Lúng túng quản lý
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), hiện cả nước có 42/63 tỉnh đang nuôi chim yến. Năm 2017, tổng số nhà yến cả nước có khoảng 8.300 nhà, đến tháng 8/2019, đã tăng lên hơn 11.700 nhà yến, tổng sản lượng yến sào đạt khoảng 100 tấn/năm.
Trong đó, tỉnh có số lượng nhà yến tăng cao nhất là Khánh Hòa (4,96 lần), Lâm Đồng (4,63 lần); 2 tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất là Kiên Giang với khoảng 2.500 nhà; Bình Thuận 1.204 nhà yến…
Về xây dựng, vận hành nhà yến hiệu quả, các chuyên gia tại diễn đàn nhấn mạnh cần đảm bảo các yếu tố chọn vị trí thuận lợi, làm nhà đúng kỹ thuật… Độ ẩm trong nhà yến nên duy trì tốt nhất từ 70-90%.
Về mùi dẫn dụ, cần cân nhắc khi sử dụng mùi nhân tạo, nên dùng phân chim tự nhiên để tạo mùi. Âm thanh, nên tuân thủ quy định về cường độ, thời gian phát, loa ngoài đặt hướng lên trời để hạn chế làm phiền các hộ xung quanh.
Tại 12 tỉnh có phân loại nhà yến thì nhà yến xây kiên cố chiếm 51,81% (2.507/4.839), tỉnh có nhà yến kiên cố nhiều nhất là Kiên Giang, trên 1.050 nhà.
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, việc dẫn dụ, gây nuôi chim yến và khai thác sản phẩm từ yến là một nghề cho hiệu quả kinh tế rất cao. Sản phẩm tổ yến chủ yếu được các công ty chế biến xuất khẩu, thu về 200-300 triệu USD/năm.
Song cũng chính vì nghề này mang lại thu nhập rất cao mà ở nhiều địa phương, nghề nuôi chim yến phát triển nóng, dẫn tới nhiều hệ lụy. Ước tính có khoảng 90% nhà yến nằm xen kẽ trong khu dân cư, gây tiếng ồn ảnh hưởng tới các hộ xung quanh.
Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chỉ rõ: Do phát triển tự phát nên sản phẩm yến chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, yến chủ yếu xuất thô và tiểu ngạch nên chưa phát huy hết giá trị…
Thậm chí nhiều nhà yến làm xong tiêu tốn cả tỷ đồng nhưng không phù hợp, không dẫn dụ được chim yến về làm tổ hoặc dụ được rất ít, gây thiệt hại rất lớn cho người dân.
Bên cạnh đó, việc săn bắt chim yến sử dụng vào mục đích khác (giết thịt, phóng sinh) cũng đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, tình trạng xây mới nhà nuôi yến, hay xây nhà ở sau đó cơi nới, chuyển thành nhà nuôi yến cũng khá phổ biến, khiến chính quyền, cơ quan chuyên môn không thể kiểm soát.
Năm 2013, Bộ NNPTNT đã ban hành Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến. Năm 2020, Luật Chăn nuôi chính thức có hiệu lực và văn bản hướng dẫn luật giao cho UBND tỉnh xin ý kiến của HĐND tỉnh quy định vùng nuôi chim yến. Tuy nhiên đến nay, đại đa số các tỉnh chưa có quy định này. Theo đó, từ 1/1/2020 nhà yến hiện có phải giữ nguyên hiện trạng theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP.
Nhanh chóng quy hoạch vùng nuôi
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nghề nuôi chim yến phát triển nhanh trong khi thiếu các hướng dẫn, quy định kỹ thuật đã tạo ra nhiều kẽ hở trong công tác quản lý nhà nước về nuôi chim yến. Thực tế cho thấy, nghề nuôi chim yến của nước ta có triển vọng rất lớn, là ngành cho sản phẩm có giá trị rất cao.
Tuy nhiên, không phải địa phương nào, vùng nào cũng có thể phát triển nghề nuôi chim yến mà cần có quy hoạch vùng nuôi, đồng thời có những giải pháp đồng bộ về quản lý, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...
Bà Hạ Thúy Hạnh cho biết, thực tế đã có những doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến sản phẩm yến để xuất khẩu như Công ty Yến sào Khánh Hòa, Công ty Yến Quân, Chi hội nhà yến Việt Nam, Hiệp hội trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam...
Các đơn vị đã áp dụng công nghệ cao vào khâu ấp trứng, nuôi nhân tạo, di đàn, xây nhà yến, dẫn dụ, khai thác tổ yến với quy mô lớn, chế biến sâu; xây dựng trung tâm kiểm định chất lượng tổ yến, sử dụng phần mềm để quản lý nhà yến uy tín, xây dựng mã định danh quốc gia cho từng nhà yến, truy xuất nguồn gốc để phục vụ xuất khẩu…
Theo TS Đỗ Minh Nhựt – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Kiên Giang, số nhà yến ở Kiên Giang gia tăng nhảy vọt trong những năm gần đây. Ban đầu, nhà yến chủ yếu là những nhà tiền chế, nhà ở cải tạo, nâng tầng, từ 2019 đến nay hầu hết là những nhà nuôi kiên cố từ 3 tầng trở lên, nhiều nhà trông như biệt thự.
Ước tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có 1.284 nhà tiền chế, nhà ở cải tạo bên trong nâng tầng để nuôi chim yến và 1.576 nhà kiên cố nuôi chim yến từ 3 tầng trở lên.
Tuy nhiên, theo ông Nhựt, đa số tổ yến sản xuất ra chưa được truy xuất nguồn gốc. Có không ít nhà yến không có chim vào làm tổ, hoặc có nhưng sản lượng thu hoạch tổ yến không cao. Đa số nhà yến đều ở khu vực nội thành, khu dân cư tập trung, gây ô nhiễm tiếng ồn từ việc phát loa dẫn dụ và tiếng kêu của chim yến, gây khó khăn trong công tác quản lý dịch bệnh…
Tổng kết diễn đàn, TS Hạ Thúy Hạnh kiến nghị Cục Chăn nuôi tiếp tục phối hợp Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức các hoạt động truyền thông, đào tạo kỹ thuật, tài liệu hóa các yêu cầu điều kiện về quản lý nuôi chim yến, tăng cường hoạt động quản lý nuôi chim yến theo Luật Chăn nuôi.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đẩy nhanh việc ký kết nghị định xuất khẩu yến chính ngạch; các hiệp hội, chi hội nhà yến Việt Nam đẩy mạnh truyền thông, xây dựng chuỗi nhà yến theo quy định, đảm bảo yêu cầu chất lượng tổ yến... Về phía người nuôi yến, cần nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, khai thác sản phẩm yến có trách nhiệm, tham gia các chuỗi sản xuất yến bền vững, tích cực tham gia các lớp đào tạo kỹ thuật tư vấn về yến của địa phương để nuôi yến đem lại lợi nhuận và hiệu quả.