Trước đó, vào ngày 26/10/2020 Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, ra Quyết định số 2744/QĐ-BCT về việc thành lập Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2020.
Đến ngày 13/11/2020, Hội đồng ra thông báo về việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 103.000 tấn đường năm 2020.
"Theo đó, Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2020 đã thông báo tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 103.000 tấn đường (mã HS 17.01) năm 2020 vào Thứ Tư, ngày 02/12/2020 tại Phòng họp tầng 2, Bộ Công Thương, 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tuy nhiên, đến hết thời hạn nhận hồ sơ (17h00 ngày 24/11/2020), Hội đồng đấu giá không nhận được hồ sơ tham gia đấu giá nào của thương nhân. Căn cứ quy định tại Luật đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá thông báo không tổ chức Phiên đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2020 do không có thương nhân đăng ký tham gia", đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Sáng ngày 1/12/2020, Trung ương Hội nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương cùng phối hợp chỉ đạo, giao cho Cục Phòng vệ Thương mại và Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức Hội thảo "Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới".
Tại Hội thảo, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), cho biết thực hiện cam kết của Việt Nam trong ASEAN liên quan tới việc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo WTO, Việt Nam đã bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho các nước ASEAN kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.
Kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan cho ASEAN, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh, trong 9 tháng đầu năm đạt gần 1.064.766 tấn, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2019 (khoảng 206.600 tấn).
Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu, chiếm 89,7% tổng lượng nhập khẩu vào Việt Nam. Lượng nhập khẩu từ Thái Lan đạt gần 960.000 tấn trong 9 tháng đầu năm 2020 (trong khi lượng nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2019 chỉ là 182,132 tấn, cả năm 2019 là 300.000 tấn). Ngược lại, sản lượng đường mía trong nước niên vụ 2019/2020 ước tính chưa tới 800 nghìn tấn, sụt giảm so với 1,2 triệu tấn của niên vụ 2018/2019.
Cũng theo ông Dũng, ngành sản xuất trong nước đã cung cấp các thông tin, bằng chứng cho thấy sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá vào Việt Nam và Chính phủ Thái Lan đã và đang duy trì một số chính sách trợ cấp cho hoạt động trồng mía của người nông dân và ngành sản xuất mía đường.
Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của các doanh nghiệp đại diện cho ngành, tháng 9 năm 2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Trước đó, tháng 6 năm 2020, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 1715/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (còn gọi là HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
"Hiện tại, cả hai vụ việc đều đang trong quá trình điều tra. Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiến hành điều tra theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật liên quan nhằm thiết lập một môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước trước các hành vi phản cạnh tranh từ bên ngoài", ông Dũng khẳng định.