Dân Việt

"Chật vật" thu hồi nợ, có tài sản BIDV rao bán hơn 30 lần không "đắt khách”

Huyền Anh 01/12/2020 06:15 GMT+7
Thời gian qua, BIDV đã ráo riết thu hồi nợ xấu bằng việc bán tài sản mà các doanh nghiệp thế chấp. Tuy nhiên, có nhiều khoản nợ, tài sản đảm bảo rao bán hàng chục lần vẫn “ế”.

BIDV hơn 30 lần rao bán tài sản… không "đắt khách"

Ngày 2/12 tới đây, BIDV chi nhánh Nam Hà Nội sẽ đấu giá lần thứ 13 khoản nợ của CTCP Thức ăn chăn nuôi Trung Ương. Tổng dư nợ của khoản nợ tính đến ngày 4/9 là gần 159 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 127 tỷ và dư nợ lãi, phí phạt là gần 32 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, sau nhiều lần rao bán bất thành, giá khởi điểm của khoản nợ này đã được giảm xuống còn hơn 55 tỷ đồng.

BIDV Thừa Thiên Huế lần thứ 3 thông báo đấu giá quyền sử dụng đất tại các thửa đất số 143,144,145,146 thuộc tờ bản đồ số 7 tại 100 Lê Lợi, phường Phú Hội, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tổng diện tích 04 thửa đất là 1.288m2, hình thức sử dụng riêng. BIDV cho biết, hiện thửa đất đang cho Cty CPTM Nguyễn Kim thuê để đầu tư kinh doanh.

Nhà băng này còn rao bán tài sản gắn liền với đất là toàn bộ tài sản, công cụ dụng cụ của Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim tại Huế. Giá khởi điểm của 4 thửa đất và tài sản gắn liền trên đất nói trên là 135 tỷ đồng.

Một bất động sản khác cũng đang được BIDV Thừa Thiên Huế rao bán với giá trên trăm tỷ là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại số 9 Hùng Vương, phường Phú Hội, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. BIDV rao bán thửa đất này với giá khởi điểm hơn 105,28 tỷ đồng.

Trên thực tế, việc ngân hàng rao bán tài sản nói chung và bất động sản nói riêng để thu hồi nợ không phải lúc nào cũng diễn ra một cách thuận lợi. Có những tài sản đảm bảo khiến ngân hàng phải rao bán nhiều lần, mỗi lần cách nhau khoảng 1 tháng và thông thường sau mỗi lần như vậy mức giá khởi điểm lại giảm đáng kể.

Thậm chí, để thu hồi khoản nợ của Công ty dệt may Thúy Đạt (Nam Định) bao gồm: nhà xưởng, nhà điều hành, dây chuyền sản xuất…, BIDV chi nhánh Thành Nam đã có tới 33 lần thông báo đấu giá tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một phần trong khối tài sản này vẫn không "đắt khách".

"Chật vật" thu hồi nợ, BIDV rao bán loạt tài sản… 30 lần không "đắt khách” - Ảnh 2.

BIDV "chật vật" thu hồi nợ

Bên cạnh những tài sản, khoản nợ được rao bán hàng chục lần vẫn "ế", danh sách khoản nợ, tài sản khác được BIDV rao bán lần đầu cũng ngày một gia tăng.

Đơn cử như, BIDV Nam Sài Gòn rao bán 2 quyền sử dụng đất tại Cụm công nghiệp Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ngân hàng không miêu tả cụ thể diện tích của 2 thửa đất này. Giá khởi điểm được đưa ra là hơn 77,3 tỷ đồng.

Trước đó, BIDV Chi nhánh Thành Đô thông báo chào bán tài sản của CTCP Tập đoàn Yên Khánh (Công ty Yên Khánh) để thu hồi nợ. Tài sản rao bán là 2.198.000 cổ phần của Công ty CP tập đoàn Yên Khánh tại Công ty CP Cảng tân cảng Hiệp Phước.

Công ty CP Cảng tân cảng Hiệp Phước có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty cổ phần, mã số doanh nghiệp 0309924984 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp lần đầu ngày 06/04/2010. Trụ sở công ty tại Lô A9, khu A, Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, BIDV rao bán tài sản là 271.700 cổ phần của Công ty CP tập đoàn Yên Khánh tại Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Tân Cảng.

Công ty CP Cảng tân cảng Hiệp Phước là thành viên thuộc Tổng Công Ty Tân Cảng Sài Gòn. Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Tân Cảng có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty cổ phần, mã số doanh nghiệp 03005711368 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp. Trụ sở công ty tại 722 Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.

Theo tìm hiểu, Công ty Yên Khánh tiền thân là Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh, được thành lập năm 2005, do bà Vũ Thị Hoan (sinh năm 1985) làm Giám đốc, vốn điều lệ 1,7 tỷ đồng. Tháng 4/2017, doanh nghiệp này đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh. Đến cuối năm 2017, vốn điều lệ của Tập đoàn Yên Khánh đã tăng lên 1.800 tỷ đồng.

Ngày 22/11/2018, Cơ quan Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam bà Vũ Thị Hoan về tội "vi phạm các quy định về quản lý đất đai" theo Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đến tháng 10/2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bà Hoan liên quan tới sai phạm trong việc đấu thầu, thu phí tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương.

Tài sản thanh lý ế ẩm, nợ xấu xử lý ra sao?

Tài sản đảm bảo dù rao bán nhiều lần vẫn ế ẩm, theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, nguyên nhân chính là do nền kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản nói riêng và thị trường giao dịch tài sản nói chung thanh khoản rất thấp, sức cầu yếu nên dù giảm giá vẫn không có người mua. Thêm nữa, quy định không cho phép giảm giá quá nhiều, mỗi lần giảm chỉ nhỏ giọt. Vì thế một số tổ chức tín dụng buộc phải giảm giá đến 5 lần, 10 lần, thậm chí hàng chục lần vẫn chưa phát mãi được tài sản.

Mặt khác, TS. Cấn Văn Lực nhận định vẫn còn hiện tượng thiếu hợp tác của bên đi vay nên ngay cả khi đấu giá xong rồi thì quy trình, thủ tục để chuyển giao tài sản vẫn rất phức tạp. Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng liên quan theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vẫn còn thiếu đồng bộ.

Vì vậy, để giải bài toán "ế khách" của các ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực đề xuất luật hóa câu chuyện xử lý nợ xấu: "Phải đưa nó thành luật, thành trách nhiệm rất cụ thể thì mới hy vọng sự vào cuộc mạnh mẽ và hiệu quả hơn của các cơ quan chức năng có liên quan. Khi đó xử lý nợ xấu nó sẽ trở thành câu chuyện thường nhật".

Hình thành một thị trường mua bán nợ bao gồm cả nợ xấu và nợ bình thường cũng là một giải pháp được ông Lực đưa ra nhằm tăng cơ sở mua bán cho nhà đầu tư, giúp thanh khoản tốt hơn, thị trường nhộn nhịp hơn. Khi đó, câu chuyện mua bán nợ sẽ công khai, minh bạch hơn và các giao dịch có thể kiểm soát, cũng như thu thuế đầy đủ.