VKSND Tối cao vừa thông báo rút kinh nghiệm trong kiểm sát thi hành án dân sự về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Theo đó, quá kiểm sát hồ sơ tổ chức THA dân sự về việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, VKSND Tối cao (Vụ 11) nhận thấy, có một số dạng vi phạm của CHV, Cơ quan THA dân sự trong việc tổ chức THA, vi phạm của các tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản THA.
Với vi phạm của CHV, cơ quan THA dân sự, đối với những vụ việc THA dân sự về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thường có nhiều người phải THA, các khoản nghĩa vụ phải tổ chức thi hành lớn, nhất là việc kê biên, xử lý nhiều tài sản đảm bảo THA (đa số là bất động sản), nên nhiều trường hợp CHV chỉ tập trung giải quyết, xử lý đối với những tài sản dễ thi hành, những tài sản có khó khăn, vướng mắc sẽ chậm đưa ra tổ chức thi hành, dẫn đến việc chậm thu hồi tài sản cho Nhà nước và người được THA.
Qua kiểm sát hồ sơ tổ chức THA dân sự về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Vụ 11 VKSND Tối cao đã phát hiện những vi phạm có tính phổ biến của CHV, Cơ quan THA dân sự.
Cụ thể như chậm xác minh điều kiện THA; ra quyết định chưa có điều kiện THA không đảm bảo căn cứ; chậm thông báo THA; chậm thanh toán tiền THA.
Cùng với đó, nhiều vi phạm cũng được phát hiện như không ra quyết định hoãn THA trong thời gian chờ Tòa án giải thích bản án; không thông báo bằng văn bản gửi cơ quan đăng ký đất đai về việc kê biên, xử lý tài sản; không xác minh về thời hạn sử dụng đất trước khi tiến hành kê biên; chậm ra thông báo thụ lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo về THA…
Trong đó, có một số vi phạm điển hình như CHV không có hoạt động tác nghiệp tổ chức THA để xử lý tài sản trong nhiều năm. Có trường hợp sau 18 năm mới có hoạt động xác minh đối với tài sản, dẫn đến thời hạn giải quyết việc THA bị kéo dài, vi phạm quy định của Luật THA dân sự.
Bên cạnh đó, CHV không yêu cầu Tòa án cung cấp quyết định kê biên, biên bản kê biên tài sản đảm bảo THA để có căn cứ xác minh, xử lý tài sản THA. Khi xác minh tài sản, phát hiện có sự mâu thuẫn giữa thực tế tài sản và nội dung bản án tuyên, nhưng CHV không kịp thời yêu cầu Tòa án giải thích bản án.
Có trường hợp sau 10 năm mới có văn bản yêu cầu Tòa án giải thích, vi phạm quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 23 Luật THA dân sự.
Ngoài ra, CHV ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá tài sản với tổ chức không được Cục quản lý giá – Bộ Tài chính cấp phép về thẩm định giá theo quy định, không được đăng tải trên cổng thông tin của Bộ Tài chính.
VKSND Tối cao cũng nhận thấy vi phạm về việc thu hồi quyết định về THA. Theo đó, có trường hợp quá trình tổ chức THA, Cơ quan THA dân sự đã ban hành quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng đối với tài sản đảm bảo THA của người phải THA.
Khi Tòa án giải quyết theo thủ tục phá sản, các bên đương sự đã cấn trừ nợ cho nhau, người phải THA không còn nghĩa vụ phải THA, nhưng Cơ quan THA dân sự không kịp thời ra quyết định thu hồi quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng đối với tài sản theo quy định.
VKSND Tối cao cũng xác định, có nhiều vi phạm của tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản THA liên quan.
Với vi phạm của tổ chức thẩm định giá, tổ chức tư vấn và định giá không có chức năng thẩm định giá nhưng đã tiếp nhận, ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá tài sản THA.
Có việc thẩm định giá nhưng chưa áp dụng đầy đủ quy định về tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam…
Với tổ chức bán đấu giá, công ty đấu giá tài sản trong quá trình tổ chức bán đấu giá đối với một số nhà, đất là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất đã đăng thông tin bán đấu giá trên bản tin hàng ngày "Thị trường" của Học viện Tài chính, không phải là báo in, báo hình của Trung ương hoặc địa phương.
Có trường hợp Công ty đấu giá tài sản tổ chức việc bán đấu giá trước thời gian được niêm yết trong thông báo bán đấu giá tài sản…