Bình Phước: Nông dân đến khổ, trồng cây sa chi ra "vua" của các loại hạt, nhưng phơi vạ vật chưa thấy ai mua

Thứ ba, ngày 01/12/2020 09:15 AM (GMT+7)
Trước thực trạng hồ tiêu chết, xuống giá, một số loại cây trồng thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ “được mùa mất giá, mất mùa được giá”…, nhiều nông hộ trên địa bàn thị xã Bình Long (tỉnh Bình Phước) đã chuyển sang trồng cây sa chi. Cây sa chi này vốn được mệnh danh là “vua” của các loại hạt.
Bình luận 0
Thế nhưng, khó khăn hiện nay là cây sa chi đã bắt đầu được thu hoạch nhưng người nông dân không thể tìm đầu ra cho sản phẩm.
Bình Phước: Nông dân đến khổ, trồng cây sa chi ra "vua" của các loại hạt, nhưng phơi vạ vật chưa thấy ai mua - Ảnh 1.

Cây sa chi sau khi thu hoạch trái, nông dân một số địa phương của thị xã Bình Long (tỉnh Bình Phước) phơi khô hạt sa chi tách lấy nhân như đối với hạt điều

Hồ tiêu bệnh, cao su xuống giá, tận dụng 5 sào đất trong vườn nhà, tháng 4-2019, hộ ông Phương Công Ký ở xã Thanh Phú, thị xã Bình Long (tỉnh Bình Phước) chuyển sang trồng cây sa chi với hy vọng tăng thu nhập cho gia đình. 

Với đầu tư ban đầu cho 5 sào đất, gồm hệ thống cọc bêtông, dây kẽm, đào rãnh thoát nước và mua hạt giống khoảng 40 triệu đồng, chỉ sau 8 tháng, cây sa chi bắt đầu cho thu trái.

Ông Ký cho biết, cây sa chi rất dễ trồng, ít sâu bệnh, năng suất cao và phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh Bình Phước. Với 5 sào đất, trong năm đầu có thể thu hơn 5 tạ hạt sa chi khô. 

Giá bán hạt sa chi hiện nay trên thị trường khoảng 80.000 đồng/kg, người trồng vẫn có lãi mà không tốn nhiều công chăm sóc, người già, trẻ nhỏ đều có thể thu hoạch được. 

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là không có thương lái, doanh nghiệp tìm đến thu mua hạt sa chi, gia đình ông Ký đã phải tự chế tạo máy tách hạt, rang và đóng gói bằng phương pháp thủ công rồi bán với số lượng “nhỏ giọt” qua mạng internet.

Cũng như hạt điều, sau khi thu hoạch hạt sa chi cần được phơi khô, tách vỏ nhưng với diện tích nhỏ lẻ, nhiều nông hộ chưa thể đầu tư máy tách hạt trị giá hàng chục triệu đồng. 

Hầu hết các hộ dân trồng cây sa chi làm bằng phương pháp thủ công nên hiệu quả không cao. 

Sau khi rang sấy, hạt sa chi có giá bán hiện nay trên thị trường khoảng 150.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khó khăn của người nông dân là tìm đầu ra cho sản phẩm hạt sa chi.

Ông Ký cho biết thêm: Cây sa chi có rất nhiều ưu điểm và có thể trở thành một trong những mặt hàng nông sản mới của tỉnh Bình Phước bên cạnh các loại hạt như điều, cà phê, ca cao giàu dưỡng chất. 

Tuy nhiên, để có chỗ đứng trên thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm, người trồng sa chi đang rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. 

Đặc biệt là làm tốt công tác truyền thông, quảng bá, giúp người dân có thêm thông tin về công dụng của loại hạt sa chi này, từ đó góp phần tiêu thụ sản phẩm.

Đặc tính dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, hiện nay trên địa bàn xã Thanh Phú (thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước) đã có 10 hộ trồng cây sa chi với diện tích hơn 2,5 ha.

Tuy nhiên, hầu hết các hộ trồng cây sa chi này đang gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm hạt sa chi. Giải quyết bài toán này chỉ có thể là sự liên kết, đồng hành tham gia chế biến sâu, kể cả trong thu mua và bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp.

Đặc biệt là sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong việc định hướng, hỗ trợ người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, trong đó có trồng cây sa chi, đảm bảo đầu ra cho nông sản, trong đó có hạt sa chi.


Minh Luận (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem