Hơn tuần nay, trời mưa liên tục, mưa như trút nước từ trên cao xuống. Cánh đồng đã gặt xong từ hồi tháng trước nứt nẻ, khô toang toác giờ ngập trắng.
Những cơn lũ chực chờ từ trên thượng nguồn ào xuống lúc nào không hay. Đây cũng là lúc lũ cá nhớ đồng từ các bàu sen, kênh, mương, sông, suối tràn lên theo con nước bơi tung tăng như trẩy hội trên ruộng.
Kéo theo đám người từ người lớn đến trẻ con tùm hụp áo mưa, tay lưới, tay lờ… lội đồng đi “đón” cá.
Khi cá ức nước…
Cánh đồng làng Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) mấy hôm nay sũng nước. Không còn phân biệt đâu là ruộng, đâu là bàu sen.
Từ sáng sớm, ông Trương Văn Minh, làm nghề thợ nề ở thôn Tân Ninh (cùng xã Hòa Liên) cùng mấy người bạn ở các làng lân cận đã rủng rỉnh vác lưới ra đồng bắt cá.
Ông bảo: “Bữa ni nước lớn ít người giăng lưới, chớ mấy bữa trước trời vừa mới mưa xong, bà con đi đông lắm. Ở đây gần bàu sen Hòa Liên, Hòa Sơn rộng mấy héc ta. Mưa to, cá rô, cá giếc, cá mại, cá sặt… từ bàu tung tăng tràn ra ruộng. Chỉ cần vài tay lưới giăng ngang dọc trên cánh đồng trong buổi sáng thì chí ít cũng bắt được dăm ba ký cá…”.
Trong khi người lớn giăng câu, thả lưới thì bọn trẻ tha hồ nghịch nước mưa. Chúng chơi trò kết bè, thả thuyền giấy hay bắt dế… trên cánh đồng xâm xấp nước.
Mùa lụt, nước ngập hang, lũ dế leo lên cây sắn, dây khoai lang, dạt ra bờ cỏ sát mé nước hay bấu víu trên nhánh củi rều lênh đênh trôi.
Chỉ cần một cái quơ tay đã tóm được gần chục con dế. Trong khi đó, từng đàn chim én, chim nhạn bay là đà sát mặt nước kiếm mồi làm xao động cả vùng quê yên ả.
Dường như trời đất cũng thật chí tình khi ban loài cá bản năng nhận biết lúc nào nên sống ở đâu và lúc nào thì về đâu để duy trì nòi giống.
Ông Trương Mênh, ở phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), một ngư dân lão luyện có hơn 40 năm đánh bắt cá trên sông Thủy Tú đã chiêm nghiệm như thế. Khi bắt đầu mùa mưa lũ, cá trong ao hồ sông rạch vào mùa sinh sản.
Trời làm mưa già, nước sông chảy cuồn cuộn dâng cao. Cá, tôm lục tục rủ nhau làm chuyến vượt ao hồ chật chội, giã từ kênh mương, sông rộng chảy xiết mà lên cánh đồng để “vượt cạn”. Một chuyến đi đầy nỗi nhớ và nhọc nhằn trong cuộc sinh tồn.
Ông Mênh cũng cho rằng, riêng giống cá gáy (chép) thường theo dòng nước lũ tấp vào các chân cầu, cống ven sông hoặc bờ phá, ven đầm để đẻ trứng vào các đám rong rêu, lục bình. Vì vậy, các tay “sát ngư” cứ bám vào dòng nước xoáy chân cầu mà cất tủ (một loại rớ nhỏ), cất vó.
Như đợt bão số 5 vừa rồi, dân cất tủ dọc sông Túy Loan, sông Yên… có khi cất được hàng chục ký cá gáy trong một buổi sáng. Có con nặng 5-7 ký, thậm chí cả chục ký. Con nào con nấy bụng căng cứng lớp trứng vàng hườm bóng nhẫy.
... Và người ức cá
Bên chân cầu Túy Loan dềnh dàng con nước lớn đỏ ngầu, ông Nguyễn Văn Cần - người làng Túy Loan đang kiên trì kéo tủ. Đám đông hiếu kỳ gồm cả người lớn và trẻ con bu quanh vừa theo dõi động tĩnh của vừa bình luận rôm rả.
Chẳng một ai trong họ để ý trời mưa một lúc một nặng hạt. Có người đi ngang trên cầu dừng xe, áng chừng là người quen cất tiếng hỏi: “Sáng chừ có cá nhiều không?”.
Từ dưới bờ sông có tiếng mấy người nói vọng lên: “Cũng vừa đủ mồi cho kèo xem đá bóng chiều ni…”. Tiếng cười, tiếng nói trên bờ xôn xao cả đám lục bình trôi lãng đãng giữa dòng sông.
Năm nay tiên lượng lũ chồng lũ. Nhiều nhà dân ven sông Túy Loan, sông Yên bận rộn dọn đồ đạc đề phòng nước lớn.
Dù vậy, ngoài cánh đồng và các mố cầu lớn nhỏ ven sông vẫn đông người đi giăng câu, cất vó. Dường như, trong sâu thẳm mỗi người dân xứ ruộng việc dầm mưa đi “đón cá” trên cánh đồng trong mùa mưa lũ đã thành một nét sinh hoạt dân dã, một thú tiêu dao khó tìm được nơi phố thị.
Không chỉ cá nhớ đồng tìm về sinh đẻ mà người xa quê cũng nhớ đồng da diết. Trong những người đi giăng lưới ở cánh đồng Vân Dương 2 hôm ấy có chàng trai Lê Trường Sơn, 25 tuổi, dân gốc Quảng Trị.
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương V, Sơn đi làm ở Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Ngày Chủ nhật nằm ở phòng trọ nghe tiếng mưa rơi bồm bộp trên mái tôn mà nhớ quê da diết.
Thấy mọi người chung quanh í ới rủ nhau ra đồng giăng lưới kiếm cá, anh cùng 3 bạn đồng hương ra chợ Nam Ô mua ngay mấy tay lưới…Trường Sơn tâm sự: “Dầm mưa cả buổi chỉ kiếm mớ cá “long hội” (nói lái là lôi họng, ý chỉ cá nhỏ nhiều xương) thì chẳng bõ bèn gì. Nhưng được cái là đỡ nhớ nhà, nhớ quê. Cái máu nông dân nó ăn sâu trong xương tủy rồi không bỏ được!”.
Trong khi dân bắt cá “nghiệp dư” xăng xái từ trên ruộng xuống mé sông thì dân đi cá chuyên nghiệp trên các sông lớn lại hạ càng, cuốn rớ. Lý do là nước thượng nguồn về chảy xiết, mang theo củi rều, rác rưởi.
Lục bình kết thành bè trôi kín mặt sông khiến rớ có nguy cơ thủng, rách. Một số hộ chuyển sang đặt đáy, thả lừ. Chờ vài bữa nước hạ, cá từ đồng quay lại sông, cá theo dòng nước trôi ra cửa biển Nam Ô tìm đường vô trở lại sông. Lúc đó lại lên rớ làm cá như trước…
Cá đồng-Vơi cạn lộc trời
Mùa cá nhớ đồng về sinh sôi nảy nở được người dân Hòa Vang ví như lộc trời cho. Và người nông dân vùng chiêm trũng luôn có cách “đón cá” như ngày hội.
Những ngày này, đi đâu cũng gặp người câu cá, rớ cá, thả lưới… Cá vừa bắt lên từ dòng nước đỏ ngầu phù sa giãy đành đạch trong giỏ, trong thùng được đem về nhà chế biến những món ngon đậm mùi quê kiểng.
Bữa cơm ngày lụt sẽ có thêm đĩa cá rô chiên giòn chấm mắm gừng, tô canh cá tràu (lóc) nấu chua với chuối khế hoặc mớ cá vụn kho lá gừng, lá nghệ.
Bữa nào hên bắt được con cá gáy bụng đầy trứng thì cả nhà hôm đó có dịp sì sụp quanh nồi cháo cá ngọt lừ rắc tiêu hành, thơm... điếc mũi.
Và nếu như bọn trẻ sau một hồi lang thang nghịch nước ở cánh đồng đem về giỏ dế mèn, dế than thì món dế chiên mằn mặn với ớt, tỏi, tiêu ăn vừa béo, thơm, vừa giòn ăn cùng cơm lúa mới hay cuốn lá dông (vông) nhậu lai rai thì đúng một tuyệt tác.
Cầu kỳ hơn, có món bánh xèo dế vàng ruộm, nóng hổi vừa thổi vừa ăn, mặc cho ngoài trời mưa tuôn xối xả…
Hôm đi qua cầu Bung ở thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Khương, nước dưới chân cầu cuồn cuộn chảy. Một nhóm người già có, trẻ có tụ tập trên cầu xem người ta kéo tủ và bàn tán sôi nổi. Mỗi lần chiếc tủ được kéo lên, mấy chục con mắt đều săm soi dòm ngó, chực chờ...
Nhiều người đều cho rằng, cá đồng mỗi ngày một hiếm. Các giống cá bản địa quen thuộc sống tự nhiên như rô đồng, bống, giếc, dưng, trảnh… ngày càng vắng bóng.
Thay vào đó, các giống cá lai được nuôi ở các ao hồ, thủy điện như rô phi, điêu hồng, trắm cỏ,... sau nhiều đợt mưa lũ đã vượt hồ ra sông ra ruộng. Những giống cá lai này ăn tạp, mắn đẻ… đã dần dần chiếm lĩnh môi trường sống và đẩy lùi cá bản địa vào đường cùng!
Theo lời kể của các bậc cao niên trong vùng, thì sông, suối, đồng ruộng ngày xưa cá, tôm nhiều vô kể. Một trong những lý do là những cánh đồng ngày trước chưa bị ô nhiễm bởi thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ như bây giờ. Người dân cũng không ai biết dùng xung điện đánh bắt cá. Vì thế, đến mùa nước lên, cá về đồng sủi bọt như cơm sôi.
Ông Trương Mênh thỉnh thoảng vẫn kể lại “chiến tích” khi bắt được con cá vượt nặng 26 ký vào mùa mưa năm 2002 trên sông Thủy Tú. Bây giờ thì cá tự nhiên trên sông cũng cạn kiệt dần. Kiếm được con cá to khó như mò kim đáy bể.
May ra đến mùa thủy điện xả lũ thì có được con trôi, con trắm cỏ, con gáy nặng chừng mươi ký đã là kỳ tích. Bây giờ hiếm cá, ngư dân kiếm sống gian nan lắm. Nếu cứ đà tận diệt bắt cá bằng xung điện, ô nhiễm môi trường ruộng đồng, sông suối như hiện nay không được khắc phục thì lộc trời cho cũng dần vơi cạn.