Ngành mía đường khó khăn kép: Giải pháp vẫn còn đi sau và thiếu tính thực tiễn

PV Thứ tư, ngày 02/12/2020 07:55 AM (GMT+7)
Bế mạc Hội thảo giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới, ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam đã khái quát lại những nội dung thảo luận chính của phiên làm việc, trong đó có giải pháp bức thiết để gỡ khó cho ngành mía đường.
Bình luận 0
Ngành mía đường đứng trước khó khăn kép trong năm 2020 - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam phát biểu tại Hội thảo giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới

Ông Phạm Tiến Nam khẳng định vấn đề giải pháp cho ngành mía đường là nội dung không mới nhưng vẫn mang ý nghĩa thời sự cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi các doanh nghiệp và người nông dân trồng mía chịu áp lực lớn từ các hiệp định thương mại tự do.

“Ngành mía đường đang đứng trước khó khăn kép trong năm 2020, vừa phải đối mặt với những thách thức khi hội nhập và thực hiện hiệp định ATIGA, vừa phải gánh chịu những hệ lụy từ đại dịch Covid-19. Nếu không có giải pháp mạnh để gỡ khó, hệ lụy từ khó khăn của ngành mía đường nói riêng đến nền kinh tế chung là rất lớn”, ông Nam khẳng định.

Theo Phó Chủ tịch Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 330.000 hộ nông dân trồng mía với tổng cộng khoảng 1,5 triệu người lao động tham gia vào chuỗi giá trị ngành mía đường, một con số lớn đáng kể. Từ góc độ Trung Ương Hội Nông dân - cơ quan đại diện cho tiếng nói của giai cấp nông dân, việc tìm ra giải pháp cứu nông dân trồng mía, ổn định sinh kế là điều cấp thiết. 

Tổng hợp từ 24 ý kiến phát biểu của các đại biểu, nông dân, doanh nghiệp và chuyên gia tham dự Hội thảo giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới, ông Nam tổng kết lại thành 2 nhóm giải pháp chính bao gồm:

- Nhóm giải pháp mang tính nội tại: tức nâng cao năng suất chất lượng sản xuất và đổi mới sáng tạo trong công nghệ sản xuất. Theo ông Nam, nhóm giải pháp này phụ thuộc chủ yếu vào tiềm lực doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chấp nhận hiệp định ATIGA là cơ hội hội nhập và cạnh tranh sòng phẳng với thị trường quốc tế; từ đó tự làm mới mình, nâng cao năng suất chất lượng để cạnh tranh một cách bình đẳng, tồn tại trong tình hình mới.

- Nhóm giải pháp chính sách: tức các chính sách hỗ trợ của cơ quan ban ngành và Chính phủ. Ông Nam chỉ ra rằng Chính phủ và các ban ngành liên quan đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ ngành mía đường, từ Nghị định 89, Quyết định 68, Quyết định 1.369, Quyết định 4.612 và gần nhất là Chỉ thị 28. Điều này thể hiện sự lường trước khó khăn của ngành mía đường trong bối cảnh mở cửa và thực hiện hàng loạt hiệp định thương mại tự do. Nhưng cho đến nay, các động thái để cứu ngành mía đường vẫn được đánh giá là đi sau và thiếu tính cụ thể để triển khai trên thực tiễn.

Bế mạc Hội thảo giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới, Phó Chủ tịch Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu, doanh nghiệp, nông dân và chuyên gia để tập hợp thành một kiến nghị toàn diện trình lên Quốc hội. Bên cạnh đó, Trung Ương Hội Nông dân sẽ làm việc với Bộ Công Thương cũng như Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn để thực hiện khảo sát thực tế đánh giá tình hình doanh nghiệp, khó khăn của người nông dân; từ đó đưa ra các đề xuất hỗ trợ, chính sách phù hợp với thực tiễn trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem