyện là người trung tuổi, con cái lớn, ổn định kinh tế. Lớp trẻ hiện tại còn nhiều mục tiêu, chi tiêu sinh hoạt, nuôi dạy con cái nhiều nên chưa tham gia được. Nhưng tôi vẫn vận động để họ hiểu quyền lợi, lợi ích và sẽ tham gia BHXH tự nguyện khi mà họ có điều kiện", bà Quay chia sẻ.
Duyên nợ với BHXH
Tâm sự thêm, bà Quay cho biết, bà không đi được xe máy trong khi địa bàn xã miền núi rất rộng. Do đó, mỗi lần đi xa, chồng bà lại đèo bà trên chiếc xe máy cà tàng. Hai vợ chồng cùng "chinh chiến" trên những con đường dốc đứng, có khi lại lầy lội vì mưa lũ. Nhưng hai ông bà rất vui vì giúp được nhiều dân bon mình. Có những lúc bà con đến hạn đóng BHYT nhưng chưa đến vụ, chưa có tiền đóng bà Quay còn tự bỏ tiền túi ra đóng giúp.
"Mình tin là bao giờ có tiền bà con sẽ trả thôi. Nếu không đóng nhỡ họ bị ốm đau, tai nạn mà không có BHYT, khó khăn hoạn nạn thì chắc mình sẽ day dứt lắm. Mình thấy mình như như có duyên nợ với BHXH vậy. Nỗ lực vận động, cư xử cho người dân tin mình. Khi người dân tin mình, tham gia BHXH, BHYT, mình lại càng phải có trách nhiệm hơn với bà con", bà Quay chia sẻ.
Sau khi trò chuyện với chúng tôi, bà Quay lại vội vã leo lên chiếc xe cà tàng để chồng chở đến chỗ hẹn với bà con. Chiều nay, bà còn mấy đối tượng tiềm năng mà bà muốn vận động.
Nụ cười tươi rói của hai vợ chồng bà càng "thắp sáng" niềm tin vào duyên nợ mà bà Quay bao năm gắn bó, giúp đưa những chính sách thiết thực, lợi ích nhất cho bà con thôn, bon mình...
Cuối năm sẽ có 50 nông dân tham gia BHXH tự nguyện
"23 người dân trong xã tham gia BHXH tự nguyện, hầu hết là người trên 40 tuổi. Có hai vợ chồng anh Vũ Tiến Lượng và chị Nguyễn Thị Kim Loan đóng ở mức rất cao, tới 4,5 triệu đồng/tháng. Mẹ đẻ của anh Lượng trước đó đã tham gia BHXH tự nguyện, có lương hưu nên anh chị rất tin tưởng vào lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện.
Hiện trên địa bàn xã có 18 nhân viên đại lý BHXH, tuy nhiên bác Quay là một trong những nhân viên nhiệt tình nhất, đã có cách vận động hiệu quả thực sự. Trước đó, đã có nhiều hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT, tuy nhiên việc vận động "ào ào" này không hiệu quả bằng vận động các nhóm nhỏ. Khi đó người dân không ngại chia sẻ các thắc mắc của mình và được giải đáp cụ thể nên họ dễ hiểu hơn.
Dự tính đến hết năm, chúng tôi sẽ vận động được khoảng 50 nông dân tham gia BHXH tự nguyện", ông Nguyễn Đức Hoàn, công chức văn hóa xã Quảng Tín cho biết.